Đổi mới cơ chế quản lý để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho thuê

Sáng 6-12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp (IVES) tổ chức hội thảo 'Đổi mới cơ chế quản lý để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho thuê'.

Hội thảo nhằm mục tiêu nhận định thực trạng phát triển nhà ở xã hội cho thuê hiện nay, đề xuất những cơ chế quản lý phù hợp, áp dụng cho toàn bộ đại đa số tầng lớp người dân có nhu cầu thực về vấn đề này.

Chương trình có sự tham dự của gần 100 chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng - bất động sản, công nhân viên và người lao động quan tâm.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Anh Quân, Viện trưởng IVES cho biết, trong bối cảnh quốc tế, mô hình nhà ở xã hội cho thuê đã được nhiều quốc gia đặt ở vị trí quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển nhà ở. Mô hình này bao gồm ba phân khúc chính: Nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã hội cho thuê mua và nhà ở xã hội bán đứt. Các phân khúc này đều hướng đến đối tượng thu nhập thấp, giúp họ có cơ hội tiếp cận nhà ở phù hợp, dù là thông qua thuê, thuê mua, hay mua đứt với hỗ trợ vay vốn.

 Đồng chí Nguyễn Anh Quân, Viện trưởng IVES phát biểu khai mạc hội thảo “Đổi mới cơ chế quản lý để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho thuê”.

Đồng chí Nguyễn Anh Quân, Viện trưởng IVES phát biểu khai mạc hội thảo “Đổi mới cơ chế quản lý để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho thuê”.

Tại Việt Nam, với chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng Chính phủ, Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 đã được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của các nhóm đối tượng yếu thế. Đồng thời, các cơ quan lập pháp đã hoàn thiện Luật Nhà ở 2023, có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, cùng nhiều văn bản pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý thông thoáng và linh hoạt hơn, hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển các khu nhà ở xã hội trên toàn quốc.

Trong đó, phân khúc nhà ở xã hội cho thuê đóng vai trò then chốt, đặc biệt tại các đô thị lớn và những khu vực có cụm công nghiệp sử dụng nhiều lao động với thu nhập thấp. Đây là giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán nhà ở cho lực lượng lao động, góp phần ổn định đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Với những chính sách hỗ trợ đồng bộ và sự quan tâm đặc biệt từ các cấp chính quyền, nhà ở xã hội cho thuê hứa hẹn sẽ trở thành giải pháp hiệu quả, đáp ứng nhu cầu an cư của hàng triệu người dân, đồng thời đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Tại hội thảo, TS Trần Thị Hạnh, Phó viện trưởng IVES cho biết: Việt Nam đang thiếu nguồn cung nhà ở xã hội cho thuê do ngân sách nhà nước còn hạn chế, các doanh nghiệp, các nhân tư nhân không muốn đầu tư phát triển do lợi nhuận không bảo đảm, sợ rủi ro vì đối tượng theo quy định là những người thu nhập thấp.

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Đổi mới cơ chế quản lý để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho thuê”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Đổi mới cơ chế quản lý để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho thuê”.

Bên cạnh đó, thủ tục được miễn sử dụng đất khi triển khai xây dựng nhà ở xã hội phức tạp, kéo dài; khó vay tín dụng ưu đãi do ngân hàng chưa có cơ sở đủ tin cậy để cấp tín dụng cho chủ đầu tư khi các dự án chậm trễ do vướng mắc về mặt pháp lý, giải phóng mặt bằng…

Về khung pháp lý, TS Trần Thị Hạnh đặt ra vấn đề cần thiết có một cơ quan chuyên trách để quản lý nhà ở xã hội cho thuê.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đại Lai, thành viên hội đồng chuyên gia IVES đề xuất, rất cần một cơ quan đầu mối cấp quốc gia về việc hình thành cơ chế, quản lý và có công ty chuyên ngành trực tiếp xây dựng nhà ở xã hội, mà căn bản là mô hình nhà ở xã hội cho thuê.

Sau khi được thành lập, đây phải là cơ quan xây dựng chiến lược và có kế hoạch phát triển nhà ở xã hội tới từng địa phương, cụm công nghiệp tại các tỉnh, thành theo thời gian dài hạn, trung hạn và từng năm… Cơ quan này cũng cần đa dạng hóa các hình thức cùng tạo ra nhà ở xã hội thích hợp. Thay vì ưu đãi các doanh nghiệp xây dựng nhà ở thương mại với nhiều cơ chế ưu tiên thì nay dùng nguồn thu từ chính sách các khoản ưu đãi để tạo vốn chuyển sang xây dựng nhà ở xã hội, do chính các công ty xây dựng trực thuộc cơ quan này xây dựng, hoặc thuê công ty xây dựng ngoài nhà nước xây dựng theo quy hoạch và giá cả thỏa thuận được duyệt.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Viện trưởng IVES Nguyễn Anh Quân khẳng định: “Những ý kiến phân tích, đóng góp của các chuyên gia tại hội thảo sẽ được chúng tôi kiến nghị với cấp có thẩm quyền liên quan về các cơ chế đổi mới trong việc quản lý để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho thuê tại Việt Nam”.

* Viện Nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp (IVES) đã và đang thực hiện các hoạt động liên quan về giáo dục cũng như giáo dục dạy nghề của Việt Nam, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục nghề và hệ thống giáo dục - đào tạo nước nhà. IVES liên kết, hợp tác cùng một số đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước để tìm hiểu các mô hình đào tạo nghề của các nước Đức, Mỹ, Australia… ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các đơn vị đối tác trong và ngoài nước.

* IVES đặc biệt chú trọng đến chương trình “Đào tạo kép” - mô hình học và thực hành song song của Cộng hòa Liên bang Đức. Từ đó áp dụng để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước cũng như nước ngoài khi cơ hội làm việc của người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng rộng mở.

*IVES là một trong 3 đơn vị ở Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Đức ÖSD.

Bài, ảnh: HÀ THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/doi-moi-co-che-quan-ly-de-thuc-day-phat-trien-nha-o-xa-hoi-cho-thue-805901