'Đổi đời' nhờ trồng cây bồn bồn
Biết cách chọn cây trồng thích ứng với vùng đất bị nhiễm phèn nặng, người dân ở khu vực rừng tràm U Minh Hạ (thuộc xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) đã 'đổi đời' nhờ trồng cây bồn bồn.
Xã Khánh An là địa phương thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia U Minh Hạ. Đặc trưng của vùng đất này là nước màu nâu đỏ do bị nhiễm phèn nặng. Do đó, việc trồng cây lúa nước không mang lại hiệu quả cho người dân.
Với quyết tâm thay đổi cây trồng để mang lại thu nhập ổn định, nhiều hộ dân ở đây đã mạnh dạn tìm nguồn cây bồn giống về trồng trên ruộng đất của gia đình. Kết quả, cây bồn bồn thích ứng với tổ nhưỡng của địa phương, sinh trưởng phát triển tốt, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Chị Trần Thị Kiều, ngụ xã Khánh An, huyện U Minh đã mạnh dạn chuyển đổi 2ha đất trồng lúa sang trồng bồn bồn với hy vọng loài cây này giúp thay đổi cuộc sống của gia đình.
“Từ khi cây bồn bồn thích nghi với vùng đất của địa phương thì đời sống của gia đình thay đổi rõ rệt. Bồn bồn đến thời gian thu hoạch được thương lái đến tận nhà thu mua với mức giá ổn định nên chúng tôi tập trung phát triển loài cây này thay cây lúa, đồng thời, tôi còn nuôi thêm các loại cá đồng để tăng giá trị kinh tế cho gia đình”, chị Kiều nói.
Chị Kiều cho biết thêm, những lúc nông nhàn, chị còn đi lột vỏ bồn bồn thuê cho các hộ dân trong vùng với mức thu nhập từ 100.000 – 120.000 đồng/buổi.
Bồn bồn thuộc loại cây cỏ dại đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Trước đây, người dân nghèo thường nhổ về để ăn độn thay cơm. Đây là loại cây dễ thích nghi với vùng đất phèn, mặn.
Những năm gần đây, cây bồn bồn đã mang lại sinh kế ổn định cho người dân ở các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời, TP.Cà Mau… Bồn bồn thương phẩm hiện có giá trên thị trường từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Thời điểm hút hàng, giá tăng hơn 30.000 đồng/kg.
Theo chính quyền địa phương, nhận thấy việc trồng bồn bồn mang lại hiệu quả, thu nhập ổn định nên nhiều hộ dân ở tuyến kênh T19, xã Khánh An đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa nước sang bồn bồn. Toàn tuyến kênh T19 có 37 hộ dân hiện đã có gần 30 hộ trồng bồn bồn, với diện tích hơn 50ha.
Anh Phạm Văn Dư, ngụ xã Khánh An cho biết, dù gia đình có tới 7ha đất rừng kết hợp với trồng lúa nhưng thu nhập rất bấp bênh và khó khăn. Chu kỳ khai thác cây rừng khá dài từ 6 – 7 năm nhưng cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha. Đó là chưa kể các khoản chi phí khác. Do đó, đời sống của gia đình anh Dư rất khó khăn.
“Trồng rừng thì thời gian thu hoạch lâu, còn cây lúa thì năm nào cũng trồng nhưng không đủ ăn, nên tôi quyết định trồng khoảng 2ha bồn bồn khoảng 4 năm nay. Trong thời gian ngắn, cây trồng đã bén rễ, thích ứng với vùng đất và phát triển tốt nên tạo nguồn thu nhập ổn định. Sau khi trừ chi phí thuê mướn nhân công, mỗi tháng gia đình tôi có thu nhập hơn 10 triệu đồng”.
Theo chính quyền địa phương, cây bồn bồn ở vùng đất U Minh Hạ có thể cho thu hoạch quanh năm. Để chủ động nguồn hàng cung cấp đều đặn cho thương lái và nhẹ công thu hoạch, người dân nơi đây đã chia nhỏ diện tích trồng với mục đích thu hoạch luân phiên. Vào thời gian thu hoạch, mỗi hộ dân phải thuê thêm nhân công, khoảng từ 5 – 7 người để phụ việc nhổ và tách vỏ bồn bồn, tiền công được chủ ruộng trả cho lao động từ 120.000 – 200.000 đồng/người (tùy vào tính chất công việc).
Bồn bồn non có vị ngọt, mềm nên có thể chế biến được nhiều món ngon như: xào tôm, nấu lẩu, làm dưa, gỏi… được nhiều thực khách ưa chuộng và tìm mua khi đến Cà Mau tham quan, du lịch.
Mô hình trồng bồn bồn đã mở ra nhiều hy vọng cho bà con nông dân ở huyện U Minh trong giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động địa phương. Bồn bồn được xem như là “cây xóa nghèo” của địa phương.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/doi-doi-nho-trong-cay-bon-bon-211943.html