Đời sống Đời sống Phát triển vườn đào ở A Lưới
TTH - Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, huyện A Lưới và TP. Huế tiếp tục kêu gọi đóng góp những cây đào đã dùng tết để xây dựng rừng đào A Lưới. Nhưng lần kêu gọi này có nhiều điểm khác, ít nhất là không còn mang tính thử nghiệm.
Những ngày qua, lời kêu gọi “Thay vì vứt bỏ, hãy tặng đào tết cho huyện A Lưới” lại được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội facebook. Địa điểm tiếp nhận đào tết gửi tặng A Lưới có cả ở TP. Huế (bên cạnh Bảo tàng Hồ Chí Minh, đường Lê Lợi - Trần Thúc Nhẫn) và tại huyện vùng cao (khu vực chợ A Lưới). Đọc những lời kêu gọi kèm hình ảnh về vườn đào được trồng sau Tết Tân Sửu trước, đa phần ý kiến đều ủng hộ và cho rằng ý tưởng này rất nhân văn.
Là người có duyên được chứng kiến toàn bộ quá trình triển khai ý tưởng rừng đào ở vùng cao từ những ngày kêu gọi đóng góp đào, vận chuyển, trồng và chăm sóc vườn đào tại khu vực gần đồi thông, phía sau Trung tâm Sinh hoạt văn hóa các dân tộc huyện A Lưới, tôi cũng cảm nhận được hạnh phúc khi thấy hoa đào khoe sắc dịp Tết Nhâm Dần. Số lượng cây đào trồng thử nghiệm không thành công khá nhiều, nhưng nhờ quá trình chăm sóc kỹ lưỡng, khoảng hơn 100 cây đào lớn nhỏ đã sống tốt. Điều đặc biệt là với những cây đào lớn được người chơi đào tại TP. Huế, người dân các địa phương tặng bước đầu cho thấy hợp khí hậu, thổ nhưỡng và sai hoa, nở đúng dịp tết.
Đã có nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao không phải là những giống cây khác mà lại đào (?), thậm chí nhiều người cũng gửi câu hỏi đó đến một người thường xuyên lên về A Lưới như tôi. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới trong những lần kêu gọi đã thay lời giải thích: “Người dân nhiều địa phương thường thích mua cây hoa chơi tết. Nhưng sau khi chơi tết, không phải cây nào cũng có thể trồng lại để chơi lâu dài. Nhận thấy thời tiết tại TP. Huế nắng nóng hơn A Lưới nên cây đào sau khi chơi tết xong do khó trồng lâu dài thường bị người dân vứt bỏ. Lãnh đạo huyện A Lưới đã liên lạc với lãnh đạo Thành ủy Huế và Trung tâm Công viên cây xanh xin lại số cây mà người dân có ý định vứt bỏ để đem lên trồng thử nghiệm tại huyện A Lưới và vận động cán bộ, người dân địa phương cùng ủng hộ để huyện này trồng thành một vườn đào trên vùng cao. Ý tưởng này ban đầu để thử nghiệm, nhưng khi thành công là nhân rộng”.
Tết năm nay, đào nở hoa rực rỡ, cũng là cơ sở cho lời kêu gọi xây dựng rừng đào A Lưới và xóa đi những nghi ngờ về ý tưởng này. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, những cây đào được người dân khắp nơi tặng sẽ được trồng thêm tại vườn đào phía sau Trung tâm Sinh hoạt văn hóa các dân tộc huyện A Lưới. Đồng thời, dự kiến có thể trồng ở một số điểm du lịch và một tuyến đường tại trung tâm của huyện tạo điểm nhấn cảnh quan và thu hút khách du lịch. “Cùng với những cây đào tết người dân tặng lại sau khi chơi tết, địa phương cũng sẽ trồng những cây đào rừng nhỏ. Những cây này tuy phát triển chậm và sẽ lâu ra hoa hơn nhưng kỳ vọng trong tương lai, sẽ phát triển và góp phần làm đẹp cho rừng đào A Lưới, những điểm du lịch của địa phương”, ông Hải cho biết.
Năm 2022, kế hoạch của huyện A Lưới là duy trì và phát triển tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 75%. Tại lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ - Xuân Nhâm Dần năm 2022”, lãnh đạo huyện A Lưới cũng nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của việc trồng thêm nhiều cây xanh, chú trọng để việc trồng cây, trồng rừng trở thành động lực quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế bền vững của huyện. Huyện A Lưới cũng sẽ xây dựng thị trấn A Lưới phát triển toàn diện, bền vững, đảm bảo môi trường đô thị xanh - sạch - đẹp trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Những kế hoạch ấy cộng hưởng với ý tưởng phát triển rừng đào A Lưới khiến nhiều người kỳ vọng trong nay mai sẽ được tham quan, chụp ảnh và đi dạo dưới những rừng đào, những con đường khoe sắc màu hoa đào từ chính những cơ quan, đơn vị, người dân khắp nơi gửi tặng.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/phat-trien-vuon-dao-o-a-luoi-a109864.html