Để làm ra một chiếc trống bền, đẹp với tiếng kêu tròn vang, nghệ nhân ở làng nghề làm trống thôn Bắc Thai (xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) phải có bí quyết riêng mà trống ở những nơi khác không có được.
Làng nghề làm trống Bắc Thai nổi tiếng và được biết đến như một sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Tĩnh. Những sản phẩm trống của làng Bắc Thai bền, đẹp, tiếng kêu tròn vang nên được nhiều thị trường khó tính khắp cả nước ưa chuộng. Ảnh: Cẩm Kỳ.
Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm trống ở Bắc Thai xuất hiện gần 100 năm nay, từ khi sinh ra đã nghe thấy tiếng đục, tiếng đẽo của cha ông làm trống. Nét độc đáo tại làng nghề truyền thống này là tất cả các hộ làm trống trong làng đều mang họ Bùi. Ảnh: Cẩm Kỳ.
"Nghề này được làm quanh năm nhưng đông khách và đắt hàng nhất thường vào rằm tháng 7 và dịp trước, sau tết Nguyên đán, khi người dân các nơi có nhu cầu đổi trống mới cho nhà thờ họ. Những dịp này, nhiều người đặt trống nên công việc của tôi cũng bận rộn hơn để kịp trả đơn cho khách đúng hẹn", ông Bùi Văn Trăn (79 tuổi, trú tại thôn Bắc Thai) cho biết.
Nghề làm trống không phân biệt già trẻ, trai gái. Phụ nữ, trẻ em thì làm các công đoạn nhẹ nhàng như: phơi da bò, đánh giấy nhám, còn đàn ông thì phụ trách các công đoạn quan trọng, khó hơn như: xẻ gỗ, ghép chang… Hiện nay, làng Bắc Thai có khoảng 17 hộ làm trống thường xuyên, mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 2.000 sản phẩm các loại. Ảnh: Cẩm Kỳ.
Theo các nghệ nhân trong làng, làm trống là công việc không khó nhưng để làm được một chiếc trống “có hồn” thì không hề dễ. Nó đòi hỏi người thợ cần chú tâm, luôn rèn luyện để tạo thành quán tính cho mình; phải có tai thẩm âm để xác định độ vang của trống bởi mỗi loại trống có tiếng vang khác nhau. Muốn làm nên một chiếc trống bền, không mối mọt, âm vang xa thì nhất thiết phải có nguyên vật liệu đạt chất lượng tốt. Theo đó, người dân phải vào rừng sâu để tìm cây song (một dạng như cây mây nhưng có thân lớn hơn) làm nịt trống. Ảnh: Cẩm Kỳ.
Việc làm trống trải qua 3 bước quan trọng nhất: làm da, chang và bưng trống. Trong đó, khâu bịt miệng trống được trao truyền lại vẫn là công đoạn quyết định nhất đến chất lượng. Người thợ phải khéo tay, tỉ mẩn để kéo căng đều miếng da bò vừa dai vừa dày, bịt kín 2 đầu miệng trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chốt làm từ tre già. Đây là bước điều chỉnh âm thanh cao thấp nên chỉ có những người “rành” nghề mới có thể xử lý được bài bản, đạt chuẩn. Ảnh: Cẩm Kỳ.
Tang trống được chọn lọc từ những thân gỗ mít có độ tuổi từ 50 năm trở lên. Mỗi nan gỗ được xẻ dày 2cm, kích thước mỗi nan tùy theo loại trống. Ảnh: Cẩm Kỳ.
"Việc làm trống trải qua nhiều bước, nhưng có 3 bước quan trọng nhất: Làm da, chang và bưng trống. Da làm trống phải là da bò còn tươi, không được ướp muối hay bất kỳ loại hóa chất nào, như thế trống mới bền, tiếng trống mới đảm bảo âm vực chuẩn", ông Bùi Văn Tráng (65 tuổi, trú tại thôn Bắc Thai) với thâm niên hơn 30 năm làm trống cổ truyền chia sẻ.
Những nghệ nhân làng trống Bắc Thai luôn trăn trở làm sao giữ được “lửa” nghề, trao truyền lại cho thế hệ trẻ, để câu hát “Da bò, chang mít, nịt nong, đóng 4 thành bưng bít chi công…” và tiếng trống âm vang, tròn đều của làng Bắc Thai còn mãi với thời gian. Ảnh: Cẩm Kỳ.
Trống của làng Bắc Thai không hề kém cạnh các loại trống sản xuất tại làng nghề khác, thậm chí tiếng vang, độ bền còn được đánh giá rất cao nên nhiều người từ miền Bắc, miền Nam cũng liên hệ đặt hàng. Giá bán của trống Bắc Thai không chỉ tùy vào kích cỡ mà còn tùy vào yêu cầu của khách. Hiện tại, trống con có giá 500.000–600.000 đồng/cái, còn các loại trống lớn hơn dao động từ 3.000.000-12.000.000 đồng/cái. Ảnh: Cẩm Kỳ.
Theo lãnh đạo UBND xã Thạch Hội, nghề làm trống làng Bắc Thai là nghề truyền thống của địa phương, được người dân gìn giữ và phát triển. Chính quyền địa phương cũng đang định hướng phát triển làng nghề trống Bắc Thai trở thành sản phẩm có thương hiệu để đầu ra sản phẩm của bà con được ổn định hơn. Trước đó địa phương này cũng đã thành lập hợp tác xã làm trống để kết nối giúp người dân tuy nhiên hiện nay đã tan rã vì người dân còn làm nhỏ lẻ và theo hộ gia đình. Ảnh: Cẩm Kỳ.