Đòn bẩy thu hút nhân tài vào công sở ở Thủ đô

Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 với nhiều chính sách vượt trội về thu hút người tài, tăng thu nhập cho công chức, viên chức.

Công chức, viên chức Thủ đô được tăng thêm thu nhập

Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024, gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, và của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trừ 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025) thay thế Luật Thủ đô số 25/2012/QH13.

Theo đó, Luật Thủ đô 2024 đã thể chế hóa đầy đủ cơ chế mang tính đặc thù để Thủ đô bứt phá, thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã xác định để đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước…

Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Thủ đô 2024 là quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức tại Điều 15. Theo đó, cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn là cán bộ, công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính được giao hàng năm cho cấp huyện, được bầu cử, tuyển dụng, quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND cấp huyện được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố, thuộc UBND cấp huyện.

Nhiều chính sách thu hút nhân tài được quy định trong Luật Thủ đô có hiệu lực từ 1/1/2025. Ảnh minh họa: Phương Nguyên

Nhiều chính sách thu hút nhân tài được quy định trong Luật Thủ đô có hiệu lực từ 1/1/2025. Ảnh minh họa: Phương Nguyên

Để cụ thể hóa, đưa Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sống, hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định số 169/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động của UBND phường của thành phố Hà Nội; HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua 17 Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội về triển khai thi hành luật này với những quy định thuộc thẩm quyền.

Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.

“Những chính sách này được thực hiện tốt, hiệu quả sẽ là đòn bẩy, là động lực và là nền tảng để thực hiện các chính sách về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô”, TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội nhấn mạnh.

Điểm nổi bật, căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 35 Luật Thủ đô 2024 quy định về sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô.

Theo đó, HĐND thành phố Hà Nội được thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do Trung ương ban hành để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này; tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội.

Như vậy, HĐND Thành phố Hà Nội thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của thành phố.

Đòn bẩy thu hút nhân tài

Điểm nhấn trong Luật Thủ đô 2024 là việc thu hút, trọng dụng người có tài năng vào làm việc. Theo đó, công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức…

Đây được coi là “chất xúc tác” cực kỳ quan trọng để nhân tài bớt “thờ ơ” với công việc trong các cơ quan nhà nước với câu chuyện liên quan đến chính sách đãi ngộ. Ít nhất, chính sách này tại Luật Thủ đô 2024 đã có tính cạnh tranh thu hút nhân tài với các đơn vị ngoài nhà nước.

TS Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Việt An

TS Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Việt An

TS Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, chế độ công vụ, công chức, thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những điểm nhấn chính sách quan trọng bậc nhất trong Luật Thủ đô 2024.

“Những chính sách này được thực hiện tốt, hiệu quả thì sẽ là đòn bẩy, là động lực và là nền tảng để thực hiện các chính sách về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô”, TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Còn ThS. Bùi Hồng Ngọc - Khoa Khoa học xã hội và nhân văn (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) nhận định, so với các phiên bản trước, Luật Thủ đô 2024 đã nâng cao mức lương cơ bản cho nhân tài, đặc biệt là các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ cao. Theo Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ cung cấp các gói lương thưởng cạnh tranh với thị trường quốc tế để thu hút các cá nhân tài năng từ khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, ThS. Bùi Hồng Ngọc cũng băn khoăn làm sao để giữ chân được nguồn nhân tài một cách lâu dài, không bị “chảy máu chất xám” trong các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và tại Hà Nội nói riêng.

“Chúng ta cần xây dựng một quỹ phát triển nhân tài, tạo cơ chế thông thoáng, vượt trội để nhân tài cống hiến cho Thủ đô và đất nước tốt hơn. Đơn cử như chính sách thu hút trọng dụng nhân tài cần có tính đặc thù, thiết thực, áp dụng được ngay, để thu hút, giữ chân người tài sáng tạo, cống hiến cho đất nước”, ThS. Bùi Hồng Ngọc - Khoa Khoa học xã hội và nhân văn (trường Đại học Thủ đô Hà Nội) nêu quan điểm.

Điểm nhấn trong Luật Thủ đô 2024 là việc thu hút, trọng dụng người có tài năng vào làm việc. Theo đó, công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức…

Hải Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/don-bay-thu-hut-nhan-tai-vao-cong-so-o-thu-do-367673.html