Đòn bẩy từ Nghị quyết 68 cho doanh nghiệp về vấn đề kinh tế môi trường, phát triển bền vững

'Cái thời phát triển kinh tế bất chấp gây nguy hại môi trường đã dần lùi xa, nếu doanh nghiệp nào còn giữ lề lối làm ăn như vậy chắc chắn sẽ dần bị đào thải' – ông Vũ Vinh Phú – chuyên gia Kinh tế Tài chính nhấn mạnh.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự gia tăng nhận thức về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững đang trở thành một mục tiêu quan trọng đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Doanh nghiệp tư nhân, với vai trò là thành phần quan trọng trong nền kinh tế, đang đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy phát triển bền vững.

 Kinh tế xanh đang là mục tiêu quan trọng đối với ngành công nghiệp năng lượng.

Kinh tế xanh đang là mục tiêu quan trọng đối với ngành công nghiệp năng lượng.

Trước đó, Nghị định 68/2022/NĐ-CP do Chính phủ ban hành đã đặt ra những định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia vào quá trình phát triển này. Theo đó, Nghị định 68 quy định rõ về các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân trong việc áp dụng các giải pháp phát triển kinh tế bền vững. Nghị định này nhấn mạnh đến một số nội dung chính như khuyến khích ứng dụng công nghệ xanh, doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích đầu tư vào công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.

Tăng cường quản lý tài nguyên và chất thải, theo đó các doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong việc quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và thực hiện các biện pháp giảm thiểu, tái chế chất thải. Tiếp theo là chính sách hỗ trợ tài chính, Nhà nước sẽ có các chương trình hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế cho những doanh nghiệp cam kết phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đồng thời Nghị định 68 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và cộng đồng về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Có thể nói Nghị định 68 là bước chuyển của doanh nghiệp trọng định hướng tư duy, nhận thức và hành động, tuy nhiên vẫn thiếu một đòn bẩy mạnh để thúc đẩy thực chất. Và mới đây, Nghị quyết 68-NQ/TW về kinh tế tư nhân do Bộ Chính trị ban hành ngày 04/5/2025, đã hoàn toàn tháo gỡ vấn đề này, tạo nên cú huých lớn đối với doanh nghiệp tư nhân, trong đó có doanh nghiệp muốn "mặn mà" với lĩnh vực môi trường.

Trước đây, các doanh nghiệp tư nhân muốn làm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhưng họ không được hỗ trợ bằng các chính sách mấu chốt, giờ họ được "cởi trói", nhất là tư tưởng "nếu đầu tư kinh tế xanh mà lợi nhuận doanh nghiệp giảm, thậm chí thua lỗ, phá sản" thì việc đầu tư đó không thể triển khai, thực tế, có những doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt vi phạm hành chính về môi trường thay vì đầu tư pháp lý môi trường quá lớn.

Theo Nghị quyết 68, nêu rõ, Nhà nước sẽ có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG); đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh.

 Hệ thống xử lý nước thải được thiết kế theo mô hình Vườn Nhật tại KCN Nam Cầu Kiền (TP Hải Phòng) do Công ty CP Shinec đầu tư.

Hệ thống xử lý nước thải được thiết kế theo mô hình Vườn Nhật tại KCN Nam Cầu Kiền (TP Hải Phòng) do Công ty CP Shinec đầu tư.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp làm bất động sản công nghiệp muốn xây dựng kinh tế tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái, cộng sinh công nghiệp thì bài toán ban đầu họ trăn trở nhất đó mặt bằng, là câu chuyện giá thuê đất. Nay, Nghị quyết 68 đã tháo gỡ vấn đề này. Một trong sáu nội dung quan trọng tại Nghị quyết 68 đã đưa ra về giảm tiền thuê đất trong khu công nghiệp cho doanh nghiệp.

Nghị quyết 68 cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, trên cơ sở yêu cầu, các chủ đầu tư dành một phần quỹ đất đã đầu tư cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê.

Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, xác định quỹ đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng dành cho các doanh nghiệp nêu trên.

Nhà nước có chính sách giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất cho các đối tượng này trong vòng 05 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất. Khoản tiền thuê đất được giảm được hoàn trả cho chủ đầu tư thông qua việc khấu trừ tiền thuê đất mà chủ đầu tư phải nộp theo quy định của pháp luật.

Có chính sách hỗ trợ về hạ tầng mặt bằng sạch, điện, nước, giao thông, thông tin liên lạc, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Định hướng để phát triển kinh tế bền vững gắn liền với vấn đề môi trường đã được đưa ra rất rõ, vậy về phía doanh nghiệp tư nhân, vai trò của họ đến đâu xung quanh câu chuyện này? Chuyên gia kinh tế - tài chính Vũ Vinh Phú cho rằng sẽ cần có một lộ trình rõ ràng để đích đến phát triển bền vững được đảm bảo.

 Chuyên gia kinh tế - tài chính Vũ Vinh Phú

Chuyên gia kinh tế - tài chính Vũ Vinh Phú

Vị chuyên gia kinh tế cho hay, trong thời đại mới vai trò của doanh nghiệp tư nhân là vô cùng quan trọng, nó không chỉ góp phần phát triển bền vững kinh tế đất nước mà còn là câu chuyện sống còn của mỗi doanh nghiệp. “Cái thời phát triển kinh tế bất chấp gây nguy hại môi trường đã dần lùi xa, nếu doanh nghiệp nào còn giữ lề lối làm ăn như vậy chắc chắn sẽ dần bị đào thải” – ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Ông Phú cho rằng, để phát triển bền vững cần đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp tư nhân thường có khả năng linh hoạt cao hơn so với các doanh nghiệp nhà nước. Việc này giúp họ dễ dàng áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững. Qua đó, các doanh nghiệp có thể cải thiện quy trình sản xuất, nâng cao hiệu suất và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Điều thứ hai là đầu tư xanh và trách nhiệm xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu nhận thức rõ về trách nhiệm xã hội và cam kết đầu tư vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Họ không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn chú trọng đến lợi ích của cộng đồng và môi trường xung quanh.

Ông Phú cho rằng doanh nghiệp tư nhân cũng có thể trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng thông qua việc tạo ra việc làm, hỗ trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng địa phương và tham gia các hoạt động cộng đồng.

Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng ông Phú cũng chỉ ra doanh nghiệp tư nhân vẫn đối mặt với không ít thách thức trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững. Như thiếu thông tin và kiến thức, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm bắt kịp thời các quy định và yêu cầu về bảo vệ môi trường. Chi phí đầu tư cao, việc áp dụng công nghệ xanh và các giải pháp bảo vệ môi trường thường đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu lớn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ. Thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về nhân lực và tài chính để thực hiện các biện pháp phát triển bền vững cũng hạn chế.

Doanh nghiệp tư nhân đóng một vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường. Nghị định 68 trước đó là một bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ và định hướng cho các doanh nghiệp này. Và Nghị quyết 68 mới đây là bệ đỡ, tạo đà bứt phá cho doanh nghiệp tư nhân trong thế "kiềng 3 chân" cùng với doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp FDI. Để thành công, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng. Chỉ khi tất cả các bên cùng nhau nỗ lực, Việt Nam mới có thể đảm bảo một tương lai phát triển bền vững cho các thế hệ mai sau.

Nhóm PV

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/don-bay-tu-nghi-quyet-68-cho-doanh-nghiep-ve-van-de-kinh-te-moi-truong-phat-trien-ben-vung-99123.html