Đổi mới điều hành tín dụng: Chủ động, linh hoạt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, NHNN đã chủ động đổi mới công tác điều hành tín dụng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng an toàn, hiệu quả, đồng thời từng bước giảm sự can thiệp hành chính, thúc đẩy tín dụng xanh và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đây là một phần trong nỗ lực cụ thể hóa Nghị quyết số 62/2022/QH15, Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội và định hướng phát triển ngành ngân hàng theo các chuẩn mực quốc tế.
Công khai, minh bạch trong điều hành tín dụng
Trên cơ sở chỉ đạo tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xác định tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2024 ở mức khoảng 15% và năm 2025 khoảng 16%, có điều chỉnh linh hoạt theo tình hình kinh tế. Quan trọng hơn, NHNN đã công khai nguyên tắc phân bổ chỉ tiêu tín dụng, cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động xây dựng kế hoạch và lộ trình tăng trưởng, thay vì bị áp chỉ tiêu cứng như trước.
Năm 2024, NHNN tiếp tục đổi mới biện pháp điều hành TTTD, thông báo chỉ tiêu TTTD từ đầu năm, công khai, minh bạch nguyên tắc để TCTD chủ động TTTD. Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu, NHNN đã chủ động thực hiện 02 lần điều chỉnh chỉ tiêu TTTD cho các TCTD vào ngày 28/8/2024 và ngày 28/11/2024 để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục lộ trình giảm dần việc giao TTTD cho các TCTD, thông báo cho một số TCTD được chủ động kiểm soát TTTD năm 2024.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025, ngày 30/12/2024, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao TTTD năm 2025 để các TCTD chủ động triển khai thực hiện. Đồng thời, NHNN tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu TTTD cho từng TCTD theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, theo đó, nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, Ngân hàng Hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được chủ động kiểm soát TTTD năm 2025.

Tín dụng tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Tín dụng tăng trưởng an toàn, hướng vào các lĩnh vực ưu tiên
Cùng với việc đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng nêu trên, NHNN thường xuyên yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng, các quy định về cấp tín dụng của NHNN nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ. Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đơn giản hóa thủ tục cho vay, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Song song đó, nhiều chỉ đạo kịp thời đã được ban hành để điều tiết tín dụng với từng ngành hàng cụ thể như DNNVV, bất động sản, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực lúa gạo, thủy sản... giúp tăng tính thanh khoản và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Một trong những điểm sáng trong điều hành năm qua là chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Chỉ riêng từ tháng 3 đến đầu tháng 4/2025, NHNN đã tổ chức thành công 13 hội nghị chuyên đề tại 61 tỉnh, thành phố, trực tiếp lắng nghe và tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục là điểm tựa quan trọng cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Đến cuối quý I/2025, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 378.021 tỷ đồng, tăng 2,83% so với cuối năm 2024, phục vụ hơn 6,8 triệu khách hàng.

NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và tình hình sản xuất kinh doanh trong nước để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp
Với nỗ lực của toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2024 được cải thiện so với năm trước, đến ngày 31/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 15,09% so với cuối năm 2023, đạt mục tiêu đề ra, góp phần tích cực vào kết quả tăng trưởng kinh tế. Đến ngày 15/4/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024, tăng 18,19% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2024, dư nợ tín dụng tăng 1,21% so với tháng 12/2023). Tín dụng tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, phản ánh định hướng điều hành nhất quán của NHNN.
Với mục tiêu đưa tín dụng ngân hàng đến gần hơn với người dân và doanh nghiệp, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách, từ đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đẩy mạnh cho vay điện tử đến hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi trong thẩm định, phê duyệt khoản vay. Đáng chú ý là các chương trình tín dụng đặc thù được triển khai mạnh mẽ, quy mô ngày càng mở rộng: gói tín dụng cho ngành lúa gạo, thủy sản đạt 100.000 tỷ đồng; chương trình nhà ở xã hội nâng quy mô lên 145.000 tỷ đồng. Cùng với đó là các chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02, Thông tư 06, Thông tư 53) hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do thiên tai, thị trường. Song song với đó NHNN có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Để bảo đảm an toàn hệ thống, NHNN thường xuyên giám sát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán... bằng cả công cụ thanh tra, kiểm tra và hệ thống cảnh báo sớm. NHNN cũng yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, bảo đảm dư nợ tăng trưởng không làm phát sinh thêm nợ xấu.
Tuy đạt được kết quả tích cực nhưng việc cho vay đối với nhiều chương trình còn khó khăn. Đơn cử, đối với Chương trình tín dụng cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP: nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế; một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý về thủ tục về đầu tư, đất đai,... Để được vay vốn thì người vay phải thuộc danh sách được mua nhà ở xã hội do Sở Xây dựng xét duyệt và công bố theo các điều kiện, thủ tục chặt chẽ của pháp luật nhất là các điều kiện về thu nhập. Tuy nhiên, người được mua nhà ở xã hội thì năng lực tài chính lại hạn chế, thu nhập còn phải trang trải cuộc sống, khả năng trả nợ chưa cao.
Định hướng thời gian tới, NHNN cho biết, tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục chỉ đạo các TCTD: Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đồng thời, NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và tình hình sản xuất kinh doanh trong nước để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ngành hàng bị tác động bởi chính sách thuế quan của Mỹ.