Đổi mới tư duy phát triển tam nông
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã mở ra những hướng đột phá trong hoạt động của hội, nhằm đổi mới tư duy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) là đơn vị đi đầu trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác với sự chuyển đổi số trong hai lĩnh vực: Ứng dụng Trạm cảnh báo thời tiết iMetos và Cụm công nghệ số eGap trên 17,8ha trồng rau, củ, quả... Trạm cảnh báo thời tiết iMetos giúp quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động. Cụm công nghệ số eGap giúp Hợp tác xã truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau. Từ thành công bước đầu, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn tiếp tục đầu tư hoàn thiện quy trình chuyển đổi số đồng bộ trong sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng ra thị trường, kết nối tiêu thụ ở các sàn thương mại điện tử có xác nhận chất lượng eGap trên tem, nhãn sản phẩm.
Ông Tống Văn Thái, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, huyện có nhiều hợp tác xã trồng lúa, rau, hoa… đã lắp đặt hệ thống camera giám sát trên cánh đồng, giúp cập nhật thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc, quy trình sản xuất. Các camera ghi lại, lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất và người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh. Nhiều trang trại chăn nuôi ở các xã đã lắp đặt hệ thống làm mát chuồng nuôi tự động, có điều khiển nhiệt độ, cấp thức ăn và nước uống tự động cho vật nuôi.
Tại vùng đất cao nguyên Lâm Đồng, các cấp hội nông dân áp dụng mô hình “cầu nối” giúp hộ nông nghiệp tiếp cận, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Để giúp hội viên nông dân cập nhật phần mềm chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa trên trang điện tử Postmart.vn/Agripostmart.vn, Hội Nông dân tỉnh đã ký kết với Bưu điện tỉnh về chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa; phối hợp tổ chức tập huấn tuyên truyền các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh. Hội đã quảng bá, phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với các sản phẩm, hướng dẫn trên 1.000 hộ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử...
Bà Nguyễn Thị Trâm, đại diện nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Bắc Ninh cho rằng, muốn nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, cần sớm đáp ứng một số yêu cầu như: Áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, chế biến để tăng năng suất, giảm giá thành, cập nhật xu thế thị trường, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông sản; chuẩn bị giấy tờ pháp lý, giấy chứng nhận đầy đủ theo từng ngành hàng; vạch ra lộ trình, chiến lược phát triển phù hợp và phải linh động theo thị trường...
Từ những thực tế của các địa phương, trên cơ sở những thành quả đã đạt được thời gian qua, trong nhiệm kỳ tiếp theo, vai trò “cầu nối” của Hội Nông dân các cấp càng được nhấn mạnh, nhằm kết nối nông dân với các đơn vị có thể chuyển giao khoa học kỹ thuật trong việc chế biến sâu sản phẩm nông sản; hiện thực hóa ý tưởng tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thiểu rủi ro trong nghiên cứu quy trình; tổ chức các chương trình kết nối phân phối, đào tạo kỹ năng quản lý, kỹ năng bán hàng đa nền tảng thương mại trên mạng xã hội.
Hình thành đội ngũ nông dân trí thức, khởi nghiệp sáng tạo
Để giúp người sản xuất nông nghiệp tiếp cận, áp dụng các công nghệ tự động hóa, tại Lâm Đồng, các cấp hội nông dân đã phối hợp tổ chức trên 7.000 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hướng dẫn xây dựng nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt cho gần 520.000 lượt nông dân; tổ chức 700 cuộc hội thảo, 239 điểm trình diễn, 333 lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi với trên 12.000 lượt hội viên tham gia; vận động hội viên nông dân tăng cường tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; đầu tư thâm canh, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp; tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường, nâng cao thu nhập.
Để thực hiện có hiệu quả hơn việc liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, đại diện Hội Nông dân tỉnh An Giang cho rằng, cần có giải pháp trí thức hóa nông dân, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tăng cường hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, từng bước xây dựng thế hệ nông dân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa giàu lòng yêu nước, có tri thức khoa học, kỹ năng sản xuất, có ý chí vươn lên.
Đại biểu Đào Trọng Mười (tỉnh Quảng Ngãi) kiến nghị, trong tương lai, Hội Nông dân Việt Nam sẽ có thêm nhiều chương trình, dự án giúp bà con, hội viên đưa thêm nhiều máy móc, thiết bị mới vào sản xuất hiệu quả hơn; đồng thời nâng cao kiến thức cho người dân, giúp bà con sử dụng trang thiết bị, kiến thức bán hàng qua các sàn thương mại, mạng xã hội đạt hiệu quả cao nhất.
Song song với sự hỗ trợ từ chính quyền và hội nông dân, mỗi nông dân cũng cần có những thay đổi phương pháp sản xuất để thích ứng.
Để hỗ trợ nông dân thay đổi phương pháp sản xuất, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới có kiến thức, kỹ năng, tay nghề cao và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực chủ thể của nông dân thông qua các giải pháp khơi dậy tinh thần yêu quê hương đất nước, ý thức tự chủ, tự lực, tự cường; nâng cao trình độ giác ngộ, nhận thức về văn hóa, xã hội, chính trị và khả năng phân tích, thảo luận dân chủ, trau dồi kiến thức gắn với phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân.
Đánh giá cao những đề xuất, sáng kiến của đại diện các Hội nông dân trên toàn quốc, chỉ ra những nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đề nghị, các cấp hội tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước trên tinh thần hướng mạnh về cơ sở với 5 giải pháp trọng tâm, trong đó, đáng chú ý là đổi mới công tác tuyên truyền vận động phương pháp tập hợp hội viên trên cơ sở gắn với quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân, giúp nông dân chủ động nêu cao cảnh giác trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, đặc biệt là lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, thu hồi đền bù, giải phóng mặt bằng để kích động, lôi kéo chia rẽ trong nội bộ nông dân, đồng bào dân tộc để chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Các cấp Hội tập trung nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác trong sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh, phát triển các hình thức kinh tế tập thể; nắm bắt tình hình thực tiễn đời sống, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân, tham gia giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong đời sống và sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII đã xác định 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu công tác Hội Nông dân Việt Nam và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ 5 năm tới (2023 - 2028): Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh; Phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; Đẩy mạnh các hoạt dộng dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Tích cực tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh; Chủ động, tích cực hội nhập và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hoạt động đối ngoại nhân dân.
Trong đó, 3 nhiệm vụ đột phá nhiệm kỳ tới đã được Đại hội xác định là: Đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân; Tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; Nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ Hội các cấp.
Một trong 3 nhiệm vụ đột phá của Hội Nông dân Việt Nam trong nhiệm kỳ tới là tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Cụ thể, Hội Nông dân các cấp sẽ tập trung tham gia hướng dẫn phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang tồn tại điểm yếu như sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng hàng hóa nông sản chưa đồng đều; chưa có những vùng nguyên liệu lớn để phục vụ chế biến...
Đây là nhiệm vụ đột phá hướng đến khắc phục những điểm yếu, tháo gỡ những nút thắt của ngành nông nghiệp hiện nay.
Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng riêng đề án tham gia phát triển kinh tế tập thể. Dự thảo đề án đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam sẽ ký kết với một số ngân hàng thương mại, hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi; tiếp tục ký kết với các bộ, ngành để tham gia phối hợp, triển khai các đề án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
(Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn)