Đổi mới: Nơi giao nhau giữa lợi nhuận tư nhân và lợi nhuận xã hội
Trong một xã hội nhiều biến động như hiện tại, mọi thành phần trong xã hội dường như đều đang đổi mới. Các doanh nghiệp tư nhân đang đổi mới, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ đột phá, để tăng doanh thu, lợi nhuận. Chính phủ các nước lại ngày một đổi mới để xóa đói giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội và cải thiện môi trường… Sự đổi mới tổng hòa của các cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức học thuật và các chính phủ trong tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống sẽ quyết định hướng đổi mới của toàn xã hội.
Trên thế giới hiện tại có quá nhiều hoạt động có thể ứng dụng khoa học và công nghệ, tuy nhiên tài chính và nhân lực là những nguồn lực xã hội là có hạn, vì vậy, chúng ta phải cân nhắc thật kỹ khi lựa chọn theo đuổi bất kỳ hình thức đổi mới khoa học và công nghệ nào.
Đôi khi, những quyết định đó có thể mang đến cho xã hội những biến chuyển và thành công ngoạn mục. Ví dụ, quyết định nghiên cứu vắc xin axit Ribonucleic (mRNA) trong thời gian đại dịch đã đem đến những thành công vượt bậc, từ đó đem đến một hướng tiếp cận hoàn toàn khác đối với cách điều chế vắc xin và hoạt động điều trị các loại virus cả chủng cũ lẫn chủng mới. Tuy vậy, cũng với đề tài đó, hành trình nghiên cứu và đổi mới của nhiều người khác đã đi vào ngõ cụt.
Mặc dù hầu hết hoạt động đổi mới của các cá nhân và doanh nghiệp đều hướng đến mục tiêu lợi nhuận tài chính, các hoạt động này cũng sẽ có những tác động cả tích cực và tiêu cực lên nền kinh tế xã hội nói chung. Vì vậy, những đổi mới này có thể phù hợp với cả kì vọng xã hội và những kì vọng của tư nhân.
Vậy tư nhân và xã hội có những kỳ vọng đổi mới nào và đâu là điểm giao kì vọng giữa khu vực tư nhân và xã hội?
Lợi nhuận xã hội và lợi nhuận tư nhân
Trong hoạt động kinh doanh, các công ty tư nhân và các doanh nhân thường cân nhắc thực hiện các hoạt động đổi mới đem lại lợi ích cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, các doanh nghiệp thường suy nghĩ xem liệu họ có nên kết hợp một công nghệ mới nào đó vào quy trình sản xuất, phát triển công nghệ hoặc sản phẩm mới hay không.
Đối với các công ty tư nhân, lợi ích của hoạt động đổi mới sáng tạo là lợi nhuận từ việc thương mại hóa những đổi mới sáng tạo đó. Lợi nhuận này sẽ được tính bằng doanh thu trừ đi tất cả những chi phí thử nghiệm thất bại trước đây. Trong hoạt động này, chính phủ có thể giúp doanh nghiệp cắt giảm một số loại chi phí bằng các chính sách thuế, chính sách trợ cấp và cho vay; hay đảm bảo thu nhập cho những đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp thông qua chính sách về giá.
Trong khi đó, lợi nhuận xã hội là lợi nhuận thu được từ tất cả những hoạt động đổi mới của xã hội nói chung, từ lợi nhuận doanh nghiêp cho đến sự phát triển của nền kinh tế quốc gia và môi trường xã hội. Lợi nhuận xã hội đến từ sự chung tay đổi mới sáng tạo của các công ty tư nhân, các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu công. Trong đó, hoạt động đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân có sự đóng góp to lớn của các các công ty khởi nghiệp do các trường đại học khởi xướng và những công ty con phái sinh (công ty spin-off).
Rõ ràng, hoạt động đổi mới sáng tạo có thể có cả tác động tích cực và tiêu cực lên các khía cạnh xã hội, chẳng hạn như: môi trường, sức khỏe cộng đồng, đời sống của dân cư địa phương và cả vấn đề về nhân khẩu học. Đôi khi, khi thực hiện hoạt động đổi mới trong kinh doanh, khu vực tư nhân có thể sẽ chỉ quan tâm đến một số khía cạnh mà “bỏ quên” những khía cạnh lợi ích xã hội khác. Các nhà kinh tế học gọi những tác động này là các tác động “ngoại cảnh” của đổi mới, vì những người sáng tạo không chủ ý làm ra chúng.
Ví dụ, khi một công ty phát triển được một loại công nghệ mới rẻ hơn và năng suất hơn, công ty sẽ có lợi thế cạnh tranh cao hơn và thu được lợi nhuận cao hơn từ công nghệ đó. Tuy nhiên, nếu công nghệ đó thân thiện với môi trường hơn, nó sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân doanh nghiệp mà còn có tác động tích cực đến xã hội. Nếu công nghệ này được sử dụng ngày càng nhiều ở các doanh nghiệp và các thị trường khác, lợi nhuận xã hội sẽ ngày càng tăng cao.
