Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, hướng về cơ sở
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn (CĐ) Việt Nam trong tình hình mới, các cấp CĐ trong tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp với trọng tâm hướng về cơ sở, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên (ĐV), người lao động.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Cao Bằng Nông Minh Tiến cho biết: Nét nổi bật trong hoạt động CĐ của Công ty là việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể, quy chế dân chủ ở cơ sở được tiến hành và lấy ý kiến công khai tại hội nghị người lao động, đảm bảo phát huy tốt dân chủ tại cơ sở. Các nội dung của thỏa ước lao động tập thể và quy chế dân chủ ở cơ sở đảm bảo người lao động được biết, được tham gia, được kiểm tra, được quyết định. Ngoài thực hiện đúng các nội dung đã cam kết, người sử dụng lao động còn thực hiện vượt theo chiều hướng có lợi hơn cho người lao động mà vẫn đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Qua đó công ty luôn đảm bảo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho người lao động; các chế độ tiền lương, thưởng cho người lao động kịp thời, không có tình trạng trả chậm lương, nợ lương, thiếu lương cho người lao động. 100% người lao động được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; các chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động được thanh toán kịp thời, đúng chế độ; thời giờ làm việc vượt quá thời giờ tiêu chuẩn đều được bố trí nghỉ bù hoặc thanh toán lương làm thêm theo chế độ quy định tại điều khoản về tiền lương, tiền thưởng trong thỏa ước lao động tập thể và quy chế tiền lương, quy chế khen thưởng. Bên cạnh đó, Công ty tích cực xây dựng, củng cố, phát triển mạng lưới an toàn vệ sinh viên, có những biện pháp cải thiện điều kiện làm việc hướng tới an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh công nghiệp, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động.
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển ĐV, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp. Trên 1.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh với trên 12.800 lượt công nhân, người lao động được tuyên truyền về vai trò, vị trí của tổ chức CĐ. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh thành lập mới được 24 CĐCS với 507 ĐV, trong đó khối sản xuất kinh doanh 22 CĐCS với 467 ĐV, khối hành chính sự nghiệp 2 đơn vị với 40 ĐV. Toàn tỉnh hiện có 27.580 ĐV CĐ, chiếm 98,6% tổng số công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); CĐCS khối doanh nghiệp ngoài nhà nước có 86 đơn vị với 2.785 công nhân lao động, chiếm 9,96% tổng số CNVCLĐ.
Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động được tăng cường, trong đó tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐV, người lao động. Huy động các nguồn lực của xã hội nhằm tổ chức các hoạt động chăm lo cho ĐV và người lao động; các hoạt động “Tết Sum vầy” và “Tháng Công nhân” hằng năm được thực hiện với nhiều hình thức đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Hoạt động chăm lo phúc lợi, lợi ích cho ĐV, người lao động được các cấp CĐ trong tỉnh triển khai bằng những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thu hút sự quan tâm tham gia của các cấp, ngành, ĐV, người lao động. Vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐV, người lao động ngày càng được khẳng định; hoạt động xã hội được ĐV, người lao động tích cực hưởng ứng với những đóng góp có hiệu quả, góp phần xây dựng quan hệ gắn kết bền chặt giữa ĐV, người lao động với tổ chức CĐ. Có 25.044 ĐV CĐ, người lao động được thụ hưởng từ các hoạt động với số tiền hỗ trợ trên 6,1 tỷ đồng; 162 ĐV được hỗ trợ nhà “Mái ấm CĐ” với số tiền 4 tỷ 745 triệu đồng.
Các cấp CĐ phát huy mạnh mẽ vai trò đại diện cho tập thể người lao động trong việc thực hiện thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Hỗ trợ, tư vấn CĐCS đưa vào thỏa ước lao động tập thể các điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Đến nay, có 61/86 CĐCS trong doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể; 53 đơn vị ban hành và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, 70 doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại khi yêu cầu, vụ việc. Thông qua đối thoại, thương lượng nhiều lợi ích của người lao động quan tâm như: Nâng cao chất lượng bữa ăn ca, việc khám sức khỏe định kỳ, về môi trường lao động an toàn, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi...
Nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động, các cấp CĐ thực hiện tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Vận động cán bộ, CNVCLĐ đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, thúc đẩy thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, niềm tin của cán bộ, CNVCLĐ vào Đảng, Nhà nước; tích cực bồi dưỡng, giới thiệu ĐV CĐ ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp, từ năm 2021 đến nay, có 3.093 ĐV ưu tú được CĐCS giới thiệu tham gia bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Tăng cường các hoạt động phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ tại doanh nghiệp. Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức 40 cuộc kiểm tra, giám sát, tham gia 23 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động và hoạt động CĐ. Qua đó đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, địa phương; chỉ đạo các cấp CĐ tham gia với doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, đặc biệt là vấn đề nhà ở, đảm bảo việc làm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo và các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động.