Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng: Khát khao nâng tầm múa rối

Trong sự nghiệp bảo tồn, phát triển và vươn tầm nghệ thuật múa rối, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Tiến Dũng đã trải qua hành trình 26 năm với rất nhiều kỷ niệm.

NSND Nguyễn Tiến Dũng. (Ảnh: Việt Cường)

NSND Nguyễn Tiến Dũng. (Ảnh: Việt Cường)

NSND Nguyễn Tiến Dũng là cái tên không xa lạ với những người có niềm yêu thích với nghệ thuật múa rối Việt Nam. Hiện nay, bên cạnh vai trò là Giám đốc của Nhà hát Múa rối Việt Nam, anh còn là nghệ sĩ múa rối tài ba, người thầy của nhiều diễn viên, nghệ sĩ trong ngành rối.

Kế thừa di sản gia đình

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, Nguyễn Tiến Dũng sớm tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là múa rối nước.

Lớn lên tại Khu tập thể Nhà hát, ký ức tuổi thơ của anh gắn liền với hình ảnh những con rối, các vở diễn dân gian, hòa cùng tiếng cười rộn ràng cùng đám bạn đồng trang lứa. Đó chính là hành trang đầu đời giúp anh hiểu và yêu thích nghệ thuật rối. Từ trải nghiệm thực tế, các động tác và kỹ năng điều khiển rối dần dần ngấm vào máu thịt.

Thế nhưng, sự nghiệp của NSND Nguyễn Tiến Dũng lại không bắt đầu bằng nghề múa rối. Anh đầu quân cho Nhà hát kịch quân đội với vai trò là nghệ sĩ kịch nói và đạt những thành tựu nhất định.

Cơ duyên đưa đẩy, chàng trai trẻ vẫn quay về với rối và trở thành diễn viên Nhà hát Múa rối Việt Nam năm 1998. Bằng sự yêu thích, cần cù với nghề rối, anh nhanh chóng chinh phục được loại hình nghệ thuật này.

Bên cạnh việc tự trau dồi và rèn luyện bản thân, yếu tố “con nhà nòi” là lợi thế giúp anh dễ dàng nắm bắt những kiến thức và kỹ năng về múa rối nước. Anh nhanh chóng tiếp cận và thành thạo các thể loại múa rối và có những phương pháp biểu diễn rất riêng.

Đến năm 2007, anh theo học chuyên ngành đạo diễn, từ một diễn viên múa rối, anh dần khẳng định mình trong vai trò đạo diễn, đưa sự sáng tạo độc đáo và sức sống mới vào bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Gìn giữ tinh hoa dân tộc

Trên hành trình bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống này, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã góp công sức đưa múa rối phủ sóng hầu hết dải đất hình chữ S, từ các thành phố lớn đến những nơi vùng sâu vùng xa.

Đặc biệt, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã gìn giữ và phát huy 16 trò rối cổ tiêu biểu của các làng nghề truyền thống. Đồng thời, các nghệ sĩ còn sáng tạo, cải tiến những trò diễn này với kỹ thuật cao hơn, phù hợp thị hiếu của khán giả hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Nhờ vậy, nghệ thuật múa rối nước ngày càng phát triển bền vững, trở thành niềm tự hào của văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh những thuận lợi, Nhà hát đối mặt với rất nhiều thách thức từ kinh phí hoạt động, điều kiện biểu diễn... đến xu thế lớp trẻ hiện nay ít quan tâm đến nghệ thuật truyền thống.

Nhớ lại giai đoạn khó khăn dịch Covid-19, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Trong hai năm, Nhà hát phải đóng băng toàn bộ mọi hoạt động biểu diễn, luyện tập và gần như sự tồn tại, con đường phát triển như bị chững lại. Câu hỏi đặt ra với các đồng nghiệp và giám đốc như tôi là không biết sau này sẽ thế nào, sẽ hồi lại thế nào? Tuy nhiên, vượt qua giai đoạn đó rồi, các nghệ sĩ Nhà hát lại vẫn tiếp tục ra sản phẩm mới, trau dồi kỹ năng và không ngừng nỗ lực, tiếp tục sáng tạo để giữ gìn nghệ thuật dân tộc”.

