'Đón đầu' nhu cầu mới của độc giả để phát triển kinh tế báo chí bền vững

Trong mô hình phát triển kinh tế báo chí bền vững, tối ưu tương tác của độc giả sẽ giúp các cơ quan báo chí có thể đa dạng hóa doanh thu.

Nhiều năm tham gia nghiên cứu mức độ sẵn sàng phát triển bền vững trên môi trường số cũng như mức độ tồn tại trên không gian số của các cơ quan báo chí, bà Nguyễn Thùy Dương, chuyên gia Chương trình Google News Initiative (GNI) - Tập đoàn Google nhận thấy, trọng tâm hướng tới của các cơ quan báo chí nên là độc giả, đối tượng quan trọng nhất mà mình cần phục vụ.

“Rất nhiều hành vi của độc giả đang thay đổi, cần theo dõi chặt chẽ để thích ứng được với nhóm độc giả của mình, việc hiểu độc giả sẽ đem lại không ít cơ hội mới cho các tòa soạn”, bà Dương khuyến nghị.

Chẳng hạn, độc giả đang tìm kiếm và tiêu thụ thông tin qua nhiều kênh khác nhau, và theo Nghiên cứu Next Trend News của Google, nhóm độc giả trẻ rất quan tâm giá trị thương hiệu của cơ quan báo chí.

Sự thay đổi liên tục về công nghệ cũng như xu hướng mới nổi lên từ nhóm độc giả trẻ tuổi sẽ dẫn đến khó khăn cho cơ quan báo chí lâu đời trong việc xây dựng giá trị khác biệt. Song nếu tập trung đầu tư vào độc giả, định vị được sản phẩm, phục vụ cộng đồng tốt hơn đối thủ, các cơ quan báo chí lâu đời vẫn có thể nhận được sự ủng hộ của độc giả với lượng tương tác lớn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một xu hướng rất đáng tiếc - độc giả né tránh tin tức. Khảo sát mới đây cho thấy, khoảng 30 – 40% độc giả trên thế giới có xu hướng né tránh tin tức. Nếu nghiên cứu sâu, tìm ra những loại tin tức có thể khiến nhóm độc giả này quay lại thưởng thức tin tức, các cơ quan báo chí sẽ có thêm cơ hội xây dựng, định vị giá trị của mình.

Không ít độc giả có nhu cầu cần hỗ trợ phân biệt tin thật - tin giả trên môi trường số. Kết quả nghiên cứu mới đây cho hay, hơn 50% độc giả trên thế giới đang rất quan ngại chuyện tin thật – tin giả, đặc biệt là với những loại tin tức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tình hình tài chính của họ.

Nhiều độc giả đang có nhu cầu tìm đến những nội dung báo chí tích cực, cung cấp được giải pháp cho họ, có thể giúp họ hiểu các vấn đề phức tạp. Một số cơ quan báo chí Việt Nam năm ngoái đã thử nghiệm mô hình phân tích nhu cầu độc giả xem mình đáp ứng yêu cầu độc giả đến mức độ nào.

Ngoài ra, đang có sự chênh lệch cung cầu giữa các loại nội dung mà độc giả quan tâm. Loại nội dung liên quan đến giải trí, thể thao có lượng tương tác rất tốt, khối lượng sản xuất khá lớn.

Tuy nhiên, loại nội dung chuyên sâu về địa phương, hoặc loại nội dung có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của độc giả thì chưa đủ đáp ứng nhu cầu của độc giả.

Đặc biệt với nhóm độc giả trẻ, sự chênh lệch về cung cầu không chỉ về loại nội dung tin tức mà cả về cách nội dung tin tức được đưa đến cho độc giả. Đây cũng là cơ hội cho các cơ quan báo chí cân nhắc thử nghiệm mô hình mới để tối ưu tương tác với độc giả.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một điểm nữa cũng rất quan trọng là nhu cầu độc giả kết nối trực tiếp với các cơ quan báo chí. Phần lớn độc giả đang tiếp cận nội dung tin tức qua các đơn vị trung gian, ví dụ như qua mạng xã hội, hay app tổng hợp tin tức từ nhiều nguồn, nên khó có thể kết nối trực tiếp với tòa soạn báo.

