Đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập lý luận chính trị

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: 'Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo…'.

Hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ theo quy định, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong tỉnh luôn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị nhằm nâng cao nhận thức thế giới quan, phương pháp luận, bồi dưỡng đạo đức, lý tưởng cách mạng, lập trường, tư tưởng chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, với kỳ vọng đạt mục tiêu đào tạo toàn diện nguồn nhân lực cho xã hội. Trong đó, phải thật sự coi trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy kết hợp với đổi mới hình thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học viên đảm bảo công bằng, khách quan, chất lượng, hiệu quả.

Về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, V.I.Lênin đã khẳng định: Không có kiểm tra thì không có lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng đã rất quan tâm tới công tác kiểm tra, đặc biệt trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thì công tác kiểm tra lại càng được Người chú trọng. Năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, tại mục: Phê bình và sửa chữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ trong công tác học tập phải có một bộ phận thực hiện chức năng kiểm tra với nhiệm vụ kiểm tra: “Ủy ban học tập phải có một ban kiểm tra để xem xét việc học tập và sự tiến bộ của mọi người, giúp đỡ người tiến bộ ít, khen ngợi người tiến bộ nhiều”; “Các cơ quan lãnh đạo của mỗi môn phải gom góp tài liệu, sắp xếp cách dạy và học, kiểm tra kết quả, sao cho cán bộ trong môn mình dần dần đi đến thạo công việc”. Khi nói về vấn đề cán bộ trong tác phẩm này, Người chỉ rõ: “Kiểm tra - Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường, kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến”.

Quán triệt sâu sắc những tư tưởng đó, trong những năm qua Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, quan điểm chỉ đạo, yêu cầu mới về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng đó, cấp ủy, Ban giám hiệu nhà trường (gọi chung cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cấp tỉnh và Trung tâm chính trị cấp huyện) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từng bước nâng chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập, rèn luyện nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị của Đảng trong tình hình mới và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Kiểm tra, đánh giá là một phần không thể thiếu và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Mặc dù, đây là hoạt động được diễn ra sau trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, nhưng chất lượng và hiệu quả như thế nào sẽ ảnh hướng lớn đến cả quá trình học tập, nghiên cứu. Đối với đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó. Trong những năm qua, việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị luôn được các cấp, các ngành, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đã triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp có tính khả thi cao. Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các giải pháp từ công tác chiêu sinh, tuyển sinh, xét duyệt hồ sơ,…. theo đúng quy chế, quy định về công tác này. Nâng cao chất lượng ra đề thi và tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại học viên; hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập từng phần học, chuyên đề được đổi mới với nhiều hình thức như: Thi tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp, vận dụng lý luận vào giải quyết tình huống cụ thể tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện các giải pháp trên thể hiện quyết tâm cao của cấp ủy, Ban giám hiệu nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Có thể khẳng định, ý thức, trách nhiệm, thái độ học tập, rèn luyện của học viên từng bước được nâng lên, đặc biệt là kỷ luật học tập trên lớp có những chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, tính chủ động và trách nhiệm tham gia quá trình đào tạo, bồi dưỡng của học viên còn những hạn chế nhất định. Vẫn còn tình trạng không ít học viên chưa quan tâm nhiều đến việc nghiên cứu tài liệu trước và sau các buổi học. Một số buổi thảo luận trên lớp còn thụ động, chưa sôi nổi, chưa có nhiều ý kiến tham gia, chất lượng, hiệu quả có mặt hạn chế. Hiện nay vẫn còn tình trạng học viên chưa có ý thức chuẩn bị nội dung đã được giao và chủ động tham gia các buổi thảo luận trên lớp. Đặc biệt, một số học viên vẫn sử dụng điện thoại vào internet, lướt các trang Web, đọc báo,… trong các buổi học hoặc không ghi chép bài giảng còn khá phổ biến và chậm được khắc phục. Thực trạng trên cần phải được giải quyết kịp thời, triệt để trong các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Những hạn chế nêu trên cần phải được giải quyết với nhiều giải pháp có tính đồng bộ và quyết tâm cao; tuy nhiên, có một nội dung quan trọng đó là: Cần phải đổi mới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên. Công tác kiểm tra, đánh giá phải thật sự nghiêm túc, khách quan, đánh giá đúng thực chất quá trình học tập, rèn luyện, đây là điều kiện quan trọng hình thành ý thức, trách nhiệm học tập của học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

