Đối diện các vụ kiện phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp cần chủ động để tránh 'bẫy'

Tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), cơ hội để các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới rất lớn. Thế nhưng, không có con đường nào bằng phẳng. Bởi, ở chiều ngược lại, hàng hóa của chúng ta cũng đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là việc các nước bảo hộ hàng hóa nội địa, đẩy hàng hóa của chúng ta trước những nguy cơ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại.

Gần đây các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đối diện nhiều hơn với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định như vậy khi đưa ra một con số đáng quan tâm, đó là tính đến hết tháng 7 năm 2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 220 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài; trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 173 vụ, chiếm tỷ lệ 78%.

Hoa Kỳ là quốc gia có số vụ điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam với 41 vụ, Ấn Độ là 28 vụ, Thổ Nhĩ Kỳ 24 vụ, Canada 18 vụ, Indonesia 11 vụ, Malaysia 10 vụ, Thái Lan 8 vụ…

Các sản phẩm của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại khá đa dạng, tập trung nhiều ở các sản phẩm kim loại, nông - lâm - thủy sản và sợi.

Giới chuyên gia nhận định, sự tăng trưởng nhanh chóng của xuất khẩu trong những năm qua đã cho thấy năng lực sản xuất của các DN Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường, được người tiêu dùng thế giới biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này cũng tạo áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải đề nghị Chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình.

Điển hình như ngành gỗ - một ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn vào nhiều thị trường quốc tế, thế nhưng, các DN xuất khẩu gỗ đang phải đối mặt với 2 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại do Hoa Kỳ khởi xướng, một là với sản phẩm gỗ dán cứng và hai là với sản phẩm tủ gỗ.

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, ngành gỗ đang đối diện ngày càng nhiều hơn với những vụ việc liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại mà các đối tác thương mại lớn của Việt Nam thường áp dụng cả về tần suất xuất hiện cũng gia tăng cao và những thiệt hại mà DN Việt Nam phải chịu thiệt hại ngày càng lớn hơn.

Các DN và các hiệp hội đã biết nhiều hơn về các nguy cơ và hệ quả lớn từ các vụ việc gây ra đối với ngành sản xuất. Điều này thể hiện sự nỗ lực tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan chức năng, nhà quản lý...

Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề có thể phải cải thiện thêm. Thông qua 2 vụ việc như về mật ong và gỗ có thể thấy rằng, các DN vẫn chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhận thức, chỉ biết qua loa thông tin, lúc bị đưa vào “bẫy phòng vệ” mới tìm hiểu và hoàn toàn không có sự chuẩn bị kỹ về nguồn lực để ứng phó...

Riêng đối với ngành gỗ, Bộ Công Thương cũng đã khuyến cáo đối với một số mặt hàng ngay từ khi nước nhập khẩu chưa có động thái gì, để DN có sự chuẩn bị trước. Qua quá trình theo dõi, nắm bắt được thời điểm nước nhập khẩu có động thái tiến hành điều tra, Bộ Công Thương lập tức trao đổi với hiệp hội, hướng dẫn DN thực hiện các thủ tục điều tra, các yêu cầu bắt buộc tuân theo; hướng dẫn cách thức, hướng xử lý; xác định kịch bản có thể xảy ra...

Nhiều chuyên gia cũng đưa ra đánh giá, các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng có xu hướng điều tra khắt khe hơn; trong đó, các nước đang có xu hướng thắt chặt, đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với Chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Trước các thách thức trên, giới chuyên gia khuyến cáo, cộng đồng DN cần phân tán rủi ro, cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh bỏ trứng vào một giỏ. Theo đó, để tiếp tục xử lý, ứng phó hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại trong thời gian tới, cần có sự tham gia tích cực và sự phối hợp chặt chẽ của cả Chính phủ và DN.

Ngoài ra, hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống sổ sách kế toán để phục vụ điều tra phòng vệ thương mại cũng như phục vụ việc đăng ký cơ chế tự chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu đối với các sản phẩm bị điều tra chống lẩn tránh...

DUY KHANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doi-dien-cac-vu-kien-phong-ve-thuong-mai-doanh-nghiep-can-chu-dong-de-tranh-bay-5693302.html