Đối tác xa sáng giá

Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Ả Rập được Trung Quốc và 22 quốc gia Ả Rập thành lập cách đây đúng 20 năm.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Trung Quốc lại thực thi chiến dịch mới chinh phục các nước Ả Rập khi tổ chức luôn một cuộc gặp cấp cao với một số quốc gia của khối này, nhân dịp Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 10 của Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Ả Rập.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi, Vua Bahrain Hamad bin Isa al-Khalifa, Tổng thống Tunesia Kais Saied và Tổng thống Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahya. Cả 4 người này còn đều thăm chính thức cấp Nhà nước Trung Quốc.

Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Ả Rập được Trung Quốc và 22 quốc gia Ả Rập thành lập cách đây đúng 20 năm. Hội nghị cấp bộ trưởng của khuôn khổ diễn đàn này được tiến hành cứ hai năm một lần.

Vị thế, những mưu tính chiến lược hiện tại của Trung Quốc cũng như bối cảnh chính trị thế giới và đặc biệt ở Trung Đông và Vùng Vịnh với nhiều biến động đã làm cho các đối tác cách xa nhau về địa lý này trở nên sáng giá hơn bao giờ hết.

4 quốc gia Ả Rập nói trên đều có quan hệ song phương tốt đẹp với Mỹ, EU và các nền kinh tế lớn khác trên thế giới. Nhưng đối với họ, không nền kinh tế nào có thể thay thế được Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Mỹ, EU và khối các quốc gia phương Tây với Trung Quốc hiện lại trắc trở và đầy xung khắc.

Vậy nên, các quốc gia Ả Rập càng cần phải tranh thủ Trung Quốc và thúc đẩy quan hệ hợp tác với nước này. Họ có điều kiện càng thuận lợi để chơi “Con bài Trung Quốc” trong quan hệ với Mỹ, EU và khối các quốc gia phương Tây.

Trung Quốc cũng có nhu cầu ngày càng cao về tăng cường hợp tác với các quốc gia Ả Rập. Bởi Mỹ và EU không những chỉ tăng cường gắn kết với các nước Ả Rập trong khu vực mà còn tìm mọi cách để đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc ra khỏi khu vực.

Ngoài ra, cuộc chiến Nga - Ukraine, Hamas - Israel ở Dải Gaza nói riêng và cuộc xung khắc giữa Israel và Palestin nói chung đều làm gia tăng vai trò, vị thế và ảnh hưởng chính trị thế giới cho Trung Quốc. Các nước Ả Rập cần Trung Quốc cho việc giải quyết những cuộc chiến tranh và xung khắc nói trên.

Trung Quốc cũng cần các quốc gia Ả Rập để gây dựng, thực thi và đề cao vai trò ngoại giao của họ trong việc giải quyết các vấn đề ấy. Về quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương, Trung Quốc muốn nhanh chóng thành lập nên khu vực mậu dịch tự do với các quốc gia Ả Rập trên nền tảng quan hệ song phương cũng như đa phương.

Từ đó, có thể thấy cuộc gặp cấp cao này diễn ra thuận lợi và hài hòa, đưa lại ý nghĩa và tác động chính trị tích cực đối với cả hai phía. Sự đồng thuận quan điểm giữa các đối tác xa này về mọi nội dung trên chương trình nghị sự không khó để được tạo dựng và tăng cường.

Chẳng hạn như họ đều ủng hộ giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung khắc Israel - Palestin với nội dung cốt lõi là thành lập Nhà nước Palestin độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ cùng tồn tại hòa bình với Nhà nước Israel ở khu vực Trung Đông.

Các mối quan hệ hợp tác song phương giữa Trung Quốc và 4 quốc gia này sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, song cả 4 đều không thể đại diện cho tất cả 22 thành viên của Diễn đàn hợp tác giữa Trung Quốc với các quốc gia Ả Rập.

Vì thế khu vực mậu dịch tự do chung vẫn chưa thể sớm hình thành. Vì thế, Trung Quốc vẫn còn phải tiếp tục nỗ lực nhiều thì mới chinh phục được thế giới Ả Rập.

Phù Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doi-tac-xa-sang-gia-post685388.html