Về Diễn Châu xem tục 'nhúng giã' truyền thống của ngư dân
Vào những ngày đầu năm mới, ngư dân ở nhiều vùng biển Nghệ An tổ chức lễ 'nhúng giã' theo phong tục truyền thống. Đây là việc tri ân người bạn thuyền đã cùng họ vươn khơi đánh bắt trong một năm qua, cầu mong một năm mới thuận lợi, được mùa 'lộc biển'.
Cửa biển Lạch Vạn (huyện Diễn Châu, Nghệ An) những ngày này có hàng trăm chiếc tàu neo đậu. Các tàu từ các xã Diễn Thủy, Diễn Kim và Lạch Vạn nằm im nghỉ ngơi sau một năm xuôi ngược. Những lá cờ đỏ bay phấp phới trên mỗi chiếc tàu, dưới mũi tàu là những bình cúc, chậu quất được bày biện đẹp mắt.
Từ sáng sớm, ngư dân Hoàng Văn Phi, chủ phương tiện ở xóm Quyết Thắng, xã Ngọc Bích chia sẻ, làm nghề biển gần 10 năm, mỗi khi Tết qua đi, ông lại cho tàu ra khu vực cửa biển Lạch Vạn để thực hiện nghi lễ "nhúng giã" với mong muốn cầu cho một năm khai thác hải sản thuận lợi, an lành.
Nghi thức "nhúng giã" là việc thả lưới giã xuống các sông lớn, luồng lạch, cửa biển hay vùng biển lộng, rồi cho tàu, thuyền kéo lưới trong một khoảng thời gian nhất định, tùy theo ý muốn của chủ tàu. Trung bình, quá trình từ khi rời bến, di chuyển trên luồng tuyến đến vị trí thả lưới kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, trước đó vài ngày, chủ phương tiện phải chọn được ngày lành, giờ đẹp để thực hiện nghi thức.
Ông Phi cũng như nhiều ngư dân cẩn trọng xem ngày, chuẩn bị những lễ vật như hộp bánh, trái cây, rượu, muối, hoa... bày lên mũi thuyền, rồi nghiêng mình, kính cẩn khấn vái. Sau khi khấn, rải gạo, muối, rồi nghiêng chén đổ rượu xuống nước. Khi hương gần tàn, tiếp tục rải xuống mặt nước và khấn vái cảm tạ.
Trước khi khởi động máy móc, tháo dây cột khỏi ụ nổi và thu neo lên tàu để chuẩn bị rời bến, chủ phương tiện chuẩn bị các vật phẩm như hoa quả, bánh kẹo, vàng hương để dâng lên bàn thờ trong khoang lái. Với lòng thành kính, họ cầu khấn thần sông, thần biển phù hộ được mọi điều may mắn, sức khỏe dồi dào cho chủ phương tiện và các bạn nghề. Ngư dân cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, tránh được những sự cố như bão, lốc, để tàu thuyền vận hành ổn định và những chuyến ra khơi luôn đầy ắp tôm cá. Đồng thời, họ cũng mong anh em thuyền viên, bạn bè đồng nghiệp luôn đoàn kết, tương trợ và yêu thương nhau.
Lúc này, những người ở lại trên thuyền sẽ treo lá cờ Tổ quốc lên trụ gỗ trước mũi thuyền và trên mui thuyền. "Cờ Tổ quốc là biểu tượng thiêng liêng không thể thiếu. Ở nhà, tôi cũng treo cờ Tổ quốc và lên thuyền, chúng tôi cũng làm lễ treo cờ. Thuyền đối với ngư dân như ngôi nhà thứ hai trên biển, nên phải có cờ Tổ quốc, như ở nhà mình vậy", ông Hoàng Văn Phi chia sẻ.
Cuộc sống của các ngư dân vì thế luôn ổn định và bình an. Ngư dân Phạm Văn Tuấn, ở xóm Chiến Thắng, xã Ngọc Bích, huyện Diễn Châu chia sẻ về Tết thuyền: "Mỗi năm, biển cho tôm cá, ngư dân được mùa là nhờ sự phù hộ, che chở của các vị thần linh cho tàu thuyền bình an ra khơi. Tết thuyền là cách để ngư dân đáp nghĩa đối với người bạn đồng hành luôn gắn bó cùng ngư dân trong những chuyến vươn khơi".
Nghi lễ nhúng và kéo lưới giã mang ý nghĩa xuất hành lấy ngày, lấy giờ đầu năm. Sau khoảng 30 phút đến 1 giờ kéo lưới giã, chủ phương tiện sẽ thu lưới và hoàn tất nghi thức "nhúng giã" đầu năm, rồi cho tàu, thuyền quay về bến. Hải sản đánh bắt được sau nghi lễ sẽ được chia đều cho thuyền viên, anh em họ hàng và bà con trong thôn xóm như một cách xin "lộc biển". Qua đó, tình đoàn kết giữa các gia đình, làng xóm và những người cùng nghề càng được thắt chặt.
Ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Bích cho biết, huyện Diễn Châu có 5 xã giáp biển, bãi ngang, bao gồm Diễn Kim, Diễn Thịnh, Diễn Trung, Hùng Hải và Ngọc Bích, với hơn 25 km đường bờ biển và gần 20 làng biển. Kinh tế của các làng này chủ yếu gắn liền với nghề khai thác, chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Toàn huyện hiện có gần 500 tàu, thuyền khai thác hải sản, trong đó xã Ngọc Bích sở hữu số lượng tàu, thuyền lớn nhất, lên tới gần 470 chiếc. Xã này cũng có 2 Nghiệp đoàn nghề cá với hàng trăm đoàn viên.
Nhiều xóm ở xã Ngọc Bích có truyền thống khai thác hải sản gần 100 năm, hiện nay đang phát triển mạnh mẽ, bao gồm khai thác, chế biến hải sản và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài tục "nhúng giã", ngư dân các làng biển còn duy trì nhiều nghi thức độc đáo, đặc trưng của miền biển như: Tục cúng thuyền vào đêm giao thừa, tín ngưỡng thờ cá ông, phong tục vẽ mắt cho tàu thuyền vào dịp Tết, lễ cầu ngư... Những phong tục này không chỉ phản ánh sự đa dạng, độc đáo trong văn hóa và tín ngưỡng của cư dân miền biển, mà còn thể hiện thái độ tôn trọng và ứng xử hài hòa của ngư dân đối với môi trường sông nước, biển cả – một giá trị được gìn giữ, bảo lưu và trao truyền qua các thế hệ.