Đời sống Đời sống Rộn ràng các điểm vui chơi dưới nước
Trước nhu cầu sân chơi cho trẻ em tăng cao, nhất là hoạt động dưới nước, mùa hè này, một số đơn vị tư nhân đã đầu tư các bể bơi và điểm vui chơi cho trẻ em.
Dù chỉ mới đi vào hoạt động từ đầu tháng 6/2019, Công viên nước Mini Arena Bay ở đường Đinh Tiên Hoàng nối dài (khu vực Mang Cá, phường Thuận Lộc) đã trở thành địa chỉ thu hút rất đông các cháu nhỏ và các phụ huynh đến tắm mát, vui chơi. Với giá vé 30.000 đồng/lượt, những ngày cao điểm nắng nóng này, khu vui chơi này thu hút hàng nghìn lượt người mỗi ngày. Trên khuôn viên diện tích rộng 3.000m2, ngoài khu phụ trợ, có 4 bể bơi di động bằng chất liệu phao, composite được lắp đặt với tổng diện tích khoảng 2.000m2, trong đó có 2 bể bơi có độ sâu khoảng 1 mét, phục vụ cho người lớn và các cháu lớn, 2 bể cạn độ sâu dưới 50cm dành cho các bé lứa tuổi nhỏ hơn.
Chị Hoàng Thị Phương, phường Tây Lộc cho biết, trời nắng nóng nên bể bơi mới khai trương được hơn một tuần nay mà cả gia đình chị gồm 2 vợ chồng, 2 đưa con đã đến đây 3 lần. “Các cháu nhà mình rất thích thú vì vừa được tắm mát vừa được vui chơi ở các ngôi nhà phao và cầu trượt”, chị Phương vui vẻ.
Ngoài bể bơi ở khu vực Mang Cá, trên địa bàn TP. Huế còn có một số phường đang có bể bơi theo mô hình tương tự có quy mô nhỏ hơn ở đường Phạm Văn Đồng (Vỹ Dạ) và Bùi Thị Xuân (Phường Đúc). Các bể bơi này hoạt động rất “hiệu quả”, thu hút khá đông người dân, nhất là trẻ em vào những tháng hè. Việc đầu tư của tư nhân vào loại hình này góp phần tạo ra những điểm vui chơi lành mạnh cho các cháu thiếu nhi, hạn chế các cháu bơi ở sông hồ.
Ông Hoàng Trọng Tuấn, chủ đầu tư công viên nước mini Arena Bay cho biết, trước đây khu vực này là sân bóng đá, sau đó nhận thấy ở Huế chưa có nhiều khu vui chơi dưới nước nên đã chuyển hướng kinh doanh sang bể bơi, kết hợp với khu vui chơi dưới nước theo mô hình công viên nước mini, số tiền đầu tư cho toàn bộ hệ thống khu vui chơi này khoảng gần 2 tỷ đồng (kể cả phần đã đầu tư sân bóng mini trước đây).
Theo ông Tuấn, hiện nay nhu cầu trẻ em vui chơi dưới nước rất lớn, tỉnh lại đang có chủ trương trang bị kỹ năng bơi cho các cháu học sinh, vì thế, ngoài là điểm vui chơi, công viên nước này còn mời các huấn luyện viên có bằng cấp được Sở Văn hóa - Thể thao về huấn luyện và tổ chức các khóa dạy bơi cho mọi lứa tuổi. Để bảo an toàn phòng tránh đuối nước, trên khu vực bể bơi luôn có 5 người làm công tác theo dõi, cứu hộ để phòng tránh đuối nước.
Liên quan đến vấn đề chất lượng nước, theo quan sát của chúng tôi, các bể bơi này đều có hệ thống lọc nước, nước khá trong xanh. “Ngay khi vừa hoạt động, UBND phường đã có kiểm tra và chủ bể bơi tại 100 Phạm Văn Đồng đã bổ sung giấy phép của cơ quan chức năng, tuy nhiên về chất lượng nước thì cần có cơ quan chuyên môn bởi không thể kiểm chứng bằng mắt thường”, ông Nguyễn Huy Khiêm, Phó Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ cho biết.
Ông Nguyễn Văn Dấu, Phó Giám đốc Trung tâm Thể dục Thể thao TP. Huế cho rằng, việc xã hội hóa đầu tư bể bơi và hệ thống dưới nước do tư nhân thực hiện là tín hiệu vui, tuy nhiên, cần phải bảo đảm được tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước. Ví dụ như nếu hoạt động bể bơi thì quan trọng nhất là vấn đề an toàn, những người làm nhiệm vụ cứu hộ phải được đào tạo, tập huấn bài bản. Một vấn đề khác cũng rất quan trọng là tiêu chuẩn nước trong hồ bơi, nếu không có hệ thống lọc tuần hoàn đúng kỹ thuật thì rất khó có chất lượng an toàn, điều này về lâu dài có khả năng gây bệnh cho người bơi.
Đây cũng là những vấn đề các cơ quan chức năng quản lý nhà nước tỉnh và thành phố lưu tâm, bởi hoạt động bể bơi là loại hình kinh doanh có điều kiện tiềm ẩn nguy cơ về tính mạng và sức khỏe con người.
Ngoài 3 bể bơi di động và một số bể bơi cố định, hiện trên địa bàn TP. Huế có hơn 50 khách sạn có hồ bơi, nhiều khách sạn bể bơi rộng còn mở dịch vụ bơi và tổ chức các khóa dạy bơi cho người có nhu cầu.
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/ron-rang-cac-diem-vui-choi-duoi-nuoc-a73538.html