Đón bình minh, ngắm mây giăng trên cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú nằm tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Với độ cao khoảng 1.470m, nơi đây thỉnh thoảng xuất hiện những 'biển mây' bồng bềnh, mang đến cho du khách trải nghiệm khác lạ.
Cột cờ Lũng Cú không chỉ mang giá trị lịch sử, mà còn là điểm đến thu hút những ai yêu thích khám phá. Từ đỉnh cột cờ, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh cao nguyên đá Đồng Văn, với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn cùng các bản làng nhỏ nép mình giữa núi đồi.
Cảnh sắc nơi đây thay đổi theo từng mùa. Tháng 9 và tháng 10, các thửa ruộng bậc thang rực vàng mùa lúa chín. Tháng 10 và tháng 11, hoa tam giác mạch nở rộ, tạo nên khung cảnh nên thơ. Thỉnh thoảng, khu vực cột cờ Lũng Cú xuất hiện những “biển mây” bồng bềnh, thu hút nhiều du khách tìm đến để ngắm cảnh, đón bình minh.
Anh Minh Hảo, du khách đang thực hiện hành trình đạp xe xuyên Việt, chia sẻ “Trải nghiệm ngắm bình minh và săn mây tại cột cờ Lũng Cú mang lại cảm giác khó tả. Khoảnh khắc mặt trời dần nhô lên qua làn mây, trong không gian trong lành, khiến tôi cảm nhận được sự hùng vĩ và độc đáo của thiên nhiên nơi đây".
Theo TTXVN, cột cờ Lũng Cú được xây dựng theo mô hình cột cờ Hà Nội, với tổng chiều cao 34,85m. Cột cờ cách điểm cực Bắc Việt Nam khoảng 3,3km đường chim bay, cách thị trấn Đồng Văn 24km. Lá cờ có diện tích 54m², tượng trưng cho 54 dân tộc anh em chung sống hòa thuận trên lãnh thổ Việt Nam.
Phần thân cột được thiết kế hình bát giác, gắn tám hình trống đồng và tám bức phù điêu bằng đá xanh minh họa các giai đoạn lịch sử của đất nước, cũng như phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc tại Hà Giang.
Để lên được đỉnh cột cờ, du khách phải vượt qua 839 bậc thang, chia làm ba chặng. Chặng đầu gồm 425 bậc đá, dẫn từ chân núi đến nhà chờ. Chặng thứ hai có 279 bậc đá, từ nhà chờ đến chân cột cờ.
Chặng cuối cùng là 135 bậc thép bên trong lòng cột. Trên đỉnh là cột bằng inox cao khoảng 8m, treo lá cờ tổ quốc dài 9m và rộng 6m.
Phía dưới chân cột cờ là nhà lưu niệm, nơi trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục và sản phẩm văn hóa của các dân tộc tại Hà Giang.