Đời sống Giữ cây - xây nhà
TTH - 'Phá dễ, giữ mới khó', đó là lý do mà một số gia chủ quyết định bảo tồn những cây xanh khi thiết kế tổ ấm. Với họ, cây không đơn thuần tô điểm không gian sống, chúng còn là người bạn gắn bó với mảnh đất, đời người qua tháng ngày gian lao.
Trước đây, những ai ngang con đường Tôn Thất Thiệp (TP. Huế), nhìn ngôi nhà của ông Trần Đình Quốc Long sẽ bị thu hút bởi hai cây cảnh lạ mắt trước hiên. Đó là cây xi rô, loại cây cho quả làm nước giải khát khá hiếm ở miền Trung. Mỗi cây cao hơn 4m với vô vàn trái nhỏ lúc lỉu trên cành đong đưa theo gió. Quả xi rô chuyển màu trắng, hồng, tím, đen tùy từng giai đoạn nên mỗi thời khắc ngắm nhìn mang lại cảm giác thú vị riêng.
Ông Long cho hay, ông xin hạt từ một người bạn ở ngoại tỉnh và mang nó về chăm sóc hơn 10 năm qua. Khi quả rụng xuống mọc thành cây con, nhiều người xin về làm giống và chúng phát triển rất tốt. “Có người tìm đến trả giá cao mua nguyên hai cây xi rô này nhưng chúng tôi không bán vì nó cũng là thành viên trong gia đình, chứng kiến những thăng trầm vui buồn của ngôi nhà này theo thời gian”, người nhà ông Long thổ lộ.
Trong khi chờ giải tỏa khu nhà, ông đã cất công thuê người đào gốc, bứng nguyên cây chở về trồng trước ngõ ngôi nhà mới. “Sớm mai được nghe tiếng chim về đậu ăn quả chín thú vị lắm. Mấy đứa con nít lại quây quần nô đùa, hình ảnh thân quen của ngôi nhà cũ hiển hiện trong tâm trí mọi người”, ông Long nói.
Trong khi đó, ngôi nhà của anh Lê Văn Hòa trên đường Trần Phú (TP. Huế) dù chưa hoàn thiện song lại thu hút bạn bè ghé thăm, chiêm ngưỡng điều đặc biệt. Đó là cây xoài cát gần 70 năm tuổi được gia chủ khéo léo giữ lại nép vào mặt sau ngôi nhà cao tầng.
“Cây xoài này của chủ đất trước, quả to, ngọt, thơm nên tôi không chặt bỏ nó đi mà muốn nó trở thành một phần của ngôi nhà. Cứ nghĩ trồng cái cây mất biết bao công chăm bẵm mới cho trái ngọt, chặt đi cứ thấy tiêng tiếc thế nào nên tôi tìm phương cách”, anh Hòa chia sẻ.
“Đề bài” của anh Hòa được mang ra thảo luận cùng kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà. Sau “đặt hàng” của gia chủ, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Văn Quý, Công ty Kiến trúc Q&Q Artchitech (TP. Huế) đã trình bày phương án bảo tồn hợp lý. KTS Nguyễn Văn Quý cho hay: “Nhà anh Hòa vừa có giếng trời, vừa có cây xanh. Phía sau nhà là hướng tây, giữ cây xoài vừa tạo không gian xanh tự nhiên, vừa giảm nóng và thông gió rất thuận tiện. Một mũi tên trúng hai đích”. Theo anh Quý, công năng ngôi nhà phải là yếu tố ưu tiên hàng đầu, tiếp đó mới đề xuất phương án bảo tồn cây như thế nào cho hài hòa. Phần lớn chủ các ngôi nhà có diện tích rộng sẽ thích giữ lại cây xanh tự nhiên hơn.
Nếu nhìn nghiêng, từng tầng ngôi nhà của anh Hòa đều có tán xanh tự nhiên tỏa bóng mát. Phía dưới thân cây xoài được làm hàng rào bảo vệ, chỉ vài mét vuông, không gian quanh gốc biến thành nơi uống trà, cà phê nhìn rất “chill”. Khu vực này nằm ở tầng thứ hai với chiều cao lý tưởng thành nơi ngắm cảnh thú vị. Để cây hòa hợp với căn nhà, anh Hòa đã tỉa bớt cành và làm giá đỡ. Anh đang tham khảo chuyên gia cây xanh để tạo điều kiện cho cây tiếp tục phát triển tự nhiên.
José Martí, nhà lãnh đạo Cuba đã từng nói: “Trong cuộc đời này, có 3 việc cần phải làm: Trồng một cái cây, nuôi một đứa trẻ và viết một cuốn sách.” Nếu đặt vào câu chuyện giữ cây khi xây nhà thì việc làm này cũng quan trọng không kém. Với nhiều người, mất vài giờ để trồng cây, tốn nhiều ngày để chăm cây và có khi dành cả đời để thưởng thức, mong chờ thành quả. Chỉ những ai trồng cây mới thấm thía giá trị của điều đó mà thôi. “Ai trồng cây/ Người đó có bóng mát/ Trong vòm cây/ Quên nắng xa đường dài. Ai trồng cây/ Người đó có hạnh phúc/ Mong chờ cây/ Mau lớn theo từng ngày” (Bế Kiến Quốc).
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giu-cay-xay-nha-a118793.html