Đòn bẩy để kinh tế Quảng Trị cất cánh
Các dự án hạ tầng trọng điểm như Cảng hàng không Quảng Trị, cảng biển Mỹ Thủy cùng hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 9 mở rộng... sẽ tạo đòn bẩy giúp kinh tế Quảng Trị cất cánh trong thời gian tới.
Hạ tầng hoàn thiện giúp Quảng Trị tăng cường thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Đoạn Quốc lộ 1 qua TP. Đông Hà nối với tuyến đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây (Quốc lộ 9) ảnh: trung tâm xúc tiến đầu tư quảng trị
Cảng hàng không Quảng Trị: Động lực thu hút đầu tư
Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch phát triển giao thông - vận tải (GTVT) hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị với chức năng là cảng hàng không nội địa, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, quy mô sân bay dân dụng cấp 4C và quân sự cấp II, công suất 1 triệu hành khách/năm. Địa điểm triển khai xây dựng tại xã Gio Quang và xã Gio Mai (huyện Gio Linh).
Những năm qua, lượng khách du lịch đến Quảng Trị tăng đều qua các năm, riêng năm 2019 (trước khi Covid-19 bùng phát) đạt hơn 2 triệu lượt. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều nhà đầu tư và chuyên gia đến Quảng Trị tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư. Dự án Cảng hàng không Quảng Trị hình thành sẽ góp phần quan trọng vào việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mặt khác, việc đầu tư Cảng hàng không Quảng Trị còn góp phần quan trọng đảm bảo quốc phòng - an ninh trong công tác tuần tra, kiểm soát các vùng biên giới, các đảo, quần đảo ở khu vực miền Trung và vịnh Bắc bộ; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên Biển Đông.
Công trình có tính khả thi cao, cần được đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp có thẩm quyền quyết định cấp chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Quảng Trị theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các cơ quan liên quan lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư cắm mốc quy hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch… để nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Dự án Cảng hàng không Quảng Trị dự kiến có tổng vốn đầu tư 5.822,9 tỷ đồng (giai đoạn I đầu tư 2.913,6 tỷ đồng; giai đoạn II đầu tư 2.909,3 tỷ đồng), đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi
Tháng 7/2022, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, nhà đầu tư Dự án Cảng hàng không Quảng Trị cho biết, đơn vị đang tập trung triển khai, nghiên cứu và hoàn thiện các thủ tục đầu tư Dự án.
Cảng hàng không Quảng Trị được xây dựng là động lực rất lớn thu hút nhà đầu tư, khách du lịch về với vùng “đất lửa”, kéo theo hàng loạt dự án, thúc đẩy các khu kinh tế Đông Nam, Lao Bảo cất cánh, đưa kinh tế Quảng Trị phát triển mạnh mẽ.
Cảng Mỹ Thủy: Thúc đẩy giao thương, tạo sức bật mới
Nằm ở khu vực ven biển huyện Hải Lăng (Quảng Trị), cảng Mỹ Thủy được định hướng trở thành một cảng biển lớn tại khu vực miền Trung, góp phần khai thác những lợi thế chiến lược về lĩnh vực logistics từ tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây; tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Ngày 4/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định, cảng Mỹ Thủy là dự án động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mục tiêu đầu tư của Dự án là hình thành và phát triển một cảng nước sâu chuyên dùng có quy mô tiếp nhận các tàu có tải trọng đến 100.000 DWT và có thể nâng cao công suất khi có nhu cầu phục vụ chủ yếu cho các cơ sở công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy giao lưu hàng hóa với các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng; tăng cường và mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ sang các nước như Lào, Thái Lan, Myanmar… trong tiến trình hội nhập.
Cảng Mỹ Thủy cũng là “cú hích” quan trọng để phát triển hoạt động vận tải, quá cảnh hàng hóa, dịch vụ cảng, tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo ra nhiều việc làm có mức thu nhập khá. Theo tính toán của cơ quan chức năng, đến năm 2026, cảng Mỹ Thủy sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 2.200 lao động trên địa bàn Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; đến năm 2035 tăng lên 6.500 lao động khi đầu tư hoàn thành toàn bộ Dự án…
Dự án được xây dựng trên diện tích 685 ha, tổng quy mô gồm 10 bến phát triển, có công năng và cỡ tàu khai thác là 100.000 DWT. Dự án được triển khai theo 3 giai đoạn: giai đoạn I (2018 - 2025) đầu tư 4 bến; giai đoạn II (2026 - 2031) đầu tư 3 bến; giai đoạn III (2032 - 2036) đầu tư 3 bến. Tổng mức đầu tư của Dự án là 14.234 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 2.143 tỷ đồng, vốn huy động và vốn khác là 12.091 tỷ đồng.
