Đổi thay ở khu tái định cư Khuổi Sáp
Sau hơn 13 năm định cư tại nơi ở mới, đồng bào Dao thôn Khuổi Sáp, xã Văn Lang (Na Rì) đã 'an cư, lạc nghiệp' từng bước vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.
Trước đây, do thiếu đất, thiếu nước sản xuất, các hộ dân thôn Khuổi Sáp luôn phải sống trong cảnh đói nghèo. Năm 2008 huyện Na Rì quyết định di dời 12 hộ dân thôn Khuổi Sáp đến định cư tại nơi ở mới để người dân có điều kiện sống tốt hơn.
Khu tái định cư thôn Khuổi Sáp có vị trí gần trung tâm xã, thoáng đãng và tương đối bằng phẳng. Thôn được Nhà nước đầu tư xây dựng đường bê tông, kéo điện lưới quốc gia và nước sạch sinh hoạt đến từng hộ gia đình. Về nơi ở mới, mỗi hộ dân được cấp 300m2 đất ở, 2.000m2 đất ruộng và được hỗ trợ 10 triệu đồng để di chuyển nhà ở.
Chúng tôi đến thăm nhà chị Triệu Thị Huệ khi chị cùng các thành viên trong gia đình vừa cấy lúa xuân về. Chị Huệ chia sẻ: Từ ngày chuyển đến nơi ở mới, các hộ có ruộng cấy lúa, được đầu tư kênh mương thủy lợi, nước sản xuất đầy đủ. Mỗi năm gia đình tôi cấy 2 vụ lúa, mỗi vụ thu hoạch được hơn 10 bao thóc, không còn lo thiếu đói như trước.
Nhắc đến nơi ở cũ, chị bồi hồi nhớ lại: Trước đây, chúng tôi sống rải rác trên núi cao, thiếu đất canh tác, thiếu nước sinh hoạt lẫn sản xuất, đường đi lại không thuận tiện, mua bán khó, trẻ em không đi học đầy đủ. Từ khi có dự án tái định cư tập trung của huyện, chúng tôi đã “hạ sơn” đến nơi ở hiện tại. Được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đầy đủ các hạng mục cơ sở hạ tầng cơ bản, cuộc sống đỡ vất vả hơn rất nhiều, trẻ em đi học thuận tiện. Dự án này rất thiết thực và hiệu quả, giúp chúng tôi có cuộc sống mới tốt hơn.
Chị Đặng Thị Bích- Trưởng thôn Khuổi Sáp cho biết: Sau hơn 13 năm định cư, thôn tăng lên 17 hộ. Các hộ dân đều ổn định cuộc sống và luôn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Thôn có hơn 3ha đất lúa, hằng năm cấy các giống lúa lai chất lượng cao, năng suất đạt từ 50-54 tạ/ha. Theo sự tuyên truyền, vận động của huyện, xã, đối với những diện tích đất sản xuất ở nơi ở cũ, chúng tôi chuyển đổi sang trồng cây lâu năm, trong đó chú trọng phát triển kinh tế rừng. Hiện nay, thôn trồng được hơn 5ha mỡ và keo, trong thôn hộ nào cũng có rừng trồng. Sống tập trung nên việc hỗ trợ, giúp nhau làm ăn phát triển kinh tế cũng dễ dàng hơn. Chẳng hạn như chăn nuôi lợn, trước đây sống rải rác, đi lại khó khăn mỗi hộ dù chỉ nuôi vài con lợn nhưng khi bị dịch bệnh cũng không biết cách phòng tránh. Nay ở gần nhau, phát hiện có biểu hiện dịch bệnh là cùng nhau bàn bạc, giúp nhau chữa trị.
Hiện, thôn có nhiều hộ phát triển kinh tế từ chăn nuôi lợn, trâu với quy mô từ 20-30 con mỗi lứa cho thu nhập khá, như hộ Đặng Tiến Thanh, Đặng Văn Sơn… Sau một thời gian đến định cư, một số hộ dân ở thôn Nà Hiu không thuộc diện di chuyển về đây cũng chuyển xuống sinh sống cùng bà con.
Mặc dù có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ, song sau nhiều năm tái định cư, thôn mới chỉ có 5 hộ thoát nghèo (theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều mới). Theo trưởng thôn Khuổi Sáp, nguyên nhân khó thoát nghèo là do thiếu đất sản xuất, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật; một số hộ dân chưa mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước... Để có chi phí trang trải cuộc sống, người dân thường tìm kiếm lâm sản phụ từ rừng, giới trẻ thì đi làm thuê ở các khu công nghiệp, nhưng thu nhập bếp bênh và không có tính bền vững.
Đồng chí Mã Ngọc Quốc- Chủ tịch UBND xã Văn Lang cho biết: Từ khi đến định cư tại nơi ở mới, xã rất ưu tiên đầu tư cho bà con thôn Khuổi Sáp, như hỗ trợ máy tuốt lúa, máy cắt cỏ, hỗ trợ lợn, trâu sinh sản, giống cây lâm nghiệp… Cuộc sống bà con đổi thay hơn trước nhiều, nhưng thu nhập của người dân còn thấp. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của thôn để nâng cao thu nhập. Đồng thời phối hợp mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, tiếp tục ưu tiên đưa các chương trình, dự án giảm nghèo triển khai tại thôn để bà con từng bước vươn lên thoát nghèo./.
Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202203/doi-thay-o-khu-tai-dinh-cu-khuoi-sap-1c82eb0/