Đổi thay ở tộc người ngủ ngồi
Hàng trăm năm có lối sống khép kín đã khiến tộc người Đan Lai ở vùng lõi Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát tách biệt với thế giới bên ngoài. Từ sự hỗ trợ của Chính phủ, sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An, đời sống của người dân Đan Lai có nhiều khởi sắc.
Quá khứ u buồn
Những năm 1980, BĐBP Nghệ An phát hiện một tộc người lạ ở giữa vùng lõi VQG Pù Mát (huyện Con Cuông, Nghệ An). Nhóm cư dân này sinh sống hoang dã như người nguyên thủy. Thấy bóng người lạ là họ lại lẩn vào rừng sâu.
Rất khó khăn, BĐBP mới có thể tiếp cận được với nhóm người này. Đó là tộc người Đan Lai, nhóm người mà dân số chỉ có hơn 3.000 người, cư trú chủ yếu ở miền núi có độ cao 1200m so với mặt nước biển, tại các bản Co Phạt, Khe Khặng, Khe Búng, xã Môn Sơn.
Tộc người Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh, chủ yếu là dòng họ La. Theo lời kể của các già làng, dòng họ này vì sự truy đuổi của bạo chúa miền Hoa Quân (vùng Thanh Chương, Nghệ An) từ mấy trăm năm trước nên đã gồng gánh nhau trốn chạy lên núi. Họ chạy mãi, chạy mãi đến thượng nguồn sông Giăng, nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân.
Khi đến vùng rừng sâu, núi hiểm, nước độc này, một nhúm cơm cũng không có mà ăn. Dân làng phải đi đào củ mài ăn cho hết đói. Người chết được bọc vỏ cây, lá rừng làm áo quan đem chôn.
Trước đây, người Đan Lai không có nhà. Họ sinh sống dọc con sông Giăng bằng nghề săn bắt, hái lượm, bắt thú trên rừng, đi hái măng, rau rừng, đào củ mài, quăng chài lưới bên bờ khe bắt tôm cá. Hết ngày thì chặt 3 cái cọc chụm lại rồi lấy lá che lên để ngủ. Khi lá cây héo vàng, nhìn thấy sao trên trời lại dựng lều khác. Sau họ làm nhà sàn để ở.
Vì sống biệt lập giữa rừng, luôn phải đối phó với hiểm nguy rình rập nên người Đan Lai có tục ngủ ngồi bên bếp lửa để tránh rét và sự tấn công của thú dữ. Để thích nghi với tự nhiên, trẻ sau khi sinh, dù nắng hay mưa, đông hay hạ, rét đến buốt thịt da, đứa trẻ vẫn được đem xuống suối nhúng 6,7 lần rồi mới đưa về nhà. Đứa nào sống thì ba tuổi biết bơi. Cứ thế nó khỏe mãi đến già, không bệnh tật gì vì có bệnh tật cũng không có thuốc chữa. Cả làng từ những đứa trẻ 4-5 tuổi đều ăn trầu để giữ ấm mùa đông và vệ sinh răng miệng khi chưa biết bàn chải đánh răng.
Quen với nước từ khi sinh ra nên trẻ con Đan Lai 5-6 tuổi đã thạo bắt cá trong khe đá. Ban ngày, chúng ném đá để lùa cá vào hang. Ban đêm, khi cá mát, cá lăng, cá pa pị, cá sứt mui… chui vào hang ngủ thì lũ trẻ lại lầm lũi đi mò những con cá chỉ to bằng một vài đốt ngón tay.
Sống biệt lập trong rừng thẳm, thất học, đói nghèo bủa vây và hôn nhân cận huyết kéo dài đã khiến tộc người Đan Lai đứng trước nguy cơ suy vong giống nòi.
Đổi thay ở chốn sơn cùng thủy tận
Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ duyệt đề án “Bảo tồn và Phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai”, tổng kinh phí 93 tỷ. Chính phủ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và đào tạo tại các khu vực người Đan Lai sinh sống để giúp bà con mở rộng quan hệ giao lưu với các dân tộc khác trên địa bàn. Nhiều hộ dân sau đó được tái định cư ở vùng đất mới.
Nhờ chính sách của Nhà nước, năm 2012, những hộ dân chưa ra khỏi rừng được “giải cứu” khi con đường chạy vắt vẻo qua các sườn núi được mở thông suốt từ trung tâm xã Môn Sơn chạy qua Cò Phạt vào tận bản Búng. Đã hết cảnh chỉ có con đường độc đạo vượt dòng sông Giăng hiểm trở, thác ghềnh mà một số người lính biên phòng đã bỏ mạng vào mùa lũ. Bốn cây cầu treo qua suối được xây dựng xong, phá thế cô lập hàng trăm năm nay với thế giới bên ngoài.
Năm 2018, một bước ngoặt làm thay đổi cuộc sống người dân nơi đây khi họ bắt đầu có điện lưới, rồi sóng điện thoại. Lần đầu tiên, người dân Đan Lai được dùng những thiết bị quạt điện, ti vi, nồi cơm điện, tủ lạnh và điện thoại. Có đường nên bà con sắm xe máy để đi. 80% số hộ đã có ti vi bắt sóng bằng chảo parabol.
