Độc đáo những địa danh ở Quảng Ngãi
Quảng Ngãi có nhiều địa danh như chùa Đục, chùa Ông Rau, hang Kẻ Cướp... là những nơi có vẻ đẹp độc đáo, nhưng cũng gây ấn tượng qua tên gọi lạ lùng. Đằng sau những tên gọi ấy là vô số những câu chuyện, giai thoại thú vị từ xa xưa.
Tên Đục nhưng thanh tịnh
Du khách đến Lý Sơn vẫn thường trầm trồ khi vãn cảnh chùa Đục - một ngôi chùa độc đáo từ tên gọi đến kiến trúc. Ngự giữa lưng chừng núi Giếng Tiền, chùa Đục có diện tích khá khiêm tốn, chưa đến 50m2 và chia làm hai phần là Tiền đường và Chánh điện. Để lên được chùa Đục, du khách phải vượt qua hơn 100 bậc thang men theo sườn núi. Tọa lạc ngay tiền sảnh của chùa Đục là tượng Phật Quan Âm Bồ Tát cao 27m. Sau lưng tượng Phật, là điện thờ chùa Đục cổ kính nằm sâu trong lòng núi.
Tương truyền rằng, ngày xưa, chùa vốn chỉ là một hang đá nhỏ, rồi dần dà được một nhà sư nương theo lòng hang núi để đục đá mở rộng thành chùa. Vậy nên, cái tên chùa Đục không phải là tính từ trái nghĩa với “trong”, mà là từ câu chuyện vách núi được nhà sư đục lõm vào để lập án thờ mà có.
Có lịch sử lâu đời, lại có kiến trúc độc đáo nên chùa Đục cùng với chùa Hang là danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Lý Sơn. Qua đôi bàn tay chịu khó, khéo léo của con người, một ngôi cổ tự đã được hình thành trong lòng hang đá, trở thành địa điểm lý thú, độc đáo, hài hòa với thiên nhiên.
Giật mình vào hang Kẻ Cướp
Ở đảo Lý Sơn có một hang đá mang tên Kẻ Cướp. Nhiều du khách khi ghé đến nơi đây đều rất ngạc nhiên khi nghe về một tên gọi dễ khiến người ta “giật thót” này.
Khu vực hang Kẻ Cướp giờ đã trở thành địa điểm du lịch lý thú của đảo Bé (Lý Sơn). ẢNH: Ý Thu
Dò tìm nguồn gốc tên gọi hang Kẻ Cướp, phải ngược dòng lịch sử trở về thời phong kiến. Theo sử liệu ghi chép tại Đại Nam thực lục chính biên do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn, thời xưa, người dân vùng ven biển Quảng Ngãi nói chung và Lý Sơn nói riêng thường xuyên phải đối mặt với địch họa. Bọn cướp biển Tàu Ô thường đột nhập vào vùng ven biển như Sa Huỳnh, Lý Sơn, Sa Kỳ... để cướp phá. Cụ thể, vào năm 1836, bọn cướp biển đột nhập cửa Sa Kỳ, năm 1837, bọn cướp biển tiến vào địa phận cửa biển Sa Huỳnh, đảo Lý Sơn, năm 1866, 22 thuyền cướp với 300 cướp biển đổ bộ đến Sa Kỳ... Miêu tả tường tận về trận đánh giữa quân dân tỉnh Quảng Ngãi khi hải tặc đổ bộ vào Lý Sơn, Đại Nam thực lục chính biên mô tả rằng: “Ngày hôm sau thuyền giặc lại đến đảo Lý Sơn, viên Thủ ngự là Nguyễn Văn Điện đem dân phu thuyền đánh cá ra sức đón đánh, giặc nhân thế gió, đánh lật úp thuyền của Điện. Điện chìm xuống biển chết”.
Giặc Tàu Ô thường xuyên đổ bộ, cướp phá đảo, nên người dân Lý Sơn có nhiều chuyện kể truyền miệng liên quan đến những năm tháng sống trong hiểm nguy rình rập. Như giai thoại về nàng Roi - một người con gái họ Phạm ở làng An Vĩnh (Lý Sơn) khi phát hiện giặc Tàu Ô vào đảo cướp phá, nàng liền chạy đi báo cho cha và dân làng biết. Nhưng không may, nàng Roi bị giặc phát hiện và truy đuổi. Để khỏi bị giặc làm nhục, nàng đã nhảy xuống biển tự vẫn. Hoặc chuyện về một hang đá có tên Chàng Thiếp ở đảo Bé bị giặc Tàu Ô dùng làm nơi ẩn náu để tiến hành cướp bóc trên đảo và tấn công vào đất liền. Từ đó, tên hang bị đổi thành hang Kẻ Cướp.
Qua rồi một thời sống trong thấp thỏm, lo âu trước nạn cướp bóc của giặc Tàu Ô, hang Kẻ Cướp bây giờ đang trở thành địa điểm du lịch lý thú, luôn được du khách tìm đến khi đặt chân lên đảo Bé Lý Sơn. Vùng biển trước hang Kẻ Cướp xanh trong, mát lành, đã trở thành nơi để du khách thả lòng mình về với thiên nhiên tươi đẹp.
Thong dong tìm Ông Rau
Từ cầu Sông Vệ, thong dong đi về phía đông bắc chừng 7 cây số có một ngôi chùa cổ tọa lạc ở mé núi Long Phụng, xã Đức Thắng (Mộ Đức) mang tên chùa Ông Rau - cái tên bình dị, dân dã nhưng cũng khiến nhiều người thắc mắc.
Lý giải về nguồn cơn tên gọi của chùa, người Quảng xưa có truyền thuyết kể rằng, cách đây hơn trăm năm về trước, có một vị đạo sĩ không biết từ đâu đến, thuyết lý đạo Lão tại chùa một thời gian khá lâu. Sát chân chùa về phía đông nam là vực suối sâu, bên kia suối có bãi đất hoang rộng. Từ lúc đạo sĩ đến chùa, người ta bỗng thấy bãi đất hoang mọc lên rau xanh tươi tốt. Đến ngày giáp hạt cơm cao, gạo kém, người dân cứ ngắt ngọn rau về luộc ăn. Tiếng lành đồn xa! Nhiều người kéo nhau lên chùa để được chứng kiến tận mắt vị đạo sĩ chỉ ăn rau xanh và tụng niệm.
Tương truyền rằng, dù gặp năm hạn hán kéo dài, mặc đồng khô cỏ cháy, nhưng rau xanh mọc trên bãi đất hoang bên cạnh chùa vẫn cứ vươn lên tươi tốt. Bãi rau ngày càng xanh, chùa ngày càng có nhiều người lên hương khói. Đến một ngày, người dân địa phương lên thăm chùa thì nhận ra vị đạo sĩ kia đã vắng bóng tự lúc nào.
Dù vị đạo sĩ kia không còn nữa, nhưng hình ảnh người ăn rau hành đạo vẫn được người dân ghi nhớ. Cái tên chùa Ông Rau là từ đấy mà ra, rồi dần trở thành cái tên gọi phổ biến được người dân đặt tên cho chùa. Dù rằng trước đó, theo như sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn, chùa có tên là “chùa Hang, ở mé núi Long Phụng, cách huyện Mộ Đức 7 dặm về phía đông. Trước chùa có khe suối vòng quanh, cây cối xanh tốt”...