Đổi mới trong 'tự soi, tự sửa'

'Tự soi, tự sửa' là công việc được tiến hành thường xuyên, kiên trì nhằm góp phần xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh.

(baophutho.vn) - “Tự soi, tự sửa” là công việc được tiến hành thường xuyên, kiên trì nhằm góp phần xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh.
Mặc dù tại nhiều cấp ủy đã có sự sáng tạo trong thực hiện “tự soi, tự sửa” như Đảng ủy Công an tỉnh đã tổ chức biên soạn, in, cấp phát 192 bích chương 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để cán bộ, đảng viên nghiên cứu, đối chiếu, tránh các biểu hiện suy thoái; Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Nông xây dựng phiếu tự đánh giá theo thang điểm, mức độ suy thoái trong việc thực hiện Nghị quyết với ba cấp độ hoặc Thành ủy Việt Trì và các huyện đã phân công cán bộ phụ trách, theo dõi, trực tiếp dự, chỉ đạo sinh hoạt đảng tại chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã, phường, thị trấn nhằm nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, giúp cấp ủy nắm bắt, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở; hướng dẫn cụ thể trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, trong đó đã cụ thể hóa các nội dung, phương pháp đánh giá việc thực hiện nêu gương của tập thể, cá nhân và xếp loại chất lượng thực hiện nêu gương ở bốn mức: Tốt, khá, trung bình, yếu kém làm căn cứ để đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên cuối năm...Tuy nhiên, qua mạn đàm nhận thấy, còn nhiều ý kiến cho rằng việc “tự soi, tự sửa” ở nhiều tổ chức Đảng vẫn dập khuôn, khô cứng, không khơi gợi, thúc đẩy được hết ý nghĩa của công việc quan trọng này, do đó làm giảm sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; thậm chí việc “tự soi, tự sửa” làm phiến diện, chưa quyết liệt, chưa có phương pháp còn dẫn đến những hậu quả xấu.Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng của việc “tự soi, tự sửa” cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc mục đích, yêu cầu, nội dung, ý nghĩa của hoạt động “tự soi, tự sửa” tới các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo ra sự thống nhất cao, nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ “tự soi, tự sửa”. Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự giác, chủ động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là đối tượng thuộc diện “tự soi, tự sửa” để đánh giá đúng thực chất, khắc phục tư tưởng ngại va chạm, ngại nói, ngại phê bình khi kiểm điểm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp, thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhiệm vụ “tự soi, tự sửa” để góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, ngày càng trong sạch vững mạnh.

Quốc Hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/sinh-hoat-tu-tuong/202201/doi-moi-trong-%E2%80%9Ctu-soi-tu-sua%E2%80%9D-182233