Đổi thay ở làng sản xuất bún truyền thống Vân Cù
Sau hàng trăm năm được người dân gìn giữ và truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến nay nghề làm bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, TP Huế) vẫn được duy trì. Nhờ cần mẫn, chịu khó lao động sản xuất nên nghề làm bún đã giúp người dân địa phương có cuộc sống ổn định, phát triển kinh tế.
Đặc biệt vào cuối năm 2024, nghề làm bún Vân Cù đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Và như CAND điện tử đã thông tin, sáng 19/2, lễ đón bằng công nhận nghề làm bún Vân Cù là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được tổ chức trang trọng.

Người dân ở làng Vân Cù thực hiện nhiều công đoạn sản xuất ra sợi bún tươi truyền thống.
Những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025, chúng tôi đến làng bún Vân Cù nằm ven sông Bồ ở xã Hương Toàn và được nghe người dân kể nhiều câu chuyện về nghề làm bún truyền thống của địa phương. Bên trong xưởng sản xuất rộng gần 30m2 được bố trí một số máy móc, dụng cụ làm bún ngăn nắp, ông Nguyễn Xuân No cho hay, nghề làm bún ở làng Vân Cù đã có cách đây hơn 400 năm. Dù trải qua thời gian dài nhưng các hộ dân ở làng vẫn duy trì nghề truyền thống do cha ông để lại. “Bao lâu nay, bún tươi Vân Cù đã có thương hiệu, nay nghề làm bún Vân Cù trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên chúng tôi càng quyết tâm giữ lấy nghề và truyền nghề làm bún truyền thống cho con cháu. Hiện mỗi ngày gia đình tôi sản xuất khoảng 2 tạ bún tươi để bán”, ông Nguyễn Xuân No cho hay.
Theo những người thợ ở làng bún Vân Cù, nghề làm bún truyền thống rất công phu và phải thực hiện nhiều công đoạn mới làm ra được sợi bún tươi. Trước đây để sản xuất bún, người dân Vân Cù sử dụng các loại dụng cụ thủ công như chày, cối để giã gạo, dùng khuôn để vặn sợi và lò lửa để luộc bún. Để làm nên sợi bún ngon, người làm bún ở Vân Cù thường sử dụng gạo ruộng rồi rửa sạch lớp cám bên ngoài. Tiếp đó gạo được ngâm nước 2 ngày để hạt gạo khô trở nên dẻo hơn. Sau đó người thợ cho gạo vào cối giã, gạn lọc thành bột khô. Sau khi nấu chín bột, người làm bún dùng tay đánh bột nhuyễn thành hồ, sau đó cho vào khuôn vặn thành sợi. Sợi bột sau khi đi qua khuôn được nhúng ngay vào nước đang sôi để làm nên sợi bún tươi thơm ngon.
Sau hàng trăm năm, đến nay làng bún Vân Cù có hơn 130 hộ dân gắn bó với nghề làm bún tươi, giải quyết việc làm cho 300 đến 400 lao động tại địa phương. Bình quân mỗi ngày, các cơ sở làm bún ở Vân Cù sản xuất hơn 20 tấn bún tươi. Với thị trường tiêu thụ rộng khắp địa bàn các huyện, thị xã thuộc TP Huế, đặc biệt bún Vân Cù được nhiều nhà hàng, cơ sở kinh doanh chọn sử dụng cho món bún bò Huế nên bún tươi Vân Cù rất được người dân, thực khách ưa chuộng.
Gia đình anh Nguyễn Sanh Minh có hơn 10 năm gắn bó với nghề làm bún ở làng Vân Cù chia sẻ thêm, nếu trước đây bún được sản xuất gồm 3 loại là bún con, bún lá và bún mớ thì hiện nay chỉ còn bún con và bún mớ để cung ứng cho thị trường. “Từ giai đoạn khó khăn ban đầu, gia đình tôi được chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn để mở rộng cơ sở sản xuất và quảng bá giới thiệu sản phẩm. Nhờ vậy nên hiện mỗi ngày gia đình tôi sản xuất từ 5 đến 6 tạ bún tươi, tạo việc làm cho 5 lao động, giúp cơ sở có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng”, anh Minh thông tin.
Bà Đặng Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Hương Toàn cho biết, để nâng cao năng suất và sản lượng, chất lượng sợi bún, người làm bún truyền thống ở làng Vân Cù còn đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động sản xuất. Dù vậy, nhiều công đoạn thủ công để làm nên sợi bún vẫn được người dân duy trì. Các cơ sở sản xuất bún còn đầu tư kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng các bể lọc. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP Huế còn hỗ trợ người dân thực hiện dự án xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường, qua đó hạn chế ô nhiễm môi trường tại làng bún Vân Cù.
“Nhờ sự nỗ lực của người dân cùng với việc áp dụng các biện pháp truyền thống và khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sản lượng sản xuất bún tươi ở làng bún Vân Cù không ngừng tăng qua mỗi năm. Ngoài ra, nhờ công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm tốt nên thị trường bún tươi Vân Cù ngày càng được mở rộng, giúp các cơ sở bún phát triển, các hộ làm bún có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống hơn trước”, bà Đặng Thị Hương chia sẻ.
Những năm gần đây, thực hiện chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP), xã Hương Toàn đã chọn sản phẩm bún tươi Vân Cù là sản phẩm chủ lực của địa phương, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương hiệu bún tươi Vân Cù, thúc đẩy phát triển bền vững cho người dân gắn với hoạt động làng nghề. Tại các dịp Festival Nghề truyền thống Huế, nghề làm bún truyền thống Vân Cù và các loại nông cụ làm bún đã được giới thiệu đến du khách gần xa.
Ông Nguyễn Duy Hùng, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho biết, với nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị nghề truyền thống của người dân địa phương nên từ năm 2014, làng nghề bún tươi Vân Cù đã được công nhận làng nghề truyền thống của tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế). Và mới đây nhất, ngày 10/12/2024, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL về công bố nghề thủ công truyền thống làm bún Vân Cù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Nghề thủ công truyền thống làm bún Vân Cù trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào và vinh dự của địa phương và các hộ dân gắn bó với nghề làm bún Vân Cù. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động để quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm bún Vân Cù. Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời góp phần tuyên truyền, giới thiệu giá trị văn hóa Huế gắn với công tác quảng bá, xúc tiến về du lịch tại địa phương”, ông Nguyễn Duy Hùng khẳng định.