Trước đây, người dân có tâm lý ỷ lại, cứ chờ sự trợ cấp của Nhà nước. Việc tự trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm hay để chăm lo cho bữa ăn hàng ngày là câu chuyện xa lạ với họ. Về sau, bà con có nuôi gà, lợn nhưng cũng chỉ thả rông phó mặc cho thiên nhiên.
Đồn Biên phòng Môn Sơn đã hướng dẫn bà con trồng lúa nước, chăn nuôi. Vụ Đông Xuân năm 2019 là năm đầu tiên người Đan Lai sử dụng máy cày để cày đất. Đại úy Nguyễn Trung Kiên, trưởng Trạm biên phòng Khe Khặng cho biết, hiện Cò Phạt có hai máy cày của ông La Văn Đoàn và ông La Văn Thìn. Nhờ có hai máy cày nên 8 ha đất của cả bản chỉ cày vài ngày là xong.
Điều kỳ lạ là dù có nguồn gốc là người Kinh nhưng sau hàng trăm năm sống trong rừng, tộc người Đan Lai đã tự tạo ra ngôn ngữ khác. Từ trường học lợp tranh, vách nứa, hiện Cò Phạt đã có trường Tiểu học xây dựng khang trang. Nhiều hộ gia đình đã xây dựng được các căn hộ lớn bên cạnh những căn nhà sàn lợp mái tranh mốc thếch. Những bữa cơm chỉ có muối trắng với măng rừng hoặc ít cá bắt dưới suối nay đã được cải thiện.
Lúc đầu, để trẻ em đến trường, giáo viên phải đến từng nhà vận động, phụ huynh mới cho trẻ đến lớp. Đám trẻ không biết nói tiếng Kinh nên khi các em vào lớp 1, giáo viên rất vất vả khi phải dạy các em nói tiếng Kinh rồi mới học chữ. Giờ người dân đều nói được tiếng Kinh.
Ông La Văm Tám, trưởng bản Cò Phạt nói: “Trai gái Đan Lai đi ra, mang nhận thức từ xã hội về làm thay đổi bản mình. Chính lớp trẻ này đã phá vỡ hủ tục hôn nhân cận huyết do trước đây quanh năm sống co cụm trong rừng nên anh em lớn lên chỉ biết lấy nhau vì không biết lấy ai”.
Hiện 8 nam nữ thanh niên đi làm công nhân ở miền Nam thì 3 người lấy vợ người Kinh, 5 người lấy chồng thuộc các dân tộc khác ở các tỉnh Kiên Giang, Tây Ninh...
La Thị Sài - con gái bí thư bản La Văn Linh là cô gái Đan Lai đầu tiên được UBND xã Môn Sơn giới thiệu cho công ty đưa người đi xuất khẩu lao động sang Ả Rập Xê Út vào năm 2016. Thấy Sài xuất ngoại thành công, em trai của Sài cũng đi xuất khẩu lao động bên Malaysia. Sau chị em Sài, hiện có 6 thanh niên bản đang lao động ở nước ngoài.
Ngoài ngủ ngồi thì người Đan Lai trước đây còn tục đẻ ngồi. Ông La Văn Liễu (61 tuổi, hai vợ, 14 con) kể, ngày xưa mỗi cụm bản chỉ có hai - ba nhà, thú dữ lại nhiều. Con khái (hổ) có thể rình chộp cả nhà bất cứ lúc nào nên đêm đến, các hộ dân phải ngủ ngồi để nghe động là chạy ngay. Một số nhà làm chòi trên cành cây để tránh khái.
Đẻ ngồi cũng do sợ khái vồ sinh ra. Vả lại, do không có người đỡ đẻ nên họ tự ngồi đẻ trong nhà. Khi đau bụng chuyển dạ, hai tay sản phụ nắm chặt sợi dây buộc từ xà nhà thả xuống vừa tầm tay với trước mặt. Nhiều phụ nữ đã chết do đẻ khó và băng huyết.
Giờ tục ngủ ngồi không còn nữa do bản mường không còn hoang vu như trước, thú dữ cũng chả còn. Bản lại có Trạm quân dân y kết hợp của BĐBP, có giường đẻ hẳn hoi nên bà con có bệnh thì ra trạm khám, không còn ai ngồi đẻ ở nhà nữa.
Chị em có thai kỳ đều được cán bộ y tế tiêm phòng, tư vấn thăm khám cẩn thận. Đến ngày gần sinh, sản phụ được đưa xuống Trạm y tế xã để sinh đẻ mẹ tròn, con vuông. Nhiều nhà có điều kiện còn ra hẳn Trung tâm y tế huyện.
Thượng tá Đặng An Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết, người Đan Lai trước sống biệt lập nên có nhiều hủ tục, trong đó đặc biệt nhất là tục kết hôn cận huyết thống. BĐBP phải kiên trì vận động, giúp đỡ trong một thời gian dài hủ tục này mới dần được xóa bỏ.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/doi-thay-o-toc-nguoi-ngu-ngoi-565331.html