Đổi mới hoạt động đào tạo giáo viên ở trường sư phạm
Đào tạo cách dạy phương pháp học
Đã có một thời gian dài, chương trình đào tạo các trường, khoa sư phạm tập trung “đầu tư” cho người giáo viên tương lai nắm vững hoạt động dạy, những phương pháp, kĩ năng tổ chức thực hiện hoạt động dạy. Ngày nay, sinh viên sư phạm không chỉ lo học cách dạy mà còn phải chuẩn bị tốt để dạy cách học. Vấn đề quan tâm nhất để những giáo viên tương lai biết dạy cách học là mỗi giảng viên sư phạm phải thường xuyên rèn luyện cho sinh viên kĩ năng tự học thông qua bộ môn mình phụ trách.
Phát triển khả năng tự học là một trong những nhiệm vụ cơ bản của hoạt động dạy học nói chung và của đổi mới phương pháp dạy học ở Việt Nam hiện nay. Điều này sẽ làm cho người học có thời gian và cơ hội để thu nhận, sàng lọc, chuyển hóa thông tin và phát triển các kĩ năng (năng lực hành động).
Hình thành hệ thống kỹ năng nghiệp vụ sư phạm
Trong bối cảnh hiện nay, với những biến đổi sâu sắc của nghề dạy học, các kĩ năng nghiệp vụ sư phạm cần hình thành ở người giáo viên phổ thông là: kĩ năng làm việc với sách giáo khoa, sử dụng các thiết bị dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục, giao tiếp, hội nhập, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo, gắn lí luận với thực tiễn, định hướng, kế hoạch hóa, kiểm tra, tự kiểm tra, đánh giá, tự đánh giá...
Căn cứ vào hệ thống các kĩ năng nghiệp vụ sư phạm, các trường, khoa nên cụ thể hóa mục tiêu thành các năng lực đòi hỏi ở một sinh viên tốt nghiệp theo từng ngành. Giải quyết các vấn đề trong những bài học ở nhà trường sư phạm cũng nên xem như giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Nhờ vậy, sinh viên tốt nghiệp khỏi bỡ ngỡ khi bước vào đời sống thực tế phong phú; và ở một góc độ nào đó, khi họ ra trường khỏi phải mất công đào tạo tiếp từ thực tế cuộc sống và công việc.
Bồi dưỡng kĩ năng giải quyết vấn đề và kĩ năng hợp tác
Cuộc sống của con người, suy đến cùng, là một chuỗi liên tục giải quyết vấn đề. Càng giải quyết tốt các vấn đề bao nhiêu, chất lượng cuộc sống của con người càng có nhiều cơ hội được nâng cao bấy nhiêu. Trong phạm vi cụ thể, sự hợp tác tạo nên nhiều thành tựu quan trọng đối với mỗi cá nhân.
Vì vậy, sinh viên sư phạm cần trang bị kiến thức nền tảng về văn hóa, môi trường xã hội; nắm được các nhu cầu và yêu cầu của thị trường lao động, các chính sách giáo dục; xác định được thực trạng “cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng” của giáo dục phổ thông để từ đó tổ chức các hoạt động giáo dục đạt hiệu quả; có thái độ thân thiện, hợp tác, xây dựng đối với các cơ sở và tổ chức ngoài trường, có khả năng thích ứng, sáng tạo và linh hoạt trong khi tiến hành các hoạt động giáo dục.
Nâng cao nhận thức hoạt động phản biện, tự phản biện của giảng viên
Lao động của nhà giáo đòi hỏi phải linh hoạt, sáng tạo để đáp ứng đòi hỏi của xã hội và cá nhân người học. Giảng viên cần liên tục trau dồi phẩm chất nghề nghiệp và năng lực chuyên môn; tự nhìn nhận, đánh giá bản thân mình, biết lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp. Đồng thời phải luôn độ cầu thị, không ngừng tự học, học tập đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực của bản thân.
Giảng viên vừa là chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn vừa là người điều phối, thiết kế chương trình và nội dung bài học, vừa là nhà tư vấn. Với vai trò nhà thiết kế, giảng viên không chỉ có kiến thức vững vàng mà cần am tường quy luật nhận thức, tâm lý. Từ đó, giúp đỡ sinh viên biết cách vượt qua những khó khăn tất yếu của môn học. Giảng viên cần dựa vào đặc điểm của sinh viên để chia sẻ bài giảng truyền cảm hứng, giúp sinh viên phát huy dần khả năng tự học, tự nghiên cứu của mình.
Trong vai trò tư vấn và “đồng hành”, giảng viên sư phạm cần nỗ lực để xác định “tầm nhìn” và kiến tạo tinh thần hợp tác cho người học; luôn tìm cách cổ vũ người học, đưa ra được những lời khuyên tốt và kịp thời để người học hành động chinh phục được tầm nhìn đó. Là nhà quản lý quá trình học tập và đánh giá giáo dục, giảng viên cần biết cách thiết kế bài kiểm tra phù hợp với yêu cầu, mục đích và kết quả học tập của người học, bên cạnh yêu cầu đánh giá người học một cách công bằng và tạo động lực.