Đại biểu đề xuất đánh thuế vào một mặt hàng liên quan thói quen trăm triệu người
Nhiều Đại biểu Quốc hội đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm nhựa dùng một lần nhằm giảm phát thải, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường.
Ngày 9/5, nhiều Đại biểu Quốc hội đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm nhựa khi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi.
Đánh thuế nhựa một lần để bảo vệ môi trường sống
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) đề xuất cần đưa túi ni-lông vào diện chịu thuế TTĐB để thực hiện các cam kết về môi trường. Theo đó, 80% các khu điểm du lịch, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, lưu trú du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa một lần và túi ni-lông khó phân hủy.
Qua đó, đảm bảo sau năm 2025 không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học gồm túi ni-lông khó phân hủy. Ngoài ra, tại các trung tâm thương mại, siêu thị không sử dụng và hạn chế sử dụng sản phẩm này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình). Ảnh: QH
Theo bà Tâm, dù thời gian qua chúng ta đã đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của túi ni-lông đối với môi trường và sức khỏe của con người nhưng việc sử dụng túi ni-lông vẫn phổ biến, gây ảnh hưởng về môi trường và nguy hại sức khỏe của người dân.
Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động để người dân giảm sử dụng túi ni-lông thì việc áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng sẽ góp phần thay đổi thói quen sử dụng của người dân, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.
“Nếu không có chế tài đủ mạnh thì không thực hiện được các cam kết về môi trường mà chúng ta đã đề ra. Vì thế phải bổ sung để đánh thuế TTĐB đối với các sản phẩm nhựa, trong đó có túi ni-lông”, bà Tâm nói.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng đề xuất cần đánh thuế TTĐB đối với các sản phẩm mà người dân đang bức xúc, gây ảnh hưởng môi trường rất lớn đó là sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đây là sản phẩm gây ô nhiễm môi trường dù các tổ chức đoàn thể phát động phong trào không sử dụng sản phẩm nhựa, túi ni-lông nhưng ngoài chợ vẫn sử dụng các sản phẩm này.
“Do đó, nên đưa vào diện thu thuế TTĐB đối với sản phẩm nhựa, bởi hiện nay việc tiêu dùng sản phẩm nhựa rất lớn, trong đó gây ô nhiễm môi trường là không nhỏ”, ông Hòa nói.
Túi ni-lông nên bị đánh thuế để đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) chỉ ra, cần cân nhắc, xem xét đưa sản phẩm nhựa sử dụng một lần vào danh mục chịu thuế TTĐB. Bởi Việt Nam đang phải đối mặt với ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải nhựa.

Quốc hội họp toàn thể tại hội trường ngày 9/5. Ảnh: QH
Việc đánh thuế TTĐB với sản phẩm này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm thân thiện với môi trường, thay đổi hành vi tiêu dùng và phù hợp với xu hướng quốc tế. Tuy nhiên, cần xây dựng lộ trình hợp lý để doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi và người dân thích ứng với sự thay đổi hành vi sử dụng.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, về các sản phẩm ô nhiễm môi trường như sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông sẽ tiếp thu để rà soát. “Vì loại hàng này trong quá trình sản xuất đã đánh vào phí bảo vệ môi trường ở mức cao nhất rồi. Do đó, từ đề xuất của Đại biểu Quốc hội sẽ nghiên cứu, có cần tiếp tục dùng tiếp chế tài về thuế nữa hay không”, ông Thắng nói và cho biết sẽ tiếp tục ghi nhận vấn đề này và báo cáo sau.