Độc tố xyanua có trong những thực phẩm tự nhiên nào?

Xyanua là một chất kịch độc, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Xyanua thường được dùng trong công nghiệp nhưng nó cũng xuất hiện tự nhiên trong một số thực phẩm. Nếu không biết cách chế biến có thể gây ngộ độc.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, xyanua là một chất hóa học có tác dụng nhanh, có khả năng gây chết người, cản trở khả năng sử dụng oxy của cơ thể. Nó tác động đến hô hấp và gây ra tổn thương cho hệ thần kinh và các cơ quan khác trong cơ thể.

Thông thường, xyanua được sử dụng để sản xuất giấy, dệt may và nhựa. Muối xyanua được sử dụng trong luyện kim để mạ điện, làm sạch kim loại và loại bỏ vàng khỏi quặng. Khí xyanua được sử dụng để tiêu diệt sâu bệnh và sâu bọ… Tuy nhiên, có hơn 2.000 loài thực vật trong tự nhiên chứa chất độc này, trong đó có: măng, sắn, và hạt của các loại quả như táo, mơ, lê, mận, anh đào, đào… Ở những thực vật này này, xyanua liên kết với các phân tử đường dưới dạng glycoside cyanogen. Bản thân các glycoside cyanogen tương đối không độc hại. Tuy nhiên, chúng được chuyển hóa thành hydro xyanua độc hại trong đường ruột.

Măng tươi có chứa chất độc xyanua

Măng tươi có chứa chất độc xyanua

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Dũng - Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y Hà Nội, trong số các loại thực vật dễ gây ngộ độc xyanua nhất có sắn và măng tươi. Đây là loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn của nhiều gia đình người Việt.

Một nghiên cứu trên 3 loại măng cho thấy: măng trắng (được bào từ củ măng), măng trắng ngâm nước nửa ngày và măng vàng là măng đã được luộc và ngâm nước bán trên thị trường đều có hàm lượng xyanua rất đáng lo ngại. Chất xyanua có sẵn trong măng sẽ giảm dần khi tiếp xúc với nước. Nhưng đối với măng chua, trong quá trình ngâm, chất xyanua có thể kết hợp với một số enzym hoặc kết hợp với một số chất trong ruột người gây ngộ độc cấp tính. Do đó, khi chế biến măng, bạn nên làm theo kinh nghiệm dân gian là rửa kỹ, ngâm măng trong nước nhiều giờ và luộc qua 1 - 2 lần trước khi ăn để tránh bị ngộ độc.

Trong sắn tươi cũng có chứa chất độc xyanua. Khi luộc, nhất là luộc với số lượng lớn thì chất này sẽ đóng váng trên bề mặt nước. Người ăn phải chất này với hàm lượng cao sẽ bị ngộ độc. Cách tốt nhất để loại bỏ chất xyanua trong sắn là lột vỏ, sau đó ngâm trong nước lạnh nhiều giờ trước khi luộc. Ngoài ra, trong lúc luộc, nên mở nắp nồi để chất xyanua bay đi, lượng độc chất sẽ giảm đáng kể.

Nên bóc vỏ sẵn và ngâm trong nước trước khi luộc

Nên bóc vỏ sẵn và ngâm trong nước trước khi luộc

PGS.TS Nguyễn Quang Dũng cũng lưu ý, người dân không nên sử dụng nước ngâm măng bởi khi ngâm măng, một lượng xyanua nhất định cũng được tạo ra, cả xyanua và chất taxiphyllin khuếch tán ra nước, lượng độc tố trong măng có thể giảm đi nhưng các độc tố có trong nước có thể tăng lên, nên nếu uống quá nhiều nước măng có thể bị ngộ độc.

Phương Thảo/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/doc-to-xyanua-co-trong-nhung-thuc-pham-tu-nhien-nao-post1056906.vov