Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh thế nào khi triển khai Chương trình mới?
Chính phủ phản hồi ý kiến của Đoàn giám sát liên quan đến đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục.
Thực hiện Kết luận số 563/TB-ĐGS ngày 28/7/2023 của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình.
Trong báo cáo này, trả lời ý kiến của Đoàn giám sát liên quan đến đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục, Chính phủ cho biết:
Những phương pháp đánh giá học sinh thông qua việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học chú trọng đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh đã được Bộ GD&ĐT chuẩn bị tổ chức trước khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Cụ thể là Thông tư số 30/2014/TT-BGD&ĐT ngày 28/8/2014 quy định đánh giá học sinh tiểu học; Thông tư số 26/2020/TT-BGD&ĐT về sửa đổi Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGD&ĐT.
Tuy nhiên, để triển khai Chương trình GDPT 2018, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT ban hành các văn bản hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá học sinh; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu về đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BGD&ĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học, Thông tư số 22/2020/TT-BGD&ĐT quy định về đánh giá học sinh trung học. Theo đó, chuyển việc đánh giá trọng về điểm số, về kết quả sang tập trung đánh giá thường xuyên, đánh giá theo quá trình để thúc đẩy sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Các quy định kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học chú trọng đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh. Kết quả kiểm tra, đánh giá không tính điểm trung bình các môn học; không lấy kết quả môn học này để bù cho môn học khác.
Với Chương trình GDPT 2018, yêu cầu về phẩm chất, năng lực học sinh đã được mô tả thành các biểu hiện cụ thể (ghi trong Chương trình môn học, hoạt động giáo dục) và chia vào từng yêu cầu cần đạt của từng nội dung giáo dục cụ thể.
Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình tổ chức các hoạt động học được thiết kế trong kế hoạch bài dạy thông qua nhiều hình thức: hỏi - đáp, viết, thực hành, thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập. Chú trọng đánh giá bằng nhận xét quá trình và kết quả thực hiện của học sinh theo yêu cầu của câu hỏi, bài tập, bài thực hành, thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập đã được nêu cụ thể trong kế hoạch bài dạy.
Việc kiểm tra, đánh giá định kì theo quy định tại Thông tư số 22/2020/TT-BGD&ĐT. Mỗi học kì chỉ có 1 bài kiểm tra giữa kì và 1 bài kiểm tra cuối kì. Các bài kiểm tra phải được xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra theo các yêu cầu cần đạt trong Chương trình đã được các nhà trường thực hiện từng bước hiệu quả.
Theo báo cáo tổng kết năm học của các địa phương, các sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh đảm bảo quy định.
Các cơ sở giáo dục đã thực hiện các hình thức, phương pháp, kĩ thuật, công cụ kiểm tra, đánh giá; kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì. Khuyến khích các nhà trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra, đánh giá. Khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục.
Vì vậy, kết quả đánh giá bảo đảm yêu cầu đánh giá đúng năng lực của học sinh trong việc huy động và sử dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào các tình huống mới, nhất là các tình huống gắn với thực tiễn.
Tuy nhiên, việc kiểm tra, đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 là việc mới, khó, cần có thời gian để giáo viên tiếp tục làm tốt hơn.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ GD&ĐT tăng cường tập huấn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về kiểm tra, đánh giá học sinh đáp ứng yêu cầu về đánh giá phẩm chất, năng lực người học theo mục tiêu của Chương trình.