Theo truyền thuyết, khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa bị ma gà trắng núp ở Thất Diệu Sơn quấy phá nên mãi không xây được. Sau nhà vua được thần Huyền Thiên Trấn Vũ giúp đỡ tiêu diệt con ma gà nên mới xây xong thành. Vua, chúa nhiều đời sau từng về đây bái yết, nhưng thấy việc đi lại làm hao phí tiền bạc, công sức của nhân dân nên ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả.
Để thực hiện nghi lễ, người dân chọn ra những người đóng vua giả, chúa giả và các quan. Những người được chọn phải là các ông lão ở độ tuổi thất thập. Năm nay, cụ Trần Tiến Tĩnh (73 tuổi, người Thụy Lôi, Đông Anh, Hà Nội) được chọn đóng vai vua trong lễ hội đền Sái 2024. Trong lễ rước vua, chúa, hai nhân vật sẽ tung tiền lộc cho người dân và du khách lấy may đầu xuân.
Cụ Ngô Vĩnh Nô (72 tuổi, người Thụy Lôi, Đông Anh, Hà Nội) đóng vai chúa ở lễ hội Đền Sái.
Cùng vua và chúa sẽ có thêm bốn người đóng vai các quan là quan Trấn thủ, Đề lĩnh, Tán lý và Thự vệ.
Trước khi lễ rước diễn ra, vua và chúa sẽ tiến hành làm lễ tế ở Đền Thượng
Kiệu chúa được rước đi đầu bởi các thanh niên khỏe mạnh trong làng, vừa đi vừa reo hò xoay kiệu.
Người được chọn đóng vua sẽ tự lên đền Thượng làm lễ tế Đức Thánh Cao Sơn Đại Vương, trong khi người được chọn đóng chúa sẽ lên đền Sái làm lễ thỉnh Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Sau đó, chúa sẽ vòng sang đền Thượng cùng vua làm lễ ướm gươm, chém ba nhát vào tảng đá lớn. Đây là hành động biểu trưng cho việc chém đầu tinh gà trắng ngày trước. Tiếp đến lễ mừng tựa, tức bêu đầu gà tượng trưng cho việc tinh gà trắng đã bị tiêu diệt, nhà vua có thể yên tâm tiếp tục xây thành.
Lễ hội thu hút hàng nghìn người tạo nên sự hứng khởi cho những ngày đầu năm mới.
Nguyễn Bình - Phong Sơn