Đối mặt 'bão thuế quan' Mỹ: Doanh nghiệp xuất khẩu 'ngồi trên lửa', nội địa cũng 'khó thở'

Đứng trước những nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu, người ta thường nghĩ đến sự tác động bề nổi vào các doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên thực tế những chính sách thuế sẽ có thể 'ăn sâu' vào cả thị trường nội địa…

 Sự gia tăng cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ này sẽ gây áp lực không nhỏ lên tất cả các doanh nghiệp Việt Nam

Sự gia tăng cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ này sẽ gây áp lực không nhỏ lên tất cả các doanh nghiệp Việt Nam

Từ thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng vào ngày 2/4, từ lãnh đạo cao cấp nhất của Nhà nước đến các cấp, ngành đã nhanh chóng vào cuộc và lên kế hoạch đàm phán chủ động, kịp thời, kỹ lưỡng. Bên cạnh đó các chuyên gia cũng sớm bắt tay nghiên cứu đánh giá những tác động toàn diện của thuế đối ứng lên tất cả các mặt của nền kinh tế và đề xuất giải pháp ứng phó trong mọi trường hợp có thể xảy ra.

“SÓNG NGẦM” TÁC ĐỘNG ĐẾN MỌI DOANH NGHIỆP

Thuế đối ứng của Mỹ, một công cụ thương mại được thiết kế để đối phó với các hành vi trợ cấp không công bằng từ các quốc gia khác, sẽ tạo ra những tác động đáng kể lên hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ chính tại Hoa Kỳ.

Khi Mỹ áp đặt thuế đối ứng lên một mặt hàng cụ thể của Việt Nam, giá thành sản phẩm đó khi nhập khẩu vào Mỹ sẽ tăng lên đáng kể. Điều này trực tiếp làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các sản phẩm tương tự từ các quốc gia khác không bị áp thuế hoặc sản xuất tại chính nước Mỹ. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối mặt với áp lực giảm giá bán để duy trì thị phần, dẫn đến giảm lợi nhuận, hoặc chấp nhận mất đi lợi thế cạnh tranh và thu hẹp quy mô xuất khẩu sang thị trường quan trọng này.

Tại Tọa đàm Đối thoại chính sách với chủ đề “Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam”, PGS-TS Phan Hữu Nghị, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân đã phân tích rõ những ảnh hưởng của thuế đối ứng với nền kinh tế Việt Nam đặc biệt đến một số ngành hàng có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao như điện tử, linh kiện; dệt may da giày; thủy sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ, nhựa, cao su…

Theo ông, nếu sau đàm phán chúng ta có thể đạt được mức thuế khoảng 10% như các nước mà Mỹ có thặng dư thương mại cũng là một thành công nhưng với mức đó vẫn ảnh hưởng đến xuất khẩu chưa kể có thể cao hơn nhiều vì Mỹ bị thâm hụt thương mại lớn với Việt Nam trong nhiều năm qua.

Cùng với đó, PGS-TS Phan Hữu Nghị cũng nhấn mạnh tác động đến thu hút FDI trong khi phần lớn xuất khẩu của Việt Nam đến từ các doanh nghiệp FDI. Khi bị áp thuế, lợi thế so sánh không còn nữa. Các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi FDI có thể bị giảm đơn hàng, tăng chi phí chứng minh xuất xứ và tìm đến các nước có ưu đãi thuế, có lợi thế so sánh tốt hơn Việt Nam. Xét về dài hạn sẽ ảnh hưởng đến chiến lược tăng trưởng 2 con số.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung sau khi có thỏa thuận về thuế quan đều phải đầu tư thêm vào tuân thủ kỹ thuật, chống trợ cấp, minh bạch hóa dòng vốn, chi phí đầu vào, xuất xứ nguyên vật liệu... Tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh, biên lợi nhuận.

Đồng tính với đánh giá tác động của các nghiên cứu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan còn gợi mở thêm những ảnh hưởng của chính sách thuế quan với thị trường nội địa. Theo bà, nếu chính sách thuế đối ứng có hiệu lực, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu mà cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cả thành phần hộ kinh doanh cũng sẽ gặp khó khăn.

Một thực tế xảy ra với thị trường nội địa, nỗi lo lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh các loại phí, là nguy cơ hàng hóa từ các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ đổ bộ vào thị trường nội địa. Do gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang Mỹ, các nhà sản xuất nước ngoài có xu hướng tìm kiếm các thị trường thay thế, và Việt Nam với các lợi thế nhất định có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn. Tình trạng hàng tồn kho lớn ở Trung Quốc càng thúc đẩy họ tìm kiếm các kênh tiêu thụ mới.

“Sự gia tăng cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ này sẽ gây áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh và các cơ sở sản xuất gia đình vốn chủ yếu dựa vào thị trường nội địa. Như vậy, tác động từ tình hình thương mại quốc tế không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp xuất khẩu”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích.

 Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Việc Việt Nam tăng cường các biện pháp kiểm soát hàng nhập khẩu để ngăn chặn gian lận thương mại, đặc biệt là hành vi giả mạo xuất xứ để hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang Mỹ, là cần thiết. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý đến luồng hàng hóa thực sự tìm đến thị trường nội địa.

Bà Chi Lan nhận định, nếu lượng hàng nhập khẩu giá rẻ tăng đột biến và chiếm lĩnh thị trường, các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh, dẫn đến nguy cơ thu hẹp sản xuất, giảm việc làm và ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập của người dân. Điều này sẽ gây thêm thách thức cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu dùng nội địa trong năm nay.

Số lượng doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động trong những tháng đầu năm đã phần nào cho thấy những khó khăn hiện hữu, việc các doanh nghiệp mới thành lập cần thời gian để đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm và đóng góp vào ngân sách nhà nước càng cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ thị trường nội địa trước áp lực cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu.

GIẢI PHÁP BẢO VỆ DOANH NGHIỆP TRÊN “SÂN NHÀ”

Trước những nguy cơ này, bà Lan đề xuất cả Bộ Công Thương và Hải quan đều cần tăng cường theo dõi luồng hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ hoặc cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa sản xuất trong nước. Việc phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan này là rất quan trọng để bảo vệ thị trường nội địa và quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh việc đàm phán với Mỹ là điều tất yếu, các cấp lãnh đạo đã và đang làm rất kịp thời và hiệu quả thì các chuyên gia cũng đồng tình đưa ra quan điểm rằng chính chúng ta phải chủ động ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

 Không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu mà hộ kinh doanh, các tiểu thương đều có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách thuế đối ứng

Không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu mà hộ kinh doanh, các tiểu thương đều có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách thuế đối ứng

Bà Chi Lan nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện tại, việc Mỹ áp thuế đối ứng có thể xem là một cơ hội để Việt Nam nhìn nhận lại và điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế. Đây là thời điểm phù hợp, đặc biệt khi chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng với những định hướng phát triển mới, mang tinh thần vươn lên mạnh mẽ. Chiến lược phát triển trong tương lai không thể tiếp tục dựa trên những nền tảng cũ, dù là các lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh hay hoạt động kinh tế nội địa.

Sự kiện này đòi hỏi Việt Nam phải tiến hành cơ cấu lại toàn diện nền kinh tế, rà soát và điều chỉnh cả quan hệ kinh tế đối ngoại. Trước đây, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cùng với tiêu dùng nội địa phụ thuộc nhiều vào việc mở cửa. Giờ đây, chúng ta cần xem xét lại và đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế.

Thực tế cho thấy, mặc dù Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), nhưng hiệu quả tận dụng vẫn còn hạn chế. Phần lớn lợi ích từ các FTA dường như tập trung vào các doanh nghiệp FDI, trong khi các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn chưa thực sự khai thác được hết tiềm năng mà các hiệp định này mang lại, kể cả các FTA thế hệ mới với các đối tác kinh tế lớn như Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Khả năng tận dụng các cơ hội từ các FTA của khối doanh nghiệp trong nước vẫn còn khá thấp.

Chuyên gia kinh tế hiến kế, để tăng cường nội lực, Việt Nam cần xem xét kỹ lưỡng các khía cạnh của quan hệ đối ngoại. Đặc biệt, mối quan hệ với hai đối tác kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc đòi hỏi những điều chỉnh chiến lược và phương thức tiếp cận phù hợp.

Trước đây, Việt Nam duy trì xuất siêu sang Mỹ và tích lũy dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, việc Việt Nam vẫn tận dụng được "cánh tay" của cả Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ có thể mang lại lợi ích ngắn hạn. Nhưng nếu nhìn xa hơn, việc này có thể khiến chúng ta dễ bị tổn thương hơn nếu các đối tác này thay đổi chính sách. Thực tế đáng lo ngại là ngoài thặng dư thương mại với Mỹ, Việt Nam lại nhập siêu lớn từ Trung Quốc.

"Xét cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu, cán cân thương mại tổng thể của Việt Nam đang ở trạng thái thâm hụt đáng kể, chúng ta đều đang "bỏ trứng vào một giỏ". Điều này cho thấy sự cần thiết phải có những điều chỉnh chiến lược mạnh mẽ hơn trong quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam", theo bà Chi Lan.

Trong quá trình này, việc nâng cao năng lực nội tại, mà chúng ta thường gọi là "tự lực tự cường", cần được thực hiện một cách thực chất. Điều này có nghĩa là tạo ra một môi trường tự do hơn để các doanh nghiệp có thể tự chủ tính toán hiệu quả và năng suất. Đồng thời, cần tập trung vào việc gia tăng giá trị gia tăng trong sản phẩm, bởi đây là yếu tố then chốt để nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bảo An

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/doi-mat-bao-thue-quan-my-doanh-nghiep-xuat-khau-ngoi-tren-lua-noi-dia-cung-kho-tho-post559884.html