Dọn rác ý thức, khó thế sao? | Hà Nội tin mỗi chiều

Theo quy định hiện hành, đổ rác sai quy định có thể bị phạt đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, tại nhiều tuyến phố, ngõ trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại khá nhiều 'điểm đen' rác thải. Ngoài lý do một số người dân có ý thức kém, việc khó xử lý người vi phạm là nguyên nhân khiến tình trạng đổ rác bừa bãi còn phổ biến và ảnh hưởng đến môi trường sống, mỹ quan đô thị.

Một tờ báo lớn đã đăng tải thông tin này và nhiều hình ảnh mà có lẽ không cần mô tả, thì tất cả mọi người cũng hình dung ra: mùi, cảnh quan ở khu vực đó thế nào. Câu chuyện này không mới nhưng tại sao vẫn luôn tốn giấy mực của báo chí? Vứt rác đúng chỗ, khó đến vậy sao? Câu hỏi này hầu như mỗi người đều có câu trả lời cho riêng mình.

Việc đổ rác đúng nơi quy định, làm cho môi trường sống sạch sẽ thì người có lợi trước tiên là người dân, vậy sao vẫn có những điểm đen ô nhiễm ngay giữa Thủ đô?

Có một nghịch lý, nhiều người mong muốn đất nước, thành phố nơi mình sống luôn sạch sẽ và văn minh, rồi kêu gọi ý thức, chỉ trích hành vi của người khác, nhưng chính mình cũng xả rác. “Tiện tay thì vứt luôn rác xuống đất” đã trở thành thói quen xấu của nhiều người.

Rác thải tập kết không đúng quy định tại đầu ngõ 260 phố Cầu Giấy (quận Cầu Giấy). Ảnh: Hà Nội mới.

Rác thải tập kết không đúng quy định tại đầu ngõ 260 phố Cầu Giấy (quận Cầu Giấy). Ảnh: Hà Nội mới.

Thậm chí, cả khi đã có thùng rác nhưng người ta vẫn cố tình vứt ra ngoài hoặc vứt bên cạnh thùng rác. Điều này bắt nguồn từ thói ích kỷ cá nhân “miễn nhà mình sạch sẽ, ngoài đường bẩn thỉu như thế nào cũng mặc kệ” hay bởi tâm lý đám đông “thấy người khác làm được thì mình cũng làm theo có sao đâu”?

Có cả những người từng nói rằng "có công nhân vệ sinh môi trường dọn mà, lo gì". Lúc ấy, một câu hỏi được đặt ngược lại rằng: Nếu là công nhân vệ sinh môi trường, hằng ngày đi sớm về hôm dọn rác từng ngóc ngách, ai đó có đủ dũng cảm để làm công việc này như thế không?!

Tan ca làm hôm nay, bạn cứ để ý những người công nhân môi trường xem. Nếu rác quá nhiều, họ phải ngồi lên xe máy, lắp thêm một thanh kéo để kéo cái xe rác đến điểm tập kết. “Đây là cách mà chúng tôi thường làm để giải quyết những xe rác quá đầy, nếu đẩy tay thì quá nặng mà đường thì quá xa” - Một công nhân vệ sinh môi trường đã chia sẻ như vậy trên một tờ báo.

Không ai muốn làm một công việc vất vả, ảnh hưởng tới sức khỏe cả. Nhưng nếu mỗi người ý thức một chút, những sáng kiến bất đắc dĩ của các công nhân vệ sinh môi trường kia có lẽ sẽ không xuất hiện giữa một đô thị xinh đẹp như Thủ đô ta. Nó làm chúng ta nhớ tới chiếc công nông chạy văng khói đen, cát bay tứ tung giữa làng quê yên bình nơi mình sinh ra.

Thêm nữa, rác tại các điểm đen kia dĩ nhiên là chưa được phân loại rồi. Họ xả rác trộm nên đâu có thời gian mà phân loại, chỉ xong việc của họ, còn môi trường thì kệ.

Chỉ còn một tháng nữa là tới thời điểm 1/12/2024 - chính quyền các đô thị, địa phương có nghĩa vụ phải hoàn tất phương án thu gom và xử lý rác, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Chúng ta cùng chờ xem, hiệu quả đến đâu khi đâu đó, vẫn có những tiếng kêu "bịch" một cái ở bất cứ góc phố xinh đẹp nào đó như báo chí phản ánh.

Tại Phố sách Hà Nội, một khu phố gần như không có rác nhưng hôm ấy, ở một góc, mọi người mang rác tới tập kết. Những túi rác được phân loại sạch sẽ, chia vào các túi ngăn nắp được mọi người tự nguyện mang đến để ủng hộ cho chương trình "Đổi rác lấy cây" của một tổ chức thiện nguyện vì môi trường.

Thế là thay vì vứt rác đi, các tình nguyện viên nhận về và làm những sản phẩm tái chế như túi vải, tất... xinh xinh và rất đáng yêu. Người dân ở nhiều độ tuổi được nhận những mầm sen đá khi mang rác về để gieo mầm xanh thay cho lời cảm ơn.

Chương trình "Đổi rác lấy cây" của một tổ chức thiện nguyện vì môi trường tổ chức tại Phố sách Hà Nội. Ảnh: FB.

Chương trình "Đổi rác lấy cây" của một tổ chức thiện nguyện vì môi trường tổ chức tại Phố sách Hà Nội. Ảnh: FB.

Ông Lê Quốc Long ở số 20 Thợ Nhuộm thường xuyên có mặt tại nơi tổ chức chương trình "Đổi rác lấy cây" vào mỗi chiều thứ 6 cuối cùng trong tháng. Ông Long chia sẻ: “Thực ra việc này thông qua tuyên truyền, nhà tôi cũng phân loại rác lâu lắm rồi. Trong các buổi phân loại rác như thế này tôi cũng đã làm hằng ngày. Nếu không mang được tới đây thì cũng để riêng cho các đơn vị thu gom tại khu dân cư người ta phân loại từ nguồn. Rất mong cái hoạt động này nó được lan tỏa rộng trong thành phố”. Với ông Long, chính sự ra đời của những mô hình thu gom rác này đã thay đổi tích cực thái độ ứng xử với rác trong gia đình mình như thế.

Còn với tình nguyện viên, ai cũng vui. Đơn giản vì họ đang làm việc nên làm và lan tỏa điều đó. Bảo sao, có cả những cô, bác cũng chung tay hỗ trợ Ban Tổ chức. Một Hà Nội thật xanh, thật lành hiện lên trong mắt bao du khách.

Nếu lướt mạng xã hội thường xuyên, bạn sẽ thấy hình ảnh cầu Long Biên khi bão Yagi vào với ngập ngụa rác và hình ảnh hiện tại, dòng nước sông Hồng sạch trong, bên bờ hoa nở đầy bình yên.

Ở dưới bức hình so sánh đấy, đa phần những biểu tượng cảm xúc đều thả "trái tim". Điều này cho thấy không ai khước từ vẻ đẹp cả, vì vậy chúng ta cùng làm đẹp ý thức của mình với các bạn "rác". Đó cũng là một cách thể hiện tình yêu, trách nhiệm với mảnh đất thân yêu này.

Lê Thông

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/don-rac-y-thuc-kho-the-sao-ha-noi-tin-moi-chieu-276869.htm