Đơn vị tiên phong về cải cách hành chính và chuyển đổi số
Cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số đã được các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Bình Dương đẩy mạnh triển khai thời gian qua đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Trong đó, Hải quan tỉnh Bình Dương đang được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), góp thúc đẩy lĩnh vực xuất, nhập khẩu (XNK) tỉnh nhà phát triển ngày một nhanh hơn.
Có tờ khai chỉ mất vài giây
Ông Lê Duy Hùng, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty Lee - Suy Vina (KCN Việt Hương) chia sẻ, công ty nơi ông đang làm việc chuyên về lĩnh vực may mặc, có vốn đầu tư của Hàn Quốc. Trước đây, thực hiện theo tờ khai giấy tại chi cục Hải quan thường phải mất 30 phút, thậm chí là hết một ngày, hiện nay doanh nghiệp chỉ cần mất vài giây là xong một tờ khai. Doanh nghiệp chỉ cần nhập dữ liệu lên, sau 2 giây là nhận kết quả phản hồi, lúc đó sẽ biết ngay được hàng hóa thuộc hình thức luồng xanh, vàng hay đỏ. Nếu là luồng xanh chỉ mất vài giây, nếu luồng vàng đợi kết quả từ 5-15 phút, còn luồng đỏ kéo dài từ 15-30 phút, tùy thuộc vào mặt hàng.
Theo ông Hùng, khi CCHC chưa được đổi mới, thường mỗi ngày ông phải đến xếp hàng theo thứ tự, người đến trước làm trước, người đến sau làm sau, bây giờ doanh nghiệp chỉ cần ngồi ở nhà, ngồi tại công ty hay bất kỳ nơi đâu, chỉ cần có Internet là có thể làm được tờ khai điện tử. Trước đây, trung bình mỗi ngày có 4 tờ khai, ông Hùng phải đến chi cục Hải quan khoảng 6-7 lần, bây giờ mỗi tháng chỉ phải trực tiếp đến 2-3 lần, chủ yếu đến nhận các thông báo, hướng dẫn hoặc có vướng mắc gì thì tham vấn tháo gỡ, còn lại tất cả làm trên máy.
“Tiết kiệm được thời gian, chi phí, doanh nghiệp có thêm điều kiện để thực hiện những chiến lược sản xuất, kinh doanh. Theo tôi, Bình Dương là địa phương đi đầu trong công tác CCHC và áp dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là trong ngành Hải quan. Điều đó giúp doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều”, ông Hùng đánh giá.
Bà Nguyễn Thị Quế Thanh, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Khu công nghiệp KCN Việt Hương cho biết, Ban lãnh đạo Chi cục thường xuyên quan tâm chỉ đạo, luôn xác định công tác cải CCHC là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng năm đều xây dựng kế hoạch thực hiện, mỗi tháng có rà soát đánh giá, sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, Chi cục thường xuyên duy trì và kiện toàn Tổ tư vấn giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, tiếp nhận, xem xét và đề xuất giải quyết các vướng mắc, khó khăn; hướng dẫn thủ tục hải quan, giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức như trực tiếp, bằng văn bản, email, nhóm zalo.
Duy trì triển khai dịch vụ công trực tuyến đã tạo thuận lợi rất nhiều cho các doanh nghiệp trong việc cắt giảm thời gian và chi phí thông quan, tiến tới thủ tục hành chính phi giấy tờ. Thống kê tổng số hồ sơ tại Chi cục Hải quan Việt Hương được thực hiện trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến của Tổng cục Hải quan năm 2023 là 1.336 hồ sơ. Thực hiện giám sát và vận hành hệ thống VNACCS/VCIS luôn đảm bảo ổn định, an ninh, an toàn 24/7. Triển khai đầy đủ các chương trình vệ tinh hỗ trợ nghiệp vụ hải quan theo lộ trình của Tổng cục Hải quan. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ đầu năm 2023 đến nay gần 64 ngàn hồ sