Đời voi, đời người: Giải thoát xiềng xích

Tại Vườn quốc gia (VQG) Yok Don, 7 cá thể voi nhà đã được tháo bành (khung gỗ buộc trên lưng voi chở khách, đồ đạc), gỡ bỏ xiềng xích để được tự do trong rừng tìm thức ăn và luôn có nài voi chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt… Trong khi đó, nhiều con voi khác vẫn đang phải cõng khách, chờ ngày được tự do…

Vào rừng thăm voi

Ngày cuối tuần đầu năm 2022, chúng tôi theo chân anh Y Siêm H’doh (hướng dẫn viên du lịch VQG Yok Don) xuyên rừng ngắm những cá thể voi đã được thả tự do về với thiên nhiên. Chuyến đi này nằm trong tua (tour) du lịch thân thiện với voi do VQG Yok Don triển khai từ tháng 7/2018 có sự tài trợ kinh phí và hướng dẫn thực hiện của Tổ chức Động vật châu Á (AAF).

Trước khi đi, anh Y Siêm phổ biến 4 nguyên tắc đề nghị mọi người tuân thủ: Trang phục gọn gàng, áo dài tay, giày phù hợp đi rừng; không được mang theo bất cứ loại thức ăn nào cho voi; không được đứng trước mặt voi, chỉ được đứng từ xa quan sát giữ khoảng cách tối thiểu 30m, đi nhẹ nói khẽ tránh gây tiếng động; một tua chỉ đi không quá 5 người, khi chụp ảnh quay phim không được sử dụng đèn chớp sáng khiến voi sợ hãi.

“Ngoài yếu tố nhân văn thì an toàn của du khách đặt lên hàng đầu. Khách muốn vào rừng xem voi phải tuân thủ nguyên tắc đã được phổ biến trong suốt quá trình tham gia”, anh Y Siêm nói.

Nắm vững những quy định trên, chúng tôi lên đường, băng qua chiếc cầu bắc ngang sông Sêrêpốk hiền hòa. Cửa rừng hiện ra, anh Y Siêm giới thiệu điểm đến là khu rừng bán thường xanh dọc suối Đắk Lau, thăm đôi bạn voi thân thiết có tên Bun Khăm (còn gọi “Cô gái vàng”) và Y Khun (62 tuổi, được ví “Quý bà ưa sạch sẽ”). Ngoài Bun Khăm, Y Khun, VQG Yok Don còn có 5 cá thể voi tham gia mô hình du lịch thân thiện.

Voi được đưa vào rừng, tham gia mô hình du lịch thân thiện

Voi được đưa vào rừng, tham gia mô hình du lịch thân thiện

Vào sâu hơn một chút, chúng tôi được dịp ngắm khung cảnh mùa thay lá tuyệt đẹp thuộc kiểu rừng Khộp ở Việt Nam. Gần 20 phút di chuyển bằng ô tô, chúng tôi xuống xe bắt đầu đi bộ, băng suối mới đến khu thả voi Y Khun, Bun Khăm. Từ xa, đôi bạn này thong dong huơ vòi ăn cây lá rừng.

Chốc chốc, voi Bun Khăm lại thúc vòi vào chọc Y Khun nhưng “quý bà” không phản ứng, dường như quá hiểu thói quen của bạn. Anh Y Siêm lý giải, voi Bun Khăm muốn rủ Y Khun tiến sâu vào bên trong nhưng “quý bà” ngại di chuyển vì đôi mắt voi đã mờ do bị nhái bén đái vào. Y Khun thường phải dùng chiếc vòi để dò đường đi.

Khu rừng đang yên ắng bỗng xáo động bởi cơn gió rừng. Đôi voi thân thiết bỏ dở cành cây vừa quật xuống, nguẩy đuôi đi sâu vào rừng. Anh Y Siêm tiết lộ, voi rất ghét những cơn gió mạnh vì làm chúng mất phương hướng. Chuyến thăm voi kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ.

Ngoài anh Y Siêm chia sẻ những thông tin thú vị về loài voi, chúng tôi còn được anh Y Mức Kđoh- nài voi Y Khun, và ông Y Mứt Mlô- nài voi Bun Khăm kể về đặc tính, sở thích của từng con voi cũng như những chiến tích lẫy lừng về nghề săn bắt, thuần dưỡng voi Tây Nguyên.

Còn nhiều voi chờ giải thoát

Ông Trần Đức Phương, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ (VQG Yok Don) cho biết, trước đây, những con voi trong vườn cũng chở khách du lịch. Sau khi chuyển sang mô hình du lịch thân thiện, voi được tháo xích, gỡ bành, tự do di chuyển trong rừng. Mỗi con voi thường có 1 nài voi chăm sóc, theo dõi quá trình tìm kiếm thức ăn trong rừng cũng như kịp thời ngăn chặn những mối đe dọa xâm hại đến voi.

“Từ kế hoạch đến khi thực hiện mất gần 1 năm. Trong thời gian chờ chuyển đổi, các đơn vị sử dụng voi, chủ voi, nài voi phải hạn chế, phân bổ hợp lý hoạt động của voi, không được khai thác voi quá sức, đảm bảo thời gian cho voi được nghỉ ngơi và được chăm sóc sức khỏe theo các quy định”. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi nói

Thời gian đầu, du khách chưa quen khi không được sờ, cưỡi voi…, song bằng nhiều hình thức tuyên truyền, dần dần họ thích thú với trải nghiệm vào rừng ngắm, xem các hoạt động của voi giữa thiên nhiên đại ngàn... Ông Phương hy vọng những cá thể voi đang bị xiềng xích, oằn mình phục vụ chở khách cũng sớm được trở về rừng.

Du khách phải giữ khoảng cách an toàn khi vào rừng thăm voi

Du khách phải giữ khoảng cách an toàn khi vào rừng thăm voi

Từ thành công của mô hình du lịch thân thiện với voi tại VQG Yok Don, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh hợp tác với AAF trong công tác bảo tồn voi nhà. Lần hợp tác gần nhất vào ngày 15/12/2021, tỉnh này tổ chức lễ ký kết hợp tác với AAF nhằm hướng tới chấm dứt sử dụng loại hình du lịch cưỡi voi, cũng như các hoạt động làm ảnh hưởng đến phúc lợi của voi trong các mùa du lịch, lễ hội, góp phần bảo tồn voi nhà tại Đắk Lắk.

Theo thỏa thuận hợp tác, Đắk Lắk sẽ hạn chế tối đa, hướng tới không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi voi, bao gồm: Du lịch cưỡi voi; các hội thi như voi bơi, voi đá bóng, voi chạy, voi kéo co, voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông, dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi.

Tổ chức Động vật châu Á sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Trung tâm Bảo tồn voi 231.000 USD để thực hiện công tác bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026. Trước đó, từ năm 2016 đến nay, AAF đã tài trợ 350.000 USD cho bảo tồn voi tại Đắk Lắk. Riêng dự án ký kết chuyển sang mô hình du lịch thân thiện, chấm dứt hoạt động cưỡi voi, dự kiến AAF sẽ tài trợ cho Đắk Lắk trên 2 triệu USD để thực hiện.

Chia sẻ với PV Tiền Phong liên quan tới việc chuyển đổi mô hình du lịch cho voi nhà Đắk Lắk, ông Tuấn Bendixsen - Trưởng Văn phòng dự án của AAF tại Việt Nam cho hay, AAF đã, đang và sẽ đồng hành, hỗ trợ Đắk Lắk về kỹ thuật, tài chính trong công tác bảo tồn, nâng cao phúc lợi voi nhà cũng như đời sống của chủ voi, nài voi. Ông mong muốn UBND tỉnh Đắk Lắk hành động quyết liệt hơn nữa, thực hiện theo đúng thỏa thuận đã ký kết để bảo vệ, chăm sóc những cá thể voi nhà, tạo điều kiện, cơ hội cho voi sinh sản.

Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi cho biết, biên bản thỏa thuận hợp tác là tiền đề quan trọng để tỉnh nhà đẩy mạnh chuyển đổi mô hình du lịch sử dụng voi. Trung tâm đã xây dựng xong phương án mô hình sản phẩm “Du lịch thân thiện với Voi” theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Đắk Lắk và đã gửi phương án chi tiết sang AAF xem xét, cho ý kiến hoàn thiện.

(Còn nữa)

HUỲNH THỦY

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doi-voi-doi-nguoi-giai-thoat-xieng-xich-post1431535.tpo