“Xây dựng quan hệ trực tiếp với độc giả là yêu cầu rất quan trọng trước khi cơ quan báo chí có thể đa dạng hóa được doanh thu.

Cơ quan báo chí sẽ có biên lợi nhuận cao hơn nếu như có tỷ lệ đăng nhập cao, tức là độc giả có sự liên hệ trực tiếp với cơ quan báo chí đó. Độc giả càng tương tác nhiều hơn với trang báo thì xu hướng giữ chân sau đó chuyển đổi họ thành độc giả trả tiền có thể cao hơn.

Chúng tôi đã xây dựng một số công cụ giúp các cơ quan báo chí tối ưu tương tác từ độc giả. Các cơ quan báo chí tại Việt Nam cũng đã áp dụng rồi, và đây sẽ là bước đầu tiên để có thể hiểu hơn tập dữ liệu độc giả và biết cách tối ưu tương tác từ độc giả”, bà Dương phân tích.

Cũng theo đại diện của Google, nền tảng vận hành giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững trong tương lai lâu dài của các cơ quan báo chí. Nền tảng vận hành bao gồm từ hạ tầng công nghệ đến quy trình nội bộ...

Các cơ quan báo chí muốn thử nghiệm mô hình doanh thu từ độc giả nhưng khó khăn về nền tảng công nghệ khi chi phí đầu tư công nghệ khá cao, thì có thể tìm đến nền tảng hỗ trợ của Google. Không chỉ giúp tối ưu hóa tường phí, nền tảng này còn giúp tăng tương tác cho tòa soạn, sẵn sàng giúp các cơ quan báo chí thử nghiệm các mô hình sáng tạo mới.

“Sản phẩm báo chí chất lượng và vận hành một cách kỷ luật là 2 yếu tố quan trọng nhất để có thể bắt đầu đổi mới sáng tạo trong tòa soạn.

Cơ quan báo chí có sự chặt chẽ về mặt quản lý và vận hành hệ thống một cách hiệu quả thì biên lợi nhuận cao hơn khoảng 10% so với cơ quan báo chí không quản lý quy trình một cách chặt chẽ và đầy đủ. Một cơ quan báo chí có thể động viên được tất cả các thành viên cùng phát triển theo định hướng chiến lược và các mục tiêu chung thì các chỉ số liên quan đến phát triển kinh tế bền vững như tài chính, giá trị thương hiệu… đều sẽ tăng lên theo thời gian”, bà Dương thông tin thêm.

Mô hình phát triển kinh tế báo chí bền vững có 3 yếu tố cơ bản gồm: Đầu tư sản phẩm khác biệt; Đa dạng hóa nguồn doanh thu; Các nền tảng, hạ tầng kỹ thuật, và quy trình vận hành tòa soạn, cũng như chiến lược dài hạn của tòa soạn.

“Các tòa soạn đang nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển doanh thu một cách đa dạng. Dĩ nhiên, không thể “đặt hết trứng vào một giỏ”.

Nhiều cơ quan báo chí có đa dạng nguồn thu từ các hoạt động báo chí thu phí, quảng cáo, tài trợ, tổ chức sự kiện… Một số tòa soạn ở Đông Nam Á đang thử nghiệm cả mô hình thương mại điện tử.

Tuy nhiên, số lượng nguồn doanh thu chính tối ưu nhất của một tòa soạn để có biên lợi nhuận cao nhất chỉ nên dừng ở con số 4”, bà Dương lưu ý.

Ngọc Mai

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/don-dau-nhu-cau-moi-cua-doc-gia-de-phat-trien-kinh-te-bao-chi-ben-vung-2293415.html