Đón lũ

Đến hẹn lại lên, những người theo nghề câu lưới ở An Giang bắt tay chuẩn bị ngư cụ, sắm sửa đồ nghề đón mùa lũ mới. Năm trước, cá tôm về nhiều nên đời sống có phần 'dễ thở'. Bà con đang ngóng chờ con nước năm nay cũng hào phóng với những ai sống cùng mùa lũ.

Nhấp chén trà, ông Trần Văn Tánh (ngụ xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú) thư thả lôi mấy tay lưới đang “nằm yên” dưới sàn nhà ra vá dặm đôi chỗ bị rách. Ông cười cười: “Năm rồi êm, bà cậu đãi nên dân câu lưới như tui cũng có đồng vô kha khá. Tích cóp cũng có cái Tết tươm tất. Năm nay, thấy con nước đổ nên trong bụng cũng mong mùa lũ sẽ lớn một chút, để có thêm một năm đủ đầy cho con cháu trong nhà”.

Tỉ mẩn kiểm tra từng tấc lưới, ông Tánh cho hay, con nước năm nay vẫn đổ về “đúng hẹn”, tức là sau Tết Đoan ngọ (mùng 5, tháng 5 âm lịch) đã chuyển dần sang màu đỏ của phù sa. Tuy nhiên, sắc đỏ còn nhạt lắm. Theo kinh nghiệm, ông thấy lo vì có thể lũ không như mong đợi, bởi các năm trước tình hình cũng gần giống như thế. Tuy nhiên, do lũ ngày càng “trái tính, trái nết” nên kinh nghiệm dân gian cũng chỉ đúng một phần.

“Năm trước, gần cuối tháng 5 (âm lịch) nước cũng giống như hiện giờ. Sau đó, lũ lên nhanh rồi cho ngư dân mùa cá trúng. Tui đang chờ sẽ có một mùa nước giống hệt như năm ngoái. Sống với lũ riết rồi quen, năm nào tổ đãi thì cuộc sống sung túc hơn, năm nào thất thì mình cũng đắp đổi qua mùa nước mà không phải lo cơm áo” - ông Tánh chia sẻ.

Dỡ chà trên búng Bình Thiên trước mùa lũ

Dỡ chà trên búng Bình Thiên trước mùa lũ

Không chỉ ông Tánh, mà những người theo nghề câu lưới ở xứ đầu nguồn An Phú đều đã sẵn sàng ngư cụ cho mùa lũ mới. Có người đã mang ngư cụ ra sông, tìm kiếm mớ cá đầu mùa. Tuy nhiên, lượng thủy sản hiện nay chưa nhiều, bởi cá chưa tới mùa đẻ trứng. Đa phần, do cuộc sống nên họ đánh bắt quanh năm và trông vào mùa lũ như một “cứu cánh” cho cả 12 tháng dài ngụp lặn với nghề.

“Hiện giờ, người theo nghề câu lưới ngày càng ít đi. Ai còn trẻ đi làm công nhân ngoài tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, chỉ còn người lớn tuổi ráng lắc lẻo với nghề. Mà như vậy lại khá hơn. Làm công ty thu nhập ổn định quanh năm, không phải ngồi trông ngóng nước nôi làm gì. Như tui, mấy đứa con đi công ty hết nên đời sống đỡ hơn, mình ráng làm phụ họa thêm, được đồng nào thì lo cho sắp nhỏ đi học. Chứ sống chờ mùa nước như trước đây thì bấp bênh lắm!” - ông Tánh trải lòng.

Mím môi quăng những nhánh chà ra khỏi vèo, anh Tấn (ngụ xã Quốc Thái, huyện An Phú) không giấu được vẻ mệt nhọc. Anh cho hay, mình đang dỡ chà trước mùa lũ để kiếm cá đem ra bán chợ. Trong các nghề bà cậu, dỡ chà được xem là có nguồn thu ổn định và mang tính định kỳ với sản lượng rất khá. Tuy nhiên, cái khó là chi phí đầu tư ngư cự và tìm kiếm người phụ việc dỡ chà rất cực, vì người dân đa phần tìm việc làm ổn định, chẳng mấy khi họ rỗi việc để đi dỡ chà thuê.

“Đóng chà ở búng Bình Thiên thì cũng đỡ, nguồn cá mấy tháng mùa khô không ít, không nhiều. Được cái mùa khô giá cá “nhích lên”, nên mình cũng rộng rãi đồng vô. Mỗi lần dỡ chà được vài chục ký cá, bỏ sở hụi cũng còn được 7 - 8 triệu đồng. Giờ tui đang đợi mùa nước, mình dời chà vô sát bờ mà vẫn có cá nhiều, tới lúc đó lượng cá sẽ tăng, đời sống đỡ lên” - anh Tấn xởi lởi.

Ở vùng biên giới Tịnh Biên, anh Nguyễn Thanh Nam đón mùa lũ mới như những “đồng nghiệp” tại xứ đầu nguồn An Phú. Thoăn thoắt đôi tay thả lưới, anh có chút trầm ngâm khi được hỏi về tình hình con cá đầu mùa. “Hổm nay nước “quay”, nhưng cá dưới kênh Trà Sư vẫn chưa nhiều. Hôm trước, cá ngớp nhìn mê lắm nhưng tự dưng mấy bữa nay lặn mất tăm, chắc do đổi con nước. Tui ráng đợi vài bữa nữa, hy vọng kiếm được nhiều hơn, chứ kiểu này chỉ sống được qua ngày mà không để dành được đồng nào. Nhờ cá cũng dính lai rai, nếu chịu khó lặn lội thì mình cũng không lo đói” - anh Nam thật tình.

Ngoài việc thả lưới kiếm cá, anh Nam còn dựng vèo để nuôi cá theo kiểu “bán hoang dã” trong mùa lũ. Anh đã chuẩn bị xong chỗ nuôi, sắp tới sẽ thu mua cá nhỏ của ngư dân đổ vô vèo, nuôi đến tháng 10 (âm lịch) thì cất lưới. Năm trước, nhờ cách làm này mà gia đình anh có thêm nguồn thu ăn Tết. Anh hy vọng năm nay tổ sẽ đãi dân câu lưới thêm lần nữa. Trong trí nhớ của anh, khoảng chục mùa lũ gần đây, chỉ có năm trước là đời sống dân “bà cậu” đỡ vất vả. Còn lại, đa phần cứ quay quắt với cảnh đắp đổi cho qua mùa nước.

“Cuộc sống giờ thay đổi, tui cũng phải thích nghi. Mấy tháng mùa khô, mình đi chạy “xe ôm” hoặc phun xịt lúa thuê. Chỉ có tháng nước, mấy cánh đồng ven biên giới ngập hết, ngơi việc mới phải xuống kênh kiếm cá. Rồi vợ tui cũng đi làm phụ thêm để có nguồn thu lo cho mấy đứa con đi học. Thời này, một mình tôi không thể cáng đáng hết mọi chi phí sinh hoạt trong nhà. Mùa nước này, tui ráng chịu cực để có dư, sắm quần áo, sách vở cho mấy đứa con vô năm học mới” - anh Nam bộc bạch.

Dù nguồn sinh kế trong mùa lũ ngày càng khó khăn, nhưng những ai sống với nghề hạ bạc vẫn cứ ấp ủ hy vọng vào mẹ thiên nhiên. Bởi thế, họ đang tất bật chuẩn bị mưu sinh và đón chờ sự hào phóng của dòng nước sông Cửu Long những tháng tràn đồng, để có những nụ cười chân chất, hào sảng bên những chiếc xuồng chở cá đầy khoang.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/don-lu-a368942.html