Độc đáo môn chọi bò ở Hội xuân Khuổi Nộc
BBK- Mùa hoa đào, hoa mận bung nở, người dân thôn Khuổi Nộc, xã Lương Thượng (Na Rì) lại háo hức đón hội chọi bò – nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Mông, điểm nhấn đặc sắc trong Hội xuân.
Hội xuân Khuổi Nộc được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng hằng năm, khi người dân đang hòa mình vào không khí trẩy hội đầu năm, đón chào một mùa xuân mới tràn đầy hy vọng. Ngay từ sáng sớm, những con đường nhỏ dẫn vào thôn đã nhộn nhịp tiếng xe, tiếng cười nói của người đi xem hội. Không chỉ có người dân địa phương mà du khách thập phương cũng kéo về đây để tận hưởng bầu không khí sôi động, hòa mình vào lễ hội độc đáo này.
Khác với hội chọi trâu, trong khi những chú trâu được chăm sóc kỹ lưỡng, huấn luyện bài bản để tham gia các cuộc thi đấu đầy kịch tính. Thì những con bò này vẫn lặng lẽ gánh vác công việc đồng áng, kéo cày, bừa đất, trở thành những người bạn đồng hành thân thiết của người Mông.
Đến với hội thi, người chủ sẽ lựa chọn những con bò khỏe mạnh, dũng mãnh nhất để tham gia. Vì vậy, chọi bò không chỉ là một cuộc tranh tài mà còn thể hiện sự tôn trọng, yêu quý đối với loài vật này.
Sàn đấu của các chú bò thường là một bãi đất trống rộng lớn. Hội xuân năm nay có 8 con bò tham gia thi đấu, bao gồm 6 con của người dân trong tỉnh Bắc Kạn và 2 con của tỉnh Cao Bằng.
Từ đêm trước ngày thi đấu, anh Dương Văn Mái ở thôn Nà Chúa, xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn đã dắt chú bò to khỏe nhất của mình qua Hội xuân Khuổi Nộc. Anh Mái chia sẻ: "Con bò tốt là con bò có cặp sừng nhọn, cong về phía trước, đôi mắt không quá to và sâu. Khi vào trận đấu bò sẽ hung hăng và hiếu chiến hơn."
Khi hai chú bò được đưa vào sân, không khí trở nên căng thẳng, hồi hộp. Bò vừa đi vừa gườm đối thủ, chân trước cào lên mặt đất, mũi thở phì phò, sẵn sàng chiến đấu. Tiếng hò reo của người dân vang lên khắp nơi, cổ vũ tinh thần cho những “chiến binh” mạnh mẽ. Hai con bò đối đầu, dùng sức mạnh của những chiếc sừng để hạ gục đối phương. Cuộc đấu có thể diễn ra trong vài phút hoặc kéo dài hơn tùy vào sự ngang tài ngang sức của các đối thủ.
Sau cuộc thi dù thắng hay thua, những "chiến binh" này vẫn tiếp tục được người chủ của mình chăm sóc, tham gia thi đấu vào các hội chọi năm sau. Con bò thắng cuộc không chỉ mang lại niềm tự hào cho gia đình mà còn trở thành biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng trong năm mới.
Anh Bàn Văn Toàn, người dân đến xem hội, chia sẻ: “Năm nào tôi cũng đưa gia đình đến đây xem chọi bò. Không khí rất sôi động, mọi người cổ vũ hết mình. Được thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng, có cơ hội giao lưu với bà con nơi đây, giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn về văn hóa truyền thống của người Mông.”
Ngày nay, khi đời sống ngày càng phát triển, hội chọi bò vẫn giữ nguyên được sức hút và giá trị truyền thống của nó. Chính quyền địa phương và người dân nơi đây luôn cố gắng bảo tồn, duy trì lễ hội này như một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Mông. Giúp gắn kết cộng đồng, là cơ hội để mọi người gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ bí quyết trong chăn nuôi, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Tiếng hò reo cổ vũ, tiếng chân bò dồn dập trên sàn đấu lại vang vọng giữa núi rừng, tạo nên một không khí tưng bừng, náo nhiệt. Việc gìn giữ và phát huy giá trị của hội chọi bò không chỉ giúp bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống mà còn góp phần phát triển du lịch, thu hút du khách đến với vùng cao Khuổi Nộc./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/doc-dao-mon-choi-bo-o-hoi-xuan-khuoi-noc-post69092.html