Có thể thấy, 26 năm chặng hành trình đồng hành cùng nghệ thuật múa rối của NSND Nguyễn Tiến Dũng tựa như một vở diễn với đầy đủ cung bậc “hỉ, nộ, ái, ố”. Trên con đường ấy, anh đã trải qua vô vàn thách thức, song với tình yêu và hoài bão đặt trọn vào từng con rối, anh vẫn vững lòng trong hành trình bảo tồn nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Một số chuyến lưu diễn nước ngoài của NSND Nguyễn Tiến Dũng cùng Nhà hát Múa rối Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Một số chuyến lưu diễn nước ngoài của NSND Nguyễn Tiến Dũng cùng Nhà hát Múa rối Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Hoài bão đưa múa rối vươn tầm quốc tế

Múa rối nước vẫn luôn là độc nhất vô nhị bởi lẽ nó xuất phát từ đời sống lao động hàng ngày và đã được nâng tầm lên trở thành loại hình sân khấu biểu diễn nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Đó cũng là niềm tự hào đối với các nghệ sĩ khi đem chuông đi đánh nước người, đưa bản sắc dân tộc ra quốc tế.

NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Khi sang các nước, từ không khí, đến cách mọi người đón nhận, bày tỏ sự hâm mộ sau mỗi buổi biểu diễn… thật sự rất tuyệt vời”.

Anh cho biết Nhà hát Múa rối nước Việt Nam đã đặt chân đến hơn 70 đất nước và vùng lãnh thổ, tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn ở nước ngoài và thu hút hàng nghìn khán giả mỗi đêm diễn.

Mặt khác, du khách nước ngoài mỗi khi đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đều tìm cách để tận mắt chiêm ngưỡng, thưởng thức nét nghệ thuật biểu diễn đậm chất hồn Việt ấy.

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ khi lưu diễn ở nước ngoài, NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Đáng nhớ nhất có hai lần ở Croatia và Pháp. Khi dở đồ biểu diễn ra để dựng thì chúng tôi phát hiện bị thất lạc bể nước. Múa rối nước mà không có bể nước thì diễn thế nào?

Ngay trong đêm, toàn thể Ban tổ chức đã phải họp bàn và tìm ra phương án để bắt buộc tìm ra bể nước, và ngay trong đêm đó, các anh em đã dùng kiếm sắt, kiếm gỗ… hay bất kể vật dụng gì sử dụng được để kết lại. Đến hôm sau, chúng tôi tạo được một bể nước đúng tiêu chuẩn để cho nghệ sĩ biểu diễn, không ảnh hưởng đến tiến độ của chương trình nghệ thuật”.

Những năm trở lại đây, múa rối nước rơi vào giai đoạn bão hòa. NSND Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: “Một món ăn dù ngon đến mấy mà mình ăn nhiều lần, ăn mãi thì cũng chán… Vậy nên cần phải nấu lại món ăn này theo một phương thức mới cho phù hợp hơn với thị hiếu công chúng quốc tế”.

Theo anh, để tạo được diện mạo hoàn mỹ hơn cho nghệ thuật múa rối nước Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, yêu cầu đặt ra với những người làm nghề là cần phải thổi làn gió đương đại vào nghệ thuật múa rối; phải biến ảo hơn về kỹ thuật điều khiển, biểu diễn; phải công phu hơn về khai thác tạo hình, giải phẫu bộ máy con rối và phải tinh tế, nhạy cảm hơn trong cách truyền tải âm nhạc dân tộc.

Quá trình ấy chắc chắn còn là hành trình dài phía trước với những nghệ sĩ múa rối nước như NSND Nguyễn Tiến Dũng. Họ cần lắm những bạn trẻ có đam mê, hoài bão với nghệ thuật truyền thống nói chung và múa rối nói riêng, để trở thành những lực lượng kế cận, tiếp tục đưa múa rối Việt Nam vươn xa hơn ra quốc tế.

VIỆT CƯỜNG – NGỌC MAI – THẢO TRANG

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nghe-si-nhan-dan-nguyen-tien-dung-khat-khao-nang-tam-mua-roi-294690.html