Đời sống Đời sống Người lao động được hưởng lương theo quy định và cao hơn
TTH - Nhiều doanh nghiệp (DN) đã trả lương cơ bản cho người lao động (NLĐ) cao hơn mức tối thiếu vùng được áp dụng từ 1/7/2022. Đối với những DN đang trả lương cơ bản theo mức tối thiểu vùng, hiện đã xây dựng bảng lương mới theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Đó là, tăng thêm 6% so với mức hiện hành.
Lương đã tăng từ đầu năm
Chị Trần Thị Mỹ Duyên, công nhân Công ty TNHH Takson Huế - khu công nghiệp (KCN) Phú Bài, TX. Hương Thủy cho biết, từ đầu năm, chị đã nhận lương cơ bản là 4.404.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương này đã cao hơn mức áp dụng từ ngày 1/7/2022 (là 3.640.000 đồng/người/tháng cho vùng III). Ngoài ra, chị còn được tính lương theo sản phẩm, chuyên cần, tay nghề... tổng thu nhập trung bình hàng tháng của chị khoảng 7 triệu đồng.
Chị Duyên kể, giá cả “leo thang” nên với mức lương có được, chị vẫn luôn chật vật trong chi tiêu. Chị Duyên nuôi 2 đứa con nhỏ, việc làm của chồng chị lại không thường xuyên. “Công ty đã trả lương cơ bản cao hơn so với quy định, nên nếu được tăng thêm càng phấn khởi, còn không tôi vẫn yên tâm làm việc”, chị Duyên tâm sự.
Theo chị Vũ Thị Nguyệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Takson Huế, so với lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38, công ty chị đã trả lương cơ bản cho NLĐ cao hơn 21%. Vì vậy, công ty không nhất thiết phải tăng lương từ ngày 1/7. Tuy nhiên, để giữ chân NLĐ và chia sẻ kho khăn do giá cả thị trường tăng cao như hiện nay, hiện công ty tại Huế đang đề xuất với công ty tổng tại Hàn Quốc để tăng thêm lương cho công nhân lao động dịp này.
Ông Lê Văn Khánh, đại diện Công ty TNHH Sơn Hà (KCN Phú Đa, Phú Vang) cho biết, từ đầu năm nay, công ty đã chủ động tăng 10% lương cơ bản cho NLĐ. Với mức tăng đó, NLĐ công ty đang nhận lương cơ bản cao hơn mức tối thiểu vùng theo Nghị định 38. Vì vậy, thời gian này công ty tạm chưa điều chỉnh tăng lương.
Bà Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh cho biết, Công đoàn các KCN tỉnh đang theo dõi nắm bắt tình hình về điều chỉnh lương tại các DN trong các KCN từ 1/7/2022 . “Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định 38, áp dụng từ 1/7/2022 là căn cứ để các bên thương lượng, điều chỉnh tiền lương cho NLĐ”, bà Nam khẳng định.
Tuân thủ quy định
Thời gian này, chị Hồ Thị Phương Nhi, công nhân Công ty TNHH Giã Trân Huế (TP. Huế) làm việc với tâm trạng phấn chấn. Chị Nhi cho biết, công ty đã có quyết định tăng lương cho NLĐ bắt đầu từ tháng 7 này. Do đó, lương cơ bản của chị chính thức được tăng lên thành 4.160.000 đồng/tháng. Theo chị Nhi, với mức tăng này, không chỉ chị được tăng thêm thu nhập mà còn được tăng mức đóng bảo hiểm, có lợi hơn khi hưởng lương hưu.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Giã Trân Huế cho hay, trung bình thu nhập của công nhân công ty khoảng 5 đến 6 triệu đồng. Tuy nhiên, lương cơ bản của công nhân lao động vẫn được công ty trả theo mức tối thiểu vùng. Vì vậy, khi Nghị định 38 có hiệu lực, công ty tuân thủ tuyệt đối việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho NLĐ. Theo ông Tuấn, nếu áp dụng tăng lương theo Nghị định 38, hàng tháng công ty ông phải trả thêm so với mức cũ từ 70 đến 80 triệu đồng.
Tương tự, Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Bàng - Nguyễn Đình Thuận cho biết, công ty anh có trên 80 lao động, hiện thu nhập trung bình trên 10 triệu động/tháng. Song tiền lương cơ bản, làm cơ sở đóng bảo hiểm cho NLĐ, công ty vẫn đang áp dụng theo mức lương tối thiểu vùng quy định. “Vì vậy, bắt đầu từ tháng 7 này, công ty tôi vẫn tăng lương cho nhân viên theo Nghị định 38”, anh Thuận chia sẻ.
Theo ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 với mức tăng thêm 6% so với hiện hành là sự chia sẻ của DN với NLĐ. Khi có Nghị định 38 của Chính phủ cùng với những hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, hiệp hội đã có hướng dẫn xuống các DN để sớm có kế hoạch thực hiện, điều chỉnh.
“Mức lương tối thiểu được thông qua chỉ là mức sàn thấp nhất bảo vệ lao động yếu thế. Hiện nay, nhiều DN thuộc hiệp hội đã trả mức lương cơ bản cho NLĐ cao hơn mức sàn này, những DN còn lại đương nhiên sẽ tuân thủ Nghị định 38”, ông Tuấn Anh nói.
Ông Tuấn Anh phân tích, hàng tháng, người sử dụng lao động sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo các tỷ lệ nhất định phụ thuộc vào quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của NLĐ. Do đó, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 sẽ dẫn đến việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội. Nếu DN đang đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ theo mức lương tối thiểu vùng thì từ ngày 1/7, số tiền hằng tháng mà DN phải bỏ ra để đóng các loại bảo hiểm nói trên sẽ tăng thêm so với trước.