Độc đáo nghi lễ cấp sắc của dân tộc Tày

Cấp sắc là nghi lễ tâm linh thẩm thấu sâu sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Tày. Cho dù trải bao biến đổi xã hội, nghi Lễ cấp sắc không thay đổi, được các thế hệ gìn giữ, gọt rũa, chắt lọc tinh hoa, giống như 'ngọc càng mài càng sáng'.

Là 1 trong 8 dân tộc chính ở tỉnh Thái Nguyên, với số dân khoảng 124.000 người, đồng bào Tày sinh sống tập trung nhiều nhất ở huyện Định Hóa, với hơn 46.000 người (chiếm 37% toàn tỉnh). Trong đời sống tinh thần, đồng bào dân tộc Tày sở hữu kho tàng văn hóa đồ sộ, trong đó có Lễ cấp sắc.

Trong Lễ cấp sắc, nghi lễ dâng rượu đến Ngọc Hoàng được thực hiện đầu tiên, sau đó đến các bậc thánh thần, tổ tiên, dòng họ. Sau lễ dâng rượu là khai quang và xin quẻ âm dương… Lễ vật chuẩn bị cho Lễ cấp sắc gồm rượu, vàng hương, hoa quả, xôi, đồ mặn. Việc tổ chức nghi lễ bắt buộc phải do thầy cúng cao tay chủ trì.

Thủ lợn, gà, vịt... là những vật lễ không thể thiếu trong Lễ cấp sắc.

Thủ lợn, gà, vịt... là những vật lễ không thể thiếu trong Lễ cấp sắc.

Lễ cấp sắc - ví như việc một người nào đó được Ngọc Hoàng, các vị thánh thần cấp giấy thông hành, hành nghề giúp người. Cụ thể là hành nghề thầy cúng, nhưng không phải ai cũng có thể được cấp sắc. Vì đó là một nghề kén người. Theo các bậc cao lão trong cộng đồng dân tộc Tày: Người được cấp sắc làm thầy cúng phải có căn duyên và hầu như việc trao truyền chỉ thực hiện trong dòng họ. Tuy nhiên, phong tục có những quy định chặt chẽ, bắt buộc người theo nghề phải tuân thủ nhiều ràng buộc xã hội, trong đó nhân cách đạo đức được coi trọng hàng đầu.

Các thầy xem lại bài cúng trước khi vào hành lễ.

Các thầy xem lại bài cúng trước khi vào hành lễ.

Là ngày trọng đại và vui chung không chỉ của gia đình, dòng họ mà của cả cộng đồng làng xã, nên gia đình, dòng họ có người được cấp sắc “rộn ràng” bận rộn từ trước lễ cả tháng, như việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm; tìm thầy, cậy thầy chọn ngày lành, tháng tốt. Một yêu cầu rất quan trọng trong thực hành nghi lễ cấp sắc là phải mời được thầy có chức sắc cao hơn chức sắc hiện tại của mình để cấp cho mình.

Là việc vui chung, nên từ hôm trước anh em họ mạc đã đến góp gạo, gà, rượu, thịt cùng một số thực phẩm chuẩn bị cho bà con đến ăn mừng… Khi trên nhà đang diễn ra các nghi thức lễ, thì dưới sàn nhà bộ phận đầu bếp tất bật công việc bếp núc, chuẩn bị các thức món dâng kính tổ tiên và làm cơm đãi đằng thực khách.

Trong đời sống tinh thần, đồng bào dân tộc Tày cho rằng vũ trụ có hai thế giới: Một thế giới thực của con người và một thế giới vô hình của thần thánh, ma quỷ hay còn gọi là xứ người, xứ ma. Cõi người hay cõi vô hình đều có kẻ tốt, người xấu. Tổ tiên, thổ công, ma bếp, ma chuồng, thần nông, mẹ hoa là ma lành; còn ma dữ là ma chết bất đắc kỳ tử, ma chết yểu thường gây họa. Các ma lành đôi khi cũng gây khó khăn cản trở cho con người nên phải cúng.

Quan niệm dân gian cho rằng: Có những người nhờ tu luyện hoặc do khả năng đặc biệt nào đó mà có thể điều khiển các loại ma hoặc tự mình có ma lực. Đó là “bùa” ma thuật. Theo đồng bào, muốn yểm bùa được phải học và không phải ai cũng có thể làm được. Chính vì thế, Lễ cấp sắc “hóa giải” được nhiều nghi hoặc trong tâm tư con người. Bởi thông qua đó “người ta” tìm được một người thầy cúng am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc mình để gửi gắm niềm tin. Do đó, Lễ cấp sắc được đồng bào coi là nghi lễ quan trọng và được thực hiện nghiêm túc, có nhiều tiêu chí, không phải ai cũng có thể được cấp sắc.

Các thầy kiểm tra lại các vật tế lễ trước khi hành lễ.

Các thầy kiểm tra lại các vật tế lễ trước khi hành lễ.

Quy định bản thân người được cấp sắc là phải có gia đình, trong dòng họ có nhiều đời làm nghề thầy cúng; thực sự có năng lực, đạo đức, uy tín trong cộng đồng và khả năng giao tiếp với thần linh. Đặc biệt là phải biết đọc sách cổ, biết xem hướng nhà, mồ mả; xem ngày ngày đẹp, vận mệnh, tướng số giúp mọi người. Chính vì thế, trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Tày, thầy cúng là người có uy tín rất lớn, hầu hết các hoạt động trong cộng đồng, đặc biệt là trong mỗi gia đình, mọi công việc lớn, nhỏ gia chủ đều nhờ cậy đến thầy cúng, thông qua thầy cúng. Bởi chỉ có thầy cúng mới “nói chuyện” được với Ngọc Hoàng, các vị thánh thần và người âm.

Lễ cấp sắc diễn ra linh nghiêm.

Lễ cấp sắc diễn ra linh nghiêm.

Sau khi các thủ tục của Lễ cấp sắc hoàn thành, thầy cúng cao tay chủ trì buổi lễ đội mũ, mặc áo cho người vừa được cấp sắc. Với áo mũ dùng thực hành nghi lễ tâm linh, người vừa được cấp sắc kính vái Ngọc Hoàng, thánh thần các phương. Sau cùng là lễ tạ ơn, báo cáo Ngọc Hoàng, thánh thần, tổ tiên, dòng họ về việc cấp sắc thành công viên mãn.

Kể từ đây, người được cấp sắc trở thành một thầy cúng thực thụ, có thể làm “trung gian” giữa Ngọc Hoàng, các vị thánh thần và cộng đồng. Và làm trung gian giữa người 2 cõi âm - dương. Cũng từ đây người được cấp sắc được phép thực hành các nghi lễ cúng đám ma, đám cưới, mừng thọ, giải hạn, vào nhà mới, cúng trẻ đầy tháng…

Lễ cấp sắc diễn ra như một màn trình diễn sân khấu tâm linh hấp dẫn và đậm đà bản sắc dân tộc.

Lễ cấp sắc diễn ra như một màn trình diễn sân khấu tâm linh hấp dẫn và đậm đà bản sắc dân tộc.

Cấp sắc là một đại lễ trong các nghi lễ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nói chung của đồng bào dân tộc Tày, thể hiện rõ giá trị văn hóa nghệ thuật, bản sắc độc đáo, đồng thời là hình thức diễn xướng dân gian mang đậm tính chất nghi lễ nghề nghiệp, liên quan đến việc hành nghề của thầy cúng. Quy trình thực hành Lễ cấp sắc đã thể hiện rõ những giá trị văn hóa nghệ thuật, bản sắc độc đáo riêng có của đồng bào dân tộc Tày; đồng thời cho thấy tinh thần đoàn kết, gắn bó của các thành viên trong gia đình, dòng họ.

Sau khi được cấp sắc, ông Ma Đình Sung cùng vợ và cháu nội ngồi nghe thầy cả dặn dò về cách ứng xử trong cuộc sống hằng ngày và khi đi làm lễ cho bà con.

Sau khi được cấp sắc, ông Ma Đình Sung cùng vợ và cháu nội ngồi nghe thầy cả dặn dò về cách ứng xử trong cuộc sống hằng ngày và khi đi làm lễ cho bà con.

Lễ cấp sắc có tất cả bốn lần tương đương với bốn bậc: Nghi lễ cấp sắc lần đầu là cấp chức Ngũ phẩm chi phủ; lần thứ hai là cấp chức quan Tứ phẩm; lần thứ ba là cấp chức Tam phẩm thống đốc; nghi lễ cấp sắc lần cuối cùng là cấp chức Nhị phẩm. Theo quan niệm của đồng bào: Sau mỗi lần thăng chức thì thầy cúng sẽ có quyền lực cao hơn, số lượng binh mã được cấp để phụ giúp thầy cúng trong quá trình hành lễ nhiều hơn.

Hiện, Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Tày đã có nhiều thay đổi, những nghi lễ, thủ tục rườm rà được giản ước, phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Song giá trị cốt lõi của Lễ cấp sắc được giữ nguyên bản sắc gốc, đảm bảo nét đẹp văn hóa tinh hoa truyền thống độc đáo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào. Bởi lẽ đó, Lễ cấp sắc được đồng bào dân tộc Tày gìn giữ, trao truyền, phát huy giá trị.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202406/doc-dao-nghi-le-cap-sac-cua-dan-toc-tay-1d32761/