Ngược lại, trong trường hợp công ty đó phát triển được một công nghệ mới rẻ hơn và năng suất hơn nhưng lại gây ô nhiễm nhiều hơn cho môi trường, công nghệ đó sẽ mang lại những tác động tiêu cực về mặt xã hội.
Các công ty tư nhân thường sẽ nắm bắt cơ hội đổi mới sáng tạo khi họ có thể dễ dàng nhìn thấy tiềm năng lợi nhuận. Họ thường thích những dự án đổi mới có khả năng thất bại thấp, thời gian phát triển ngắn và quy mô nhỏ (quy mô càng nhỏ thì rủi ro càng thấp). Tuy vậy, những dự án này thường sẽ không tạo được lợi nhuận cao. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng các cơ hội đổi mới có rủi ro cao hơn, được phát triển trong thời gian dài hạn và có quy mô lớn hơn thường sẽ đem lại lợi nhuận xã hội tích cực.
Ví dụ, sau khi được áp dụng rộng rãi, những công nghệ mang tính đột phá như động cơ hơi nước, điện hoặc Internet đã tạo ra những đổi mới cho nhiều ngành công nghiệp khác. Đây là những công nghệ được phát triển vì “mục đích chung”. Những công nghệ như vậy thường yêu cầu chi phí đầu tư khá lớn và khó có thể áp dụng hay thương mại hóa được ngay sau khi tạo ra.
Ngoài ra, những thách thức, những vấn đề nhức nhối mà xã hội đang phải đối mặt cũng là điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức đổi mới. Sự nóng lên toàn cầu, tình hình dịch bệnh hay tội phạm…chính là động lực của không ít các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ tiến hành đổi mới sáng tạo, tìm ra giải pháp. Thêm vào đó, hoạt động đổi mới sẽ thúc đẩy việc chia sẻ, phổ biến kiến thức và tích lũy vốn nhân lực. Tuy điều này có thể làm giảm lợi ích từ hoạt động đổi mới của khu vực tư nhân, chính phủ các quốc gia có thể sẽ mong muốn các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm đổi mới, sáng tạo với các doanh nghiệp khác, vì lợi ích chung của nền kinh tế.
Nơi gặp nhau giữa kì vọng tư nhân và kì vọng xã hội
Với những mục tiêu và kì vọng khác nhau về mới đổi mới giữa khu vực tư nhân và cộng đồng, hầu hết chính phủ các nước coi việc thúc đẩy lợi nhuận của cả khu vực tư nhân và xã hội là sứ mệnh của họ. Vì vậy, chính phủ các nước thường khuyến khích và đẩy mạnh các hoạt động đổi mới liên quan đến lợi ích công cộng như giáo dục, y tế và quốc phòng. Chính phủ thường tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và giáo dục công để phổ biến rộng rãi các kiến thức khoa học mới. Trong ngành y tế, chính phủ cũng luôn cố gắng hết sức để đổi mới.
Đại dịch Covid-19 vừa qua chính là thời điểm kì vọng xã hội giao thoa mạnh mẽ với kì vọng tư nhân. Trong thời kỳ này, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (US) đã thực hiện Chiến dịch Warp Speed nhằm đẩy nhanh việc phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin, cũng như việc nâng cao các phương pháp điều trị và chẩn đoán COVID-19.
Hơn hết, sự thành công của vắc xin Covid-19 đã cho ta thấy rất rõ tác động mạnh mẽ của đổi mới đến lợi nhuận xã hội và lợi nhuận tư nhân. Dựa trên dữ liệu về các loại vắc xin Covid-19, Fink ước tính tổng lợi nhuận thu được từ vắc xin của các doanh nghiệp tư nhân là 79,6 tỷ USD. Trong khi đó, cũng theo Fink, lợi nhuận xã hội thu được sau khi vắc xin Covid-19 được nghiên cứu thành công là 70.600 tỷ USD. Rõ ràng, vắc xin mang đến lợi nhuận xã hội cao hơn rất nhiều so với lợi nhuận tư nhân. Bởi ngoài giá trị thương mại, vắc xin Covid-19 còn mang đến những giá trị về sinh mạng và sức khỏe con người, đồng thời cứu vãn được nhiều thiệt hại về kinh tế vì cách ly cộng đồng, đứt gãy chuỗi cung ứng. Khi kì vọng tư nhân giao hòa với kì vọng xã hội, đổi mới sẽ làm nên kì tích.
Với sự tương tác qua lại lẫn nhau giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, hướng đổi mới chắc chắn sẽ còn nhiều thay đổi, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận tư nhân và lợi nhuận xã hội của tất cả các ngành công nghiệp khác nhau trong xã hội.