Đổi tên tiếng Anh của trạm tàu điện ngầm trước thềm Olympic, Bắc Kinh hứng chỉ trích
Hành động sửa đổi tên gọi tiếng Anh của các trạm tàu điện ngầm tại thành phố Bắc Kinh bị cả người dân lẫn truyền thông chỉ trích nặng nề.
Người dân Bắc Kinh thời gian qua phát hiện một số thay đổi nhỏ: chữ “trạm” bằng tiếng Anh (station) bị thay bằng phiên âm tiếng Trung là “zhan”, vài trạm tên hoàn toàn bằng tiếng Anh trước đây như “công viên Olympic” (Olympic Park) hay “ga số 2” (Terminal 2) cũng bị chuyển thành “Aolinpike Gongyuan” và “2 Hao Hangzhanlou”.
"Station" bị thay bằng "zhan" mặc dù tên tiếng Anh ban đầu được viết kèm theo - Ảnh: CNN
Thay đổi dường như bắt đầu từ tháng 12.2021. Mặc dù không có thông tin gì cho thấy hành động đổi tên liên quan đến Olympic mùa đông sắp diễn ra, nhiều người nhận xét đây giống như lần cải thiện bản dịch tiếng Anh tên nhiều con đường tại Bắc Kinh trước khi Olympic mùa hè 2008 diễn ra.
Nhưng hành động đổi tên lần này làm dấy lên tranh cãi, vì người nước ngoài không biết gì về tiếng Trung thì chẳng thể nào hiểu được phiên âm tiếng Trung cả.
Đầu tháng 1, đơn vị vận hành tàu điện ngầm Bắc Kinh cho biết hành động mới nhất là một phần trong nỗ lực thống nhất các bản dịch tên trạm tàu điện ngầm cho phù hợp với quy định liên quan. Không ít người cảm thấy lời giải thích này không thuyết phục.
Theo một người dùng Weibo: “Tiếng Anh là dành cho người nước ngoài đọc. Tại sao lại chỉ còn có tiếng Trung? Tên dịch như vậy là dư thừa”.
Tờ Nhật báo Quang Minh (Trung Quốc) cũng đặt câu hỏi về tính hữu dụng của tên gọi bằng phiên âm: “Hầu hết người Trung Quốc không cần đến phiên âm để đọc tiếng Trung và trên thực tế thì nhiều người biết chữ hơn là phiên âm. Còn với người nước ngoài, có lẽ đại đa số lại không biết phiên âm. Như vậy bản dịch dùng phiên âm rơi vào tình huống khó xử: người Trung Quốc thì không cần chúng, người nước lại không hiểu chúng”.
Vẫn có ý kiến ủng hộ. Tên tàu điện ngầm thay đổi lại không ảnh hưởng đến Alistair Baker-Brian - công dân Anh đang sinh sống tại Bắc Kinh - vì ông biết tiếng Trung. Ông còn đánh giá chúng có thể có ích cho người không nói tiếng Trung – đặc biệt là người không hiểu biết Trung Quốc cho lắm.
“Khi du khách quay trở lại và cần nói cho tài xế taxi biết mình cần đi đến đâu, các tài xế sẽ hiểu “zhan” hơn là “station””, theo ông Baker-Brian.
Tên của vài trạm đổi thành phiên âm tiếng Trung - Ảnh: CNN
Với một số người, hành động đổi tên trạm tàu điện ngầm khiến họ lo ngại giới chức Trung Quốc dần loại bỏ tiếng Anh. Một cư dân mạng than thở trên Douban – trang đánh giá sách và phim ảnh: “Họ đang bắt đầu bỏ tiếng Anh. Cơn sốt học tiếng Anh thời điểm Olympic 2008 giống như đã qua cả đời người vậy”.
Olympic 2008 từng khuyến một thế hệ người dân Bắc Kinh học tiếng Anh để chào đón người nước ngoài. Chính quyền thành phố thời điểm đó còn mở cả chiến dịch sửa tên đường và tên các địa điểm công cộng dịch sai.
Nhưng vài năm qua, sách, phim ảnh và nhiều sản phẩm văn hóa phương Tây bị nhìn với ánh mắt nghi ngờ. Tiếng Anh có thể là đối tượng bị kiểm soát tiếp theo.
Tháng 8.2021, giới chức giáo dục Thượng Hải cấm mọi trường tiểu học trên địa bàn tổ chức thi cuối kỳ môn tiếng Anh. Chính sách được đưa ra trong thời điểm Trung Quốc cố giảm áp lực học tập cho trẻ em, khiến tầng lớp trung lưu nước này bị sốc.
Tháng 3.2021, một cố vấn chính phủ đề xuất hạ cấp môn tiếng Anh xuống mức ít quan trọng hơn môn tiếng Trung và Toán, không phải môn thi đại học bắt buộc.
Năm 2020, Bộ Giáo dục Trung Quốc ra quy định cấm sách giáo khoa nước ngoài ở tất cả trường tiểu học và trung học cơ sở.