Độc đáo nghề ướp trà sen Tây Hồ

Khi những đầm sen ở quanh khu vực Hồ Tây (Hà Nội) nở rộ cũng là lúc người làm nghề ướp trà sen tất bật vào vụ mới. Trung bình, để làm ra được 1 kg trà sen khô loại thượng hạng thì cần đến 1.000 bông sen tươi và phải trải qua 7 lần tẩm ướp với quy trình rất kỳ công.

Gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm gìn giữ nghề ướp trà sen Tây Hồ.

Gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm gìn giữ nghề ướp trà sen Tây Hồ.

Từ xa xưa, khu vực Hồ Tây trồng rất nhiều sen, người dân đã biết cách lấy chè Thái Nguyên đem ướp với dòng hoa sen Bách Diệp được trồng ở Hồ Tây cho ra một hương vị trà rất đặc biệt.

Sen Hồ Tây thường nở rộ từ khoảng giữa tháng 5 đến đầu tháng 9. Khi nở, sen Hồ Tây có màu hồng phớt, bên trong có nhiều tầng cánh hoa, hạt sen nhỏ và mẩy. Mùi hương sen Hồ Tây nồng nàn hơn hẳn các loại sen khác. Vì vậy, sen Hồ Tây được chọn là nguyên liệu chính làm nên loại trà mệnh danh "đệ nhất Hà thành".

Thời điểm này, những đầm sen Hồ Tây không chỉ thu hút nhiều người đến tham quan, chụp ảnh check-in mà cũng là lúc những người làm nghề ướp trà sen tất bật công việc của mình. Sáng cuối tuần, có mặt tại hồ Đầm Trị (quận Tây Hồ, Hà Nội), chúng tôi ghi nhận việc tất bật thu hoạch sen để cung cấp cho các hộ dân làm trà sen. Thời điểm hiện tại, giá mỗi bông sen vừa hái ở đầm lên được bán là 12.000 đồng.

Trong khi đó, ở phường Quảng An, nhiều gia đình có truyền thống làm trà sen. Từ lâu, trà sen Tây Hồ đã được mệnh danh là “thiên cổ đệ nhất trà”, không chỉ bởi hương vị thanh tao khác biệt, mà đó còn là sự tỉ mỉ trong từng công đoạn.

Sen dùng ướp trà là sen Bách Diệp, là loại sen nhiều cánh nhỏ, màu hồng phớt, chúm chím nụ. Sen được hái từ sáng sớm, khi mặt nước còn hơi sương để đảm bảo độ tươi và giữ trọn vẹn được hương vị của hoa.

Bà Ngô Thị Thân - một người đã có trên 70 năm làm trà sen chia sẻ, để ướp được một mẻ trà sen ngon, sen phải được hái từ sáng sớm và mang ngay đi ướp trà. Bởi hoa sen chỉ cho hương thơm nhất khi cánh hoa vừa chớm nở. Nếu để ánh nắng chiếu vào, hoa sẽ nhanh mất mùi hương, khi đó ướp vào trà không thơm nữa.

Còn bà Vũ Hoa Thảo, người gắn bó lâu năm với nghề ướp trà sen Tây Hồ cho biết: Trà sen không lạ nhưng lạ là phải đúng sen Bách Diệp trăm cánh được trồng ở khu vực Hồ Tây mới có thể ướp ra thứ trà tuyệt hảo. Mỗi năm vào tháng 6, khi những búp sen bắt đầu nở rộ cũng là thời điểm các gia đình làm nghề ướp trà sen nơi đây tất bật vào vụ.

Theo những người làm nghề ướp trà sen, thời điểm hái bông sen có vai trò quan trọng tới chất lượng của việc ướp trà. Theo đó, sen phải được hái lúc tờ mờ sáng, khi những giọt sương còn chưa tan. Từng bông sen được hái thật nhanh với những thao tác nhẹ nhàng để búp sen không nhàu nát.

Sau đó bông sen được đưa về nhà, người làm trà thực hiện các công đoạn bóc cánh, tách gạo sen (thứ được ví như túi hương của bông sen). Để thu được 100g gạo sen sẽ cần khoảng 900 - 1.000 bông hoa. Tách gạo sen là công đoạn khó nhất đòi hỏi phải nhanh tay, khéo léo để gạo sen trắng, không nát và lưu giữ được mùi hương.

Từng khâu để ra được thành phẩm là sen trà rất tỉ mỉ, nếu không xem tận mắt, mọi người khó mường tượng ra. Chính vì thế, trà sen hiện có giá bán từ 7 – 10 triệu đồng 1 kg.

Việc chọn chè để ướp cũng không kém phần quan trọng, chè được chọn là loại chè khô nhưng chưa vào hương. Chè được đem ướp với những cánh hoa sen, gạo sen. Để ướp được 1kg chè sen phải cần tới 1.500 bông hoa sen và để mẻ chè đượm hương sen phải đủ 21 ngày với 7 lần vào hương và 7 lần sấy.

Chia sẻ bí quyết để tạo ra những tách trà sen mang hương vị đặc biệt của người Quảng An, nghệ nhân Ngô Văn Xiêm - một người nổi tiếng với nghề làm trà sen ở phường Quảng An cho biết: “Để làm ra thức uống này không quá khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì, hương vị tinh túy của chén trà sen thực chất đã qua 7 lần ủ gạo và sấy. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm lâu. Một mẻ trà sen đạt chuẩn thì nước trà phải xanh, uống ban đầu có vị chát, sau có vị ngọt đượm và hương sen thơm dịu, thoang thoảng trong miệng”.

Thời gian gần đây, một số gia đình ở Quảng An còn làm chè bông sen. Theo đó một nắm nhỏ chè được cho vào bên trong bông hoa sen, sau đó được gói lại rồi dùng lá sen buộc chặt bên ngoài. Bông sen sau khi được ngậm chè sẽ được cắm vào nước qua một đêm cho hương sen thấm quyện vào chè. Thậm chí sau đó bông sen được cho vào túi “hút chân không” để người dùng mua về cất vào tủ lạnh.

Cách ướp trà này đơn giản, không tốn nhiều công nên giá thành rẻ, khoảng 50 nghìn đồng/bông. Tuy nhiên, với những người sành trà, thì họ cho rằng đây là cách làm xổi, để phục vụ những người có nhu cầu thưởng thức trà một cách bình dân.

Muốn thưởng thức “thiên cổ đệ nhất trà” thì cần phải dành thời gian và “không thể nóng vội”.

NAM PHƯƠNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doc-dao-nghe-uop-tra-sen-tay-ho-10282368.html