Đổi mới phương thức truyền thông về bình đẳng giới tại khu vực miền núi Thanh Hóa

Những năm gần đây, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc đổi mới phương thức truyền thông về bình đẳng giới tại khu vực miền núi. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và cách làm sáng tạo, Hội đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bình đẳng giới.

 Cán bộ Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tích cực ứng dụng CNTT trong truyền thông về bình đẳng giới

Cán bộ Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tích cực ứng dụng CNTT trong truyền thông về bình đẳng giới

Phóng viên Báo PNVN đã có buổi trao đổi với bà Ngô Thị Hồng Hảo - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa - để làm rõ hơn về kinh nghiệm triển khai nội dung này ở Hội LHPN các cấp trong tỉnh.

PV: Thưa bà, thời gian qua, công tác truyền thông về bình đẳng giới tại tỉnh Thanh Hóa đã được triển khai như thế nào?

Bà Ngô Thị Hồng Hảo: Tại Thanh Hóa, Dự án 8 được thực hiện ở 96 xã, 318 thôn đặc biệt khó khăn của 12 huyện, thị xã gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Thạch Thành, Triệu Sơn và thị xã Nghi Sơn. Để hoạt động của Dự án thực sự đi vào đời sống, đạt hiệu quả, kể từ khi triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ nói chung và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) nói riêng về mục đích, ý nghĩa của dự án.

Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa các hoạt động truyền thông như: cấp phát, in ấn trên tài liệu hướng dẫn vận hành mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng", "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng", CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi"; Tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ và chuyên đề tại các mô hình, CLB; Tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách cấp xã, huyện; Tổ chức nói chuyện chuyên đề, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số các cấp tại địa bàn Dự án; tập huấn kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng... cùng rất nhiều hoạt động khác.

PV: Theo bà, công tác truyền thông về bình đẳng giới hiện nay đã có những sự đổi mới nào?

Bà Ngô Thị Hồng Hảo: Ngoài các hình thức truyền thông truyền thống, chúng tôi chú trọng xây dựng các mô hình sáng tạo nhằm thay đổi đổi "nếp nghĩ, cách làm". Chẳng hạn như đầu tháng 11 vừa qua, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội thi "Thủ lĩnh tài năng" với sự tham gia của 12 đội đại diện cho 53 Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại các nhà trường. Hội thi thu hút 120 thí sinh là các em học sinh và dẫn trình viên các câu lạc bộ tham gia tranh tài thông qua các tiểu phẩm, tiết mục văn nghệ đặc sắc của các vùng, miền, dân tộc đã truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về: Kiến thức về giới, bình đẳng giới; xóa bỏ định kiến giới; thúc đẩy bình đẳng, gắn kết yêu thương; xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em...

Phần thi của các đội tham gia Hội thi “Thủ lĩnh tài năng”

Phần thi của các đội tham gia Hội thi “Thủ lĩnh tài năng”

Bên cạnh đó, tôi cho rằng CNTT chính là "chìa khóa" đột phá trong truyền thông về bình đẳng giới tại Thanh Hóa, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS&MN. Như mọi người cũng biết, vùng núi Thanh Hóa với đặc thù địa lý cách trở và dân cư phân tán luôn là một thách thức lớn trong công tác truyền thông. Tuy nhiên, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã tận dụng tốt sức mạnh của CNTT để vượt qua những rào cản này. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, và YouTube được Hội khai thác triệt để nhằm lan tỏa thông điệp về quyền bình đẳng và vai trò của phụ nữ trong xã hội. Các hội nghị trực tuyến cũng được tổ chức thường xuyên, giúp kết nối giữa Hội LHPN tỉnh và các hội viên cơ sở mà không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Những buổi họp này tạo điều kiện để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ cách làm hay trong việc truyền thông về bình đẳng giới.

Trong công tác tập huấn, Hội LHPN tỉnh còn triển khai các lớp học trực tuyến dành cho cán bộ hội viên và các tuyên truyền viên tại cơ sở, hướng dẫn các cán bộ Hội cơ sở cách sử dụng CNTT để tiếp tục lan tỏa thông điệp tại địa phương. Truyền thông số không chỉ giúp chúng tôi tiếp cận nhanh hơn đến hội viên, phụ nữ mà còn tạo cơ hội tương tác trực tiếp với họ. Đây là bước tiến quan trọng để thay đổi nhận thức cho chị em, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa.

PV: Những thay đổi tích cực đó đã tạo sự chuyển biến như nào trong nhận thức, hành động của hội viên, phụ nữ?

Bà Ngô Thị Hồng Hảo: Nhờ sự đổi mới trong phương thức truyền thông, nhận thức của cộng đồng tại các huyện vùng núi Thanh Hóa về bình đẳng giới đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều phụ nữ đã mạnh dạn tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế gia đình và khẳng định vai trò của mình trong cộng đồng. Các nam giới, đặc biệt là thế hệ trẻ, cũng dần thay đổi cách nhìn về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Tôi rất xúc động khi trong một lần về công tác ở cơ sở, 1 hội viên phụ nữ người dân tộc Mường ở huyện Bá Thước nói rằng trước đây chị luôn nghĩ việc nhà là trách nhiệm của phụ nữ nhưng qua các chương trình truyền thông, vợ chồng chị hiểu rằng cả hai nên cùng chia sẻ công việc, có như vậy gia đình mới hạnh phúc. Tôi cho rằng đó là những thành công bước đầu của công tác truyền thông.

PV: Thông qua cách làm của Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, bà có chia sẻ gì về kinh nghiệm ứng dụng CNTT trong truyền thông về bình đẳng giới ở khu vực miền núi?

Bà Ngô Thị Hồng Hảo: Mặc dù Thanh Hóa vẫn còn những khó khăn nhất định về cơ sở hạ tầng tại khu vực miền núi, tuy nhiên các cán bộ Hội cơ sở đã luôn nỗ lực, tìm cách đổi mới truyền thông về bình đẳng giới bằng cách đưa ra các thông điệp đơn giản, dễ hiểu, gắn liền với đời sống thực tế và nét văn hóa của từng dân tộc. Thậm chí có những nơi, các thông điệp phải được biên tập lại bằng tiếng dân tộc để đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng là rất quan trọng. Khi những thông điệp về bình đẳng giới được lan tỏa, chia sẻ thông qua các tài khoản mạng xã hội của chính những người trưởng thôn, cán bộ xã... thì sẽ càng được nhiều người đón nhận, tin tưởng và noi theo.

PV: Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!

An Nhi (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/doi-moi-phuong-thuc-truyen-thong-ve-binh-dang-gioi-tai-khu-vuc-mien-nui-thanh-hoa-20241206124316965.htm