Đơn vị nào phải tự lo kinh phí giải quyết chế độ, chính sách khi tinh gọn bộ máy?

Kinh phí giải quyết chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi tinh gọn bộ máy khác nhau giữa các loại hình đơn vị.

Nghị định số 178/2024/NĐ-CP có quy định về nguồn kinh phí giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp tổ chức bộ máy (ảnh minh họa)

Nghị định số 178/2024/NĐ-CP có quy định về nguồn kinh phí giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp tổ chức bộ máy (ảnh minh họa)

Nghị định số 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nêu rõ: Đối với cán bộ, công chức; cán bộ, công chức cấp xã; lực lượng vũ trang và người lao động (trừ người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập) thì kinh phí giải quyết chính sách, chế độ do ngân sách nhà nước cấp.

Đối với viên chức và người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập chia làm 3 trường hợp.

Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên thì kinh phí giải quyết chính sách, chế độ từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị và nguồn thu hợp pháp khác.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm một phần chi thường xuyên, kinh phí giải quyết chính sách, chế độ từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị, nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu hợp pháp khác. Ngân sách nhà nước sẽ bố trí kinh phí giải quyết chính sách, chế độ trên số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, kinh phí giải quyết chính sách, chế độ do ngân sách nhà nước cấp.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau hợp nhất, sáp nhập thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phù hợp vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức thì ngoài kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức đã được bố trí hằng năm theo quy định, được cấp bổ sung kinh phí đào tạo, bồi dưỡng bằng 5% tổng quỹ lương cơ bản (không bao gồm phụ cấp) trong năm đầu thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Ngân sách nhà nước bảo đảm đủ toàn bộ khoản kinh phí tương đương với số tiền đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất cho thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ hưu trước tuổi trong thời gian từ đủ 5 năm đến đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu.

PHONG TUYẾT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nguon-kinh-phi-giai-quyet-che-do-chinh-sach-khi-tinh-gon-bo-may-tu-dau-402770.html