Để góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong tỉnh trong thời gian tới, tôi xin đề xuất tập trung vào một số nội dung liên quan đến hình thức thi, đánh giá kết quả học tập của học viên như sau:

Thứ nhất, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện phải bảo đảm tính quá trình

Điều đó có nghĩa là việc đánh giá kết quả học tập không chỉ căn cứ vào bài kiểm tra hết môn học, Ban Giám hiệu nhà trường cần triển khai sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả Quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các văn bản liên quan đến việc tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Trong mỗi môn học, phần học, chuyên đề phải triển khai đồng bộ trong cán bộ, giảng viên, giáo vụ và các bộ phận chuyên môn về tổ chức giao và chấm bài kiểm tra trong quá trình học tập. Điều này đã và đang được thực hiện rộng khắp và có hiệu quả ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên đại bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần ban hành quy định cụ thể, thống nhất về triển khai các bài kiểm tra trong quá trình học tập, lập sổ theo dõi các môn học để theo dõi ý thức tham gia hoạt động học tập, rèn luyện của học viên trong quá trình giảng dạy. Những kết quả, thông tin này phải được đưa vào thành cơ sở để xét điều kiện tham gia thi hết môn và chấm điểm bài thi hết môn.

Thứ hai, về hình thức thi, kiểm tra, viết bài thu hoạch

Phải thường xuyên thực hiện đa dạng các hình thức thi, kiểm tra, viết bài thu hoạch ở tất cả các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với từng đối tượng học viên (lớp vừa làm vừa học, lớp học tập trung, các lớp bồi dưỡng, bồi dưỡng chuyên đề,…) và có thể ở tất cả các phần học, môn học, chuyên đề theo quy định.

Bởi vì, mỗi hình thức thi, kiểm tra đều có những ưu, nhược điểm khác nhau. Nếu thi tự luận giúp cho người học trình bày rõ ràng quá trình tư duy logic, thể hiện khả năng diễn đạt thì thi trắc nghiệm có ưu điểm kiểm tra được nhiều kiến thức, trong một thời gian ngắn, còn vấn đáp có thể đánh giá trực tiếp năng lực của người học thông qua giao tiếp thực tế giữa thầy và trò.

Mỗi hình thức thi lại có những hạn chế, đó là: Thi tự luận khiến học viên ít quan tâm nghiên cứu, còn thi vấn đáp lại buộc học viên phải học thuộc, thi trắc nghiệm dẫn đến học viên học một cách máy móc, thiếu sâu sắc kiến thức.

Mặt khác, sử dụng nhiều hình thức thi sẽ đòi hỏi những yêu cầu khác nhau của cả học viên và giảng viên. Vì vậy, trong một khóa học hoặc chuyên đề việc thực hiện đa dạng các hình thức thi sẽ bổ sung cho nhau và như vậy việc đánh giá sẽ toàn diện hơn đồng thời có thể giúp quá trình hoàn thiện kỹ năng và tri thức của cả người dạy và người học.

Thứ ba, đổi mới cách ra đề thi, viết bài thu hoạch

Cách ra đề thi cho từng hình thức thi, kiểm tra, viết bài thu hoạch; đối tượng dự thi, kiểm tra, viết bài thu hoạch cũng cần được hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất.

