Đổi mới phương thức giáo dục thông qua Đề án chuyển đổi số

ĐTO - Từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp, nguồn tài chính của các cơ quan, đơn vị, nguồn xã hội hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng các đơn vị liên quan đã triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi số ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp năm học 2023 - 2024. Qua đó, góp phần đổi mới phương thức giáo dục, ứng dụng việc dạy học trên môi trường số.

Học sinh Trường Tiểu học - THCS An Lộc (TP Hồng Ngự) tham gia tiết học STEM

Học sinh Trường Tiểu học - THCS An Lộc (TP Hồng Ngự) tham gia tiết học STEM

Sở GD&ĐT triển khai dạy học với mô hình giáo dục STEM đến 100% các cơ sở giáo dục từ cấp Tiểu học đến cấp THCS, THPT theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên; tổ chức các hội thi về giáo dục STEM. Hiện có 465 cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 78%. Các cơ sở giáo dục từ cấp Tiểu học đến THCS, THPT hoàn thiện mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt trên 70%. 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật. Hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan, các cơ sở giáo dục trực thuộc được thực hiện 100% trên nền tảng quản trị số (hệ thống iDesk).

Toàn tỉnh có hơn 11.000 cán bộ quản lý, giáo viên được trang bị chữ ký số. Công tác bảo mật, an toàn thông tin được Sở GD&ĐT, các đơn vị liên quan chú trọng, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức quản lý các hoạt động chuyên môn, sử dụng hồ sơ số, số hóa các hồ sơ chuyên môn. Triển khai tập huấn đại trà cho giáo viên và cán bộ quản lý về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng Onetouch với gần 11.000 lượt người tham gia. Đồng thời, chỉ đạo phát huy vai trò của tổ chuyên môn trong đánh giá, lựa chọn học liệu số trước khi đưa vào sử dụng trong nhà trường. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục xây dựng hệ thống học liệu riêng cho đơn vị. Năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT tổ chức triển khai nhân rộng thực hiện hồ sơ số, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử; xây dựng kho học liệu số, bài giảng điện tử dùng chung; kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu ngành giáo dục chia sẻ cho các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, thực hiện Đề án 06, mô hình “Thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử” được ứng dụng tại một số lớp học của trường THPT(phối hợp với VNPT, VIETTEL). Ngoài ra, mô hình “Triển khai hệ thống quản lý trường học xác thực thông tin giáo viên và học sinh” cho phép giáo viên đăng nhập bằng tài khoản VneID (SSO); quản lý điểm, lịch học. Thông qua hoạt động phối hợp, VNPT đang triển khai tích hợp hệ thống xác thực trên phần mềm VnEdu. Giai đoạn, 2023 - 2025, Sở GD&ĐT có 6 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin được phê duyệt tại Đề án chuyển đổi số tỉnh (có 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công, 1 dự án sử dụng nguồn chi thường xuyên, 2 dự án sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa). Đến thời điểm hiện tại các dự án sử dụng nguồn chi thường xuyên và nguồn xã hội hóa của kế hoạch thực hiện đạt so với chỉ tiêu đề ra.

Việc triển khai, thực hiện Đề án chuyển đổi số tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh, học viên tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy học trực tuyến. 50% trường THPT, THCS triển khai các khóa đào tạo kiến thức số, kỹ năng số với 35% học sinh phổ thông tham gia. 60% các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thực hiện giảng dạy và học tập trên môi trường số. Toàn tỉnh có 40% cơ sở giáo dục phổ thông triển khai đào tạo áp dụng mô hình giáo dục STEM/STEAM với 30% học sinh tham gia. Phát triển các kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành giáo dục, gồm bài giảng điện tử, bài giảng dạy trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, các đơn vị trường và đội ngũ giáo viên đã triển khai thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học; tích cực ứng dụng công nghệ số; dạy và học trên môi trường số. Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp, bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên và người học bảo đảm quản lý, làm việc hiệu quả trên môi trường số; kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ phụ trách ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục.

H.An

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/giao-duc/doi-moi-phuong-thuc-giao-duc-thong-qua-de-an-chuyen-doi-so-123427.aspx