Đời sống Miền thơm cỏ mật
Sinh ra và lớn lên từ làng, nơi đồng lúa bãi ngô trải dài bát ngát, ai mà không biết về những loại cỏ dại đan xanh dưới chân mình. Lũ trẻ mục đồng nào mà không chơi chọi cỏ gà, hay lấy cỏ bông lau chơi trò trận giả lăn lộn ở triền đê, bị hoa cỏ may ghim khắp áo quần… Và làm sao quên được một loài cỏ đặc biệt, bởi hương thơm của nó khiến người ta có thể xua tan đi phiền muộn, kích hoạt những cảm xúc tươi mới đầy cảm hứng và rất đỗi bình an. Đó chính là cỏ mật.
Cỏ mật là loài cỏ lá dài xanh mượt, những nhánh lá tim tím được dưỡng nuôi từ bộ rễ chùm khỏe khoắn, đem phơi khô sẽ tỏa ra thứ hương thơm ngòn ngọt, thanh thanh dễ chịu. Chẳng rõ người ta khám phá ra giống cỏ mật thơm ấy từ bao giờ, chỉ biết khi đám nhỏ chúng tôi lớn lên, đến tuổi dắt chạc trâu bò đi chăn mỗi buổi nghỉ học, thì đã biết cùng nhau tìm tòi và lưu giữ mùi hương của nó. Biết rằng cỏ mật muốn thơm và ngậm hương lâu thì phải nhổ cả rễ, hơn nữa còn phải lấy vào lúc sáng sớm, khi mà cỏ còn đang vương những hạt sương đêm ướt át.
Chỉ cần giũ sạch đất và đem phơi dưới nắng, cỏ héo là đã bắt đầu nhả hương. Mùi hương cũng biến đổi qua từng ngày khi cỏ khô dần, ban đầu nghe mùi của bụi đất và rễ cây ngai ngái, về sau là thanh ngọt của nhánh lá, nồng nàn của sương đêm âm ẩm, man mác của nắng sớm… Kinh nghiệm được chúng tôi rỉ tai nhau, là khi cỏ héo hãy cứ tráng sương thêm một đêm nữa và đem phơi nắng lại. Càng khô, cỏ mật càng cho ra thứ hương thơm hấp dẫn. Không nồng nàn như hoa hồng, không quyến rũ như hoa nhài, mà đó là một mùi hương ngọt dịu, mát mềm và dai dẳng, có thể làm say lòng cả những người khó tính nhất.
Những ngày còn học bài trước ngọn đèn dầu, chúng tôi nào đã biết gì nhiều về các kiến thức khoa học, rằng mùi hương dễ chịu có thể giúp con người ta giảm lo âu, căng thẳng. Nhưng như một thói quen bản năng, cứ đem cất giữ cỏ mật khô trong túi áo túi quần như bảo bối. Có đứa xem phim cổ trang Trung Quốc còn học đòi tự may túi thơm để cất giữ những búi cỏ tỏa hương ấy. Đi học, đi nhặt rau ngoài bờ ruộng, lúc nhẩn nha trên lưng trâu, hay khi ngủ say như cún, cũng đều mang túi thơm bên cạnh.
Không chỉ có đám trẻ con chúng tôi mê cỏ mật, mà người lớn cũng yêu mùi hương vừa ấm áp vừa dịu ngọt của chúng. Chính mẹ là người gợi ý cho tôi đi tìm nhổ cỏ mật, chỉ cách phơi sao cho thơm lâu, rồi nhủ tôi đem nhét vào gối. Dường như sau một ngày dài tất tả nắng mưa, quẩn quanh với ngô lúa mệt nhoài, được ngả đầu xuống chiếc gối mềm ngát hương cây cỏ, giấc ngủ của đấng sinh thành như được vỗ về mà chìm sâu không mộng mị. Để rồi sáng ngày ra, khi xổ tung mái tóc chải chuốt, nghe hương thơm tỏa bay và vấn vít quanh mình, cơ thể như được tiếp thêm sinh khí và sức lực mà lặn ngụp với ruộng đồng.
Đi tìm cỏ mật giữa thảm cỏ nhiều giống loài ken dày ven các chân ruộng cao, có đứa thỉnh thoảng nhổ nhầm cỏ lá gừng bởi nét tương đồng về hình dạng của chúng. Khi thấy nắm cỏ của mình không đượm hương, thắc mắc đòi chúng bạn tụm lại dỡ ra so với nhau, lúc ấy mới biết đã nhầm lẫn. Lại được dịp trêu ghẹo nhau, chắc khi đi tìm cỏ tâm trí tương tư nghĩ đến ai nên mới đểnh đoảng thế. Chứ đúng loài cỏ mật, chỉ cần vừa nhổ lên thì tay cũng đã nghe mùi thơm thoảng nhẹ rồi.
Trong vô số những mùi hương thiên nhiên hoa, quả, cây cối xuất hiện trong đời sống, ít nhiều đã có những hương thơm thảo mộc khác loài cỏ mật khiến tôi bằng lòng, yêu thích. Nhưng có lẽ, mùi thơm của cỏ mật vẫn là thứ hương cây cỏ thuần hậu và gần gũi, quyến rũ nhất mà tôi mê say, thao thiết nhớ thương. Trong sự thanh khiết, dịu ngọt vốn có, hương cỏ mật còn chắt chiu cả mùi vị của sương đêm, của đất ấm, của gió trời thênh thang và cả miền ký ức bình dị đã đi qua.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/mien-thom-co-mat-a112177.html