Đổi thay ở Pa Khôm

Pa Khôm là bản vùng cao của xã Mường Lựm, huyện Yên Châu. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân đã tích cực thay đổi tập quán canh tác, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất. Nhờ vậy, đời sống của bà con đang từng bước đổi thay.

Hiện nay, bản có 37 hộ, với 213 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, bản được biết đến với nhiều “không” (không điện, không đường, không sóng điện thoại...), sản xuất của bà con theo hướng tự cung, tự cấp. Năm 2002, Nhà nước đầu tư mở đường giao thông từ trung tâm xã Mường Lựm lên bản. Mặc dù là đường đất, rộng 3m nhưng cũng đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, trao đổi hàng hóa của bà con. Đến năm 2018, 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, tạo động lực cho phát triển kinh tế và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Hai năm sau, bản được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, điểm trường khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt.

Phụ nữ dân tộc Mông ở bản Pa Khôm may trang phục truyền thống.

Phụ nữ dân tộc Mông ở bản Pa Khôm may trang phục truyền thống.

Giúp bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, hằng năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các công ty giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, các hộ dân trong bản đã chuyển đổi 30 ha đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây mận hậu, mắc ca, gai xanh, cỏ voi.

Hiện nay, bản đang canh tác hơn 50 ha ngô, sắn; 10 ha lúa nương; 5 ha mận hậu; 10 ha cây gai xanh; 1.000 gốc mắc ca; khoanh nuôi, bảo vệ 154 ha rừng phòng hộ. Bà con còn nuôi 170 con trâu, bò theo hình thức bán chăn thả; trên 380 con lợn, gần 50 con dê, hơn 2.300 con gia cầm. Cây trồng, vật nuôi tại bản không chỉ phục vụ sinh hoạt hằng ngày, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ mà đang từng bước trở thành hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Gia đình ông Thào A Vàng trước đây chủ yếu trồng ngô, do canh tác lâu năm, đất đã bạc màu, năng suất thấp. Năm 2020, gia đình ông chuyển hơn 3 ha trồng ngô sang trồng cây gai xanh. Ông Vàng chia sẻ: Gai xanh là cây trồng mới, để biết kỹ thuật chăm sóc, tôi xem trên ti vi, đọc báo. Với 3 ha trồng cây gai xanh, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu 3 vụ, năng suất đạt 250-300 kg vỏ cây khô/ha, trừ chi phí thu 80 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với trồng cây ngô. Ngoài ra, gia đình tôi còn đầu tư mua xe ô tô để thu mua nông sản của bà con dân bản.

Còn gia đình ông Thào A Chú duy trì nuôi 20 con trâu, bò. Trước đây, gia đình nuôi theo hình thức thả rông, nên hàng năm, đàn bò của gia đình bị chết từ 1-2 con do đói, rét. Nhiều năm nay, gia đình ông làm chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ thức ăn và chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả. Những ngày đông, nhiệt độ xuống thấp, gia đình đưa bò về chuồng quây kín gió, đốt lửa sưởi ấm, cung cấp thức ăn, chăm sóc tốt. Trung bình mỗi năm, gia đình ông xuất bán 7-8 con bò, với giá từ 20 đến 30 triệu đồng/con, trừ chi phí, thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Kinh tế của bà con trong bản khá giả hơn, nên việc học của con em cũng được quan tâm nhiều hơn; 100% trẻ trong độ tuổi mầm non và tiểu học đều đến lớp. Nhiều người lớn chưa biết chữ đã tự nguyện theo học xóa mù chữ vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 5 hằng tuần; dù mưa, hay nắng, giá rét, nhưng ai cũng chuyên cần đến lớp, quyết tâm học chữ.

Anh Thào A Hành, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Pa Khôm, phấn khởi: Bản đã đổi thay nhiều rồi. Khi chưa có đường, hiếm lắm mới thấy chiếc xe ô tô vào đến bản; xe máy thì đoạn đi, đoạn phải dắt, vất vả lắm. Có điện, có đường, có trường học cho các cháu học sinh, bà con trong bản vui lắm. Bây giờ xem ti vi, biết nhiều cách để sản xuất tốt, nông sản làm ra được ô tô chở đi bán; gia súc, gia cầm cũng đang trở thành hàng hóa, cuộc sống tốt hơn trước, ai cũng cố gắng lao động để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Do vậy, từ 100% số hộ nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm còn 24,3%. Kinh tế khá hơn, nhà nào cũng mua được xe máy, tivi, tủ lạnh, máy xay xát; một số hộ khá giả còn mua ô tô để chở hàng hóa, nông sản, vật liệu xây dựng. Nhân dân bản Pa Khôm mong mỏi Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường trung tâm xã vào bản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào dân tộc Mông nơi đây luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nếp sống văn hóa, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới.

Thu Thảo

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-thay-o-pa-khom-gRa6FoNIg.html