Sau khi Dự án Xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy được phê duyệt chủ trương đầu tư, ngày 15/1/2019, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ công bố, trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho nhà đầu tư. Ngày 27/2/2020, Dự án đã chính thức được khởi công với rất nhiều kỳ vọng.
Các tuyến đường cao tốc: Tạo tiền đề phát triển
Ông Lê Văn Sáu, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đại điện chủ đầu Dự án Đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông) cho biết, Dự án Cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ hoàn thành cuối năm 2022, dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2023, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân Quảng Trị.
Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ giúp rút ngắn thời gian, kinh phí cho các công ty vận tải, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa; rút ngắn thời gian di chuyển tới sân bay Phú Bài. Nhà đầu tư, doanh nhân và khách du lịch đến Quảng Trị sẽ có hành trình thuận lợi hơn. Lượng hàng hóa tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của Quảng Trị sẽ được vận chuyển nhanh chóng, thuận tiện vào các cảng biển lớn ở Đà Nẵng; rút ngắn thời gian di chuyển trên tuyến đường từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đi các cảng ở duyên hải miền Trung như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Chu Lai, Chân Mây…
Là một trong những dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Cao tốc Cam Lộ - La Sơn có chiều dài tuyến 98,3 km (37,3 km thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị; 61 km thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế). Dự án được khởi công ngày 16/9/2019, gồm 11 gói thầu xây lắp.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, khi tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn hoàn thành, sẽ kết nối với đoạn tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, gắn kết với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hình thành hệ thống cao tốc dài hàng trăm ki-lô-mét ở khu vực miền Trung. Qua đó, tạo tiền đề phát triển liên kết vùng trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đánh thức tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế của các tỉnh, thành phố mà tuyến cao tốc đi qua.
Bên cạnh cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Quảng Trị còn tiếp tục giải phóng mặt bằng để xây dựng Dự án Cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ có tổng chiều dài khoảng 65,7 km với điểm đầu tại Km675+400 (thuộc địa phận xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), điểm cuối tại Km740+808 (thuộc địa phận huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).
Vị trí xây dựng cao tốc này trên nền đường tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông; mặt đường được thiết kế có chiều rộng 24,75 m, giai đoạn I, mặt đường có chiều rộng 17 m, mỗi bên 2 làn xe; tốc độ thiết kế 100 km/giờ. Dự án được Chính phủ phê duyệt đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng kinh phí đầu tư 9.563 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Tuyến cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đi qua địa bàn 5 xã thuộc huyện Vĩnh Linh, 4 xã thuộc huyện Gio Linh và 3 xã thuộc huyện Cam Lộ là động lực liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế đối với tỉnh Quảng Trị.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ, địa phương rất tập trung cho công tác xây dựng hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay. Quảng Trị xác định, hoàn thiện hạ tầng giao thông là hướng đi quan trọng, tạo động lực, nền móng thúc đẩy, tạo cú hích lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã đốc thúc, hỗ trợ, chỉ đạo các sở, ban, ngành tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm hoàn thiện các dự án giao thông trọng điểm. Cùng với đó, Quảng Trị tiếp tục đầu tư một số hạng mục công trình giao thông quan trọng kết nối Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với Hành lang kinh tế Đông - Tây, Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo, tam giác du lịch biển Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ. Nhiều công trình giao thông quan trọng được cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới, như cầu sông Hiếu, cầu thứ 2 qua sông Thạch Hãn, cầu nối Mò Ó - Triệu Nguyên, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn (đoạn qua địa bàn tỉnh), đường tránh TP. Đông Hà về phía Đông, đường Sa Trầm - Palin, trục đường trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị… Hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để Quảng Trị đẩy mạnh liên kết, tạo bước đột phá.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/don-bay-de-kinh-te-quang-tri-cat-canh-d170253.html