Đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp
Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở nhiều địa phương trong tỉnh đang từng bước đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế.
Liên kết sản xuất
Tại xã Đăk Sao - nơi có hơn 95% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, mô hình liên kết trồng gừng, nghệ theo hướng hữu cơ đang phát huy hiệu quả. Cuối năm 2021, UBND xã phối hợp với HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông triển khai mô hình liên kết trồng gừng, nghệ theo hướng hữu cơ và đã vận động 15 hộ dân tham gia với tổng diện tích 3ha gừng, nghệ. Đến thời điểm hiện tại, vùng nguyên liệu trồng gừng, nghệ đã mở rộng lên 31ha, với 48 hộ tham gia.
Giám đốc HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông Lê Văn Việt cho biết, qua khảo sát, HTX nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng tại xã Đăk Sao rất phù hợp để trồng dược liệu, trong đó có gừng, nghệ nhằm tạo nguồn nguyên liệu hướng đến xuất khẩu. Chính vì vậy, HTX đã làm việc với chính quyền địa phương và vận động các hộ đồng bào DTTS tham gia chuỗi liên kết trồng gừng, nghệ. Các hộ dân sẽ được HTX hỗ trợ về giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, còn người dân chỉ bỏ công chăm sóc. Đến khi thu hoạch, HTX sẽ hỗ trợ thu mua cho người dân với mức giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg.
Trước đây, gia đình anh A Blôc, ở thôn Đăk Riếp 1, xã Đăk Sao quanh năm chỉ trồng mì. Nhiều năm trồng mì, đất dần bạc màu khiến năng suất kém và giá mì xuống thấp nên thu nhập bấp bênh. Năm 2023, gia đình anh Blôc được HTX định hướng tham gia mô hình liên kết trồng gừng. Từ đó, anh đã chuyển đổi 9 sào mì kém hiệu quả sang trồng 6 sào gừng và 3 sào nghệ. Cuối năm 2024, gia đình anh thu được hơn 7 tạ gừng và 18 tạ nghệ. Với mức giá thu mua khoảng 5.000 đồng/kg (đối với củ gừng) và 7.000 đồng/kg (đối với củ nghệ), gia đình anh có thu nhập gần 20 triệu đồng/năm. “So với trồng mì, tôi thấy trồng gừng theo phương pháp hữu cơ dễ dàng và hiệu quả hơn. Cây gừng, nghệ cho năng suất cao. Hơn nữa, tham gia trồng gừng, nghệ có HTX bao tiêu đầu ra ổn định nên gia đình tôi rất yên tâm”, anh Blôc chia sẻ.

Người dân thôn Đăk Riếp 1, xã Đăk Sao chăm sóc cây gừng. Ảnh: HOÀNG KỲ
Tại xã Kon Đào, nhiều mô hình kinh tế như mô hình liên kết trồng mía với Công ty CP Đường Kon Tum, mô hình liên kết trồng dứa với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai, mô hình liên kết trồng mắc ca với Công ty CP Dương Gia... mang lại hiệu quả kinh tế, được người dân tích cực tham gia. Anh A Chiến, ở thôn Đăk Rô Gia, xã Kon Đào là một trong số những hộ dân tham gia mô hình liên kết trồng dứa và trồng mía. Gia đình anh Chiến trước đây thuộc diện hộ nghèo, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào cây mì nhưng thu nhập không ổn định. Được sự vận động của chính quyền địa phương, năm 2023 anh Chiến đã phá bỏ một số diện tích trồng mì để trồng 300 cây mắc ca và 3 sào mía. Đến nay, cây mắc ca phát triển rất tốt. Trong khi đó, 3 sào mía của gia đình vào giữa năm 2024 cho thu hoạch hơn 30 tấn và được doanh nghiệp thu mua với giá 1.100 đồng/kg. Sau khi trừ đi chi phí, anh Chiến lãi gần 30 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình anh được cải thiện rõ rệt.
Bước đầu các mô hình kinh tế liên kết đã đem lại sự thay đổi rõ rệt trong tư duy sản xuất của người dân. Nếu như trước kia, đa phần người dân sản xuất manh mún, tự cung tự cấp, chưa quan tâm đến chất lượng nông sản, thì nay đã biết lựa chọn giống tốt và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản phù hợp với xu thế thị trường. Kết quả trên là nền tảng để các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa các DTTS trên địa bàn.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Xã Kon Plông có hơn 2.600 hộ dân, trong đó đồng bào DTTS chiếm 94,48%. Đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt. Thực hiện Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững, thời gian qua, xã Kon Plông tích cực tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cải tạo vườn tạp; vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Địa phương đã triển khai nhiều mô hình sản xuất như nuôi bò sinh sản, nuôi vịt xiêm, dê, heo đen, phát triển cây sả Java, trồng keo lai, chè...

Mô hình liên kết trồng mía tại thôn Đăk Rô Gia, xã Kon Đào. Ảnh: HOÀNG KỲ
Anh A Điêu, ở thôn Măng Nách, xã Kon Plông đã chuyển đổi diện tích mì kém hiệu quả sang trồng 2ha keo và hơn 4ha cau. Sau 4 năm cần mẫn chăm sóc, đến nay, diện tích trồng keo và cau của anh Điêu phát triển tốt. Ngoài ra, gia đình anh Điêu còn chăn nuôi heo đen và vịt xiêm. Năm 2024, gia đình anh Điêu có thu nhập hơn 200 triệu đồng từ trồng trọt, chăn nuôi. “Nhờ chuyển đổi sang mô hình trồng keo, cau và kết hợp chăn nuôi, gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn”, anh Điêu phấn khởi nói.
Không chỉ gia đình anh A Điêu, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Kon Plông đã chuyển đổi sang các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Anh A Vững, ở thôn Vi Choong, triển khai hiệu quả mô hình trồng chè. Trước đây, gia đình anh Vững chủ yếu trồng mì trên 3 sào đất của gia đình, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Đến năm 2021, được sự vận động của chính quyền địa phương và hỗ trợ từ HTX Chè sạch Đông Trường Sơn, anh đã tiến hành cải tạo đất và chuyển từ trồng mì sang trồng chè. Sau 3 năm chăm sóc, vườn chè của anh Vững phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Hiện nay, sản phẩm chè tươi loại 1 tôm, 1 lá có giá 20 nghìn đồng/kg và loại 1 tôm, 2 lá có giá 15 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, vườn chè giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn để trang trải cuộc sống”, anh Vững cho hay.
Chủ tịch UBND xã Kon Plông Bùi Văn Đáp cho biết, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững trên địa bàn xã đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Người dân đã xóa bỏ các phong tục, tập quán sản xuất, canh tác không còn phù hợp; mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thời gian tới, địa phương sẽ phát huy kết quả đạt được, đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ, giúp người đồng bào DTTS phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/doi-moi-tu-duy-san-xuat-nong-nghiep-54264.htm