Đòi hỏi cao hơn đối với công tác quản lý ở cấp xã
HNN - Quốc hội đang lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp năm 2013 với hai nhóm nội dung trọng tâm là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) và các quy định để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Tập trung vào hai nhóm nội dung
Tại phiên họp toàn thể của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 14/5 vừa qua, các đại biểu đã thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tại phiên họp này, các đại biểu đánh giá, sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến MTTQVN, các tổ chức CT-XH và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, nhằm đáp ứng yêu cầu cao hơn trong thực tiễn phát triển đất nước.
Theo các đại biểu, một số chức năng, nhiệm vụ của MTTQVN chưa được phát huy đầy đủ, vẫn còn có sự trùng lặp, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ; trùng lặp về đối tượng vận động tập hợp ở một số tổ chức thành viên của Mặt trận. Trong khi đó, mô hình chính quyền địa phương 3 cấp đã bộc lộ sự cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ, quyền hạn; phát sinh nhiều thủ tục hành chính, chưa phát huy được tối đa việc ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc tồn tại nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực, không phát huy được tiềm năng của mỗi địa phương, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển.
Đất nước đang bước vào giai đoạn mới, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 lần này nhằm thể chế hóa những định hướng mới trong phát triển, tạo cơ sở hiến định vững chắc cho cuộc cách mạng về sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đặc biệt, tạo thuận lợi để đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong quản trị Nhà nước.
Ông Trần Đức Thành, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc cho rằng: Việc bỏ cấp trung gian là chủ trương đúng đắn, để bộ máy càng gần dân, sát dân hơn; giúp các chỉ đạo, định hướng từ cấp tỉnh đến cấp xã nhanh và thực hiện sớm hơn so với trước. Việc sửa đổi Hiến pháp để bỏ cấp huyện cũng cho thấy sự phù hợp với xu thế phát triển mới, nhất là khi chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Yêu cầu cao hơn đối với cấp xã
Song song với việc góp ý, sửa đổi Hiến pháp năm 2013, tại phiên thảo luận ngày 14/5, Quốc hội cũng tập trung thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đây là điều kiện về tính pháp lý để khi bộ máy cấp xã mới đi vào hoạt động đảm bảo hiệu quả, thông suốt.
Điểm nhận được sự quan tâm nhiều nhất của dư luận là việc chuyển nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện hành về cấp xã mới. Theo như Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương có 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp huyện sẽ chuyển giao cho cấp xã; 9 nhiệm vụ, quyền hạn còn lại của cấp huyện sẽ được phân cấp cho cấp tỉnh. Như thế, vai trò, nhiệm vụ, cũng như khối lượng công việc của cấp xã sẽ tăng lên rất nhiều.
Ông Trần Văn Hữu, nguyên Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc cho rằng, từ mô hình hoạt động 1 xã Lộc Thủy, nay hợp nhất 4 xã, thị trấn, gồm: Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và Lăng Cô thành xã Chân Mây - Lăng Cô thì quy mô, tính chất công việc đều mở rộng. Khối lượng công việc nhiều hơn, mỗi cán bộ sẽ tăng khối lượng công việc 2-3 lần, nên đòi hỏi năng lực về quản lý cao hơn. Sau khi mô hình mới đi vào hoạt động sẽ khó tránh khỏi những khó khăn ban đầu. Vì vậy, cán bộ phải đặt cái tâm vào công việc, với mục tiêu cao nhất là phục vụ tốt nhất cho dân.
Theo ông Trần Đức Thành, ở một số địa phương hiện nay, công tác số hóa về hạ tầng, dữ liệu vẫn chưa có sự đồng bộ. Nhân lực đủ khả năng nắm bắt, làm chủ công nghệ cũng chưa thật sự đảm bảo. Đó là vấn đề cần đặt ra và giải quyết nhanh chóng khi mô hình chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động từ ngày 1/7. Khó khăn đối với cán bộ cấp xã là đa số đào tạo tại chức, hay đào tạo từ xa, chỉ hoàn thiện các điều kiện sau này nên cần có thời gian chuyển tiếp để sàng lọc đội ngũ cán bộ.
Ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh (nay là TP. Huế) góp ý, điều kiện để cải cách bộ máy hành chính là tùy thuộc vào kết quả xã hội số, nền kinh tế số và chính quyền số. Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế số, khi đó công dân sẽ sử dụng công nghệ số vào trong mọi mặt đời sống. Hệ thống thông tin dữ liệu đóng vai trò quyết định. Để chính quyền số đạt hiệu quả, giải quyết thủ tục hành chính nhanh, xử lý dữ liệu hiệu quả, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải đáp ứng được yêu cầu tương xứng.
Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 TP. Huế đã ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng VNeID đối với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố. Thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 29/5/2025.