Dồn lực hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar và Thái Lan
Trận động đất mạnh 7,7 độ richter ở miền Trung Myanmar ngày 28-3 cùng dư chấn đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở nước này, cũng như ảnh hưởng tới nước láng giềng Thái Lan. Trước tình hình trên, cộng đồng quốc tế đã chia sẻ mất mát và đưa ra các biện pháp hỗ trợ hai quốc gia Đông Nam Á khắc phục hậu quả trận động đất.
Hãng thông tấn Bernama của Malaysia đưa tin, trong tuyên bố chung ngày 29-3, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Myanmar và Thái Lan thông qua nhiều cơ chế như Đội đánh giá và ứng phó khẩn cấp ASEAN (ERAT), Hệ thống hậu cần khẩn cấp ứng phó thảm họa ASEAN (DELSA) và huy động các đội hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn đô thị (USAR). Sự hỗ trợ này sẽ dựa trên các ưu tiên mà Myanmar và Thái Lan đề ra. ASEAN sẽ phối hợp chặt chẽ thông qua Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thảm họa (AHA) để bảo đảm hoạt động cứu trợ diễn ra nhanh chóng, hiệu quả.
Tân Hoa xã dẫn thông tin từ chính quyền quân sự Myanmar, tính đến tối 29-3, số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất đã lên tới 1.644 người, 3.408 người bị thương, trong khi vẫn còn 139 người mất tích. CNN nhận định, đây là trận động đất mạnh nhất tấn công Myanmar trong hơn một thế kỷ. Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ ước tính số người thiệt mạng trong trận động đất ở Myanmar có thể lên tới hơn 10.000 người. Trước tình hình thảm khốc này, chính quyền quân sự Myanmar đã đưa ra lời kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Khung cảnh đổ nát của một tòa nhà bị sập ở thành phố Mandalay, Myanmar sau trận động đất. Ảnh: Getty Images
Trận động đất cũng làm rung chuyển nước láng giềng Thái Lan. Theo tờ Bangkok Post, Phó thống đốc Bangkok Tavida Kamolvej cho biết, động đất đã làm 10 người thiệt mạng, 16 người bị thương và 101 người mất tích tại 3 công trường xây dựng ở thủ đô Bangkok. Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã chủ trì cuộc họp khẩn nhằm đánh giá tác động và triển khai các giải pháp ứng phó sau trận động đất.
Một số quốc gia đã khẩn trương điều động lực lượng cứu hộ đến hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả động đất. Malaysia đã triển khai nhóm hỗ trợ đầu tiên gồm 10 chuyên gia từ Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia đến thành phố Yangon, Myanmar trong ngày 29-3 để đánh giá tình hình và hỗ trợ kỹ thuật. Nhóm thứ hai với 40 nhân sự dự kiến sẽ có mặt tại Myanmar vào ngày 30-3 để thực hiện các hoạt động cứu trợ theo những ưu tiên đã được xác định trước đó.
Tân Hoa xã dẫn thông tin từ Bộ Quản lý khẩn cấp Trung Quốc cho biết, sáng 29-3, đội cứu hộ quốc gia Trung Quốc gồm 82 thành viên mang theo thiết bị và vật tư cứu hộ đã lên đường tới Myanmar. Trước đó, vào sáng cùng ngày, đội cứu hộ gồm 37 thành viên từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và một nhóm gồm 16 tình nguyện viên từ đội cứu trợ dân sự Trung Quốc đã đến Myanmar.
Theo TASS, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga đã điều động hai máy bay chở 120 nhân viên cứu hộ và vật tư đến Myanmar. “Theo lệnh của Tổng thống Nga và Bộ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp, một nhóm nhân viên cứu hộ đã khởi hành đến Myanmar trên hai máy bay từ sân bay Zhukovsky ở ngoại ô Moscow để giúp khắc phục hậu quả trận động đất tàn khốc”, người phát ngôn của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết. Với kinh nghiệm dày dặn trong việc giải quyết hậu quả do thiên tai, bao gồm cả động đất mạnh, những người tham gia cứu hộ sẵn sàng thực hiện các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Đội cứu hộ của Nga có tất cả thiết bị cần thiết để tìm kiếm và giải cứu những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Trong khi đó, theo CNBC, Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar cho biết, máy bay vận tải quân sự C-130 của không quân Ấn Độ đã chở theo chăn, lều bạt, túi ngủ, bộ dụng cụ vệ sinh, gói thực phẩm, bộ đồ bếp và đèn năng lượng mặt trời tới Myanmar. Một đội tìm kiếm cứu nạn và một đội y tế cũng đi cùng chuyến bay.
Trước đó, ngày 28-3, Liên hợp quốc đã phân bổ 5 triệu USD từ Quỹ Ứng phó khẩn cấp trung ương (CERF) để hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả sau trận động đất kinh hoàng, đồng thời đánh giá thêm nhu cầu cứu trợ và phối hợp phản ứng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kích hoạt trung tâm hậu cần ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để cung cấp vật tư y tế cho Myanmar. Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo, ông đã trao đổi với các quan chức ở Myanmar, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington sẽ cung cấp một số hình thức hỗ trợ cho nước này sau trận động đất vừa qua. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng trợ giúp Myanmar và Thái Lan sau trận động đất mạnh gây nhiều thiệt hại về người và của.
Lực lượng cứu hộ ở Myanmar và Thái Lan đang dốc toàn lực tìm kiếm nạn nhân tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo số người thiệt mạng có thể còn tiếp tục tăng cao bởi công cuộc tìm kiếm, giải cứu các nạn nhân bên dưới những đống đổ nát thường tốn thời gian cũng như gặp nhiều khó khăn.