Thi tự luận nên ra đề theo hướng mở, đòi hỏi học viên không chỉ nắm vững lý luận mà còn phải hiểu và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo những kinh nghiệm hoạt động thực tiễn tại cơ quan, đơn vị, địa phương mới đạt yêu cầu. Tránh được việc học viên không nghiên cứu bài mà chỉ trông chờ chép tài liệu có sẵn.

Đề thi trắc nghiệm phải nhiều câu hỏi, tránh lặp lại nhiều sẽ không có hiệu quả cho những khóa học sau. Mỗi câu hỏi trắc nghiệm nên có nhiều đáp án (nhiều sự lựa chọn đúng) tránh việc học viên lựa chọn theo hướng may rủi nên chất lượng hiệu quả sẽ không cao.

Đề thi vấn đáp không nên quá nhiều và chi tiết mà nên mang tính khái quát, lựa chọn nội dung cơ bản, nên lựa chọn ở một số chuyên đề bồi dưỡng dành cho đối tượng học viên khối nông thôn. Vì thi vấn đáp yêu cầu học viên không chỉ hiểu nội dung một bài mà có thể ở những bài học khác có liên quan và chủ yếu vẫn là sự vận dụng, liên hệ với thực tế việc thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.

Thứ tư, bổ sung hình thức viết “Tiểu luận” môn học

Đối với nội dung này chỉ nên áp dụng đối với các lớp đào tạo lý luận chính trị (Trung cấp lý luận chính trị, Sơ cấp lý luận chính trị), bởi vì đây là những lớp học có thời gian học dài, nhiều nội dung, một số phần học mang tính chất tổng hợp và gắn với những lĩnh vực cụ thể mà học viên đang công tác. Vì vậy, học viên có sự lựa chọn nội dung phù hợp để viết tiểu luận môn học và được sử dụng để đánh giá kết quả thay cho hình thức thi hết môn. Các khoa chuyên môn, bộ phận giáo vụ có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc thực hiện, còn việc áp dụng hình thức viết tiểu luận môn học được lựa chọn thực hiện ở một số lớp cụ thể do khoa, bộ phận giáo vụ đề xuất và Ban giám hiệu đưa ra quyết định.

Thứ năm, cộng điểm vào kết quả thi với các học viên tích cực học tập

Đây là hình thức khuyến khích học viên tích cực tham gia vào bài giảng nhất là khi giảng viên sử dụng phương pháp tích cực. Tuy nhiên, để thực hiện được cần phải có một quy trình chặt chẽ và cần kết hợp từ khâu thi, chấm thi, duyệt điểm thi và công bố kết quả thi. Do đó, cần xây dựng được một quy trình cụ thể và đưa vào quy chế hoạt động của nhà trường mới có thể thực hiện một cách khách quan và hiệu quả. Để thực hiện được những đề xuất trên đòi hỏi có sự quyết tâm của đội ngũ giảng viên trong việc trau dồi tri thức lý luận và thực tiễn, thường xuyên rèn luyện kỹ năng giảng dạy; đồng thời phải nâng cao nhận thức của học viên về mục tiêu học tập và thi cử để họ có tâm lý cởi mở, tự tin và tinh thần hợp tác với quá trình đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

Đổi mới hình thức thi, kiểm tra, viết bài thu hoạch được thực hiện có hiệu quả ở tất cả các cơ sở giáo dục, đào tạo là góp phần thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đang được thực hiện thường xuyên, liên tục và mang lại hiệu quả tích cực. Trong những năm tiếp theo sẽ góp phần quan trọng vào việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà cũng như đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước trong giai đoạn hiện nay.

B.T

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/%C4%91%E1%BB%95i-m%E1%BB%9Bi-n%C3%A2ng-cao-ch%E1%BA%A5t-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-ki%E1%BB%83m-tra-%C4%91%C3%A1nh-gi%C3%A1-k%E1%BA%BFt-qu%E1%BA%A3-h%E1%BB%8Dc-t%E1%BA%ADp-l%C3%BD-lu%E1%BA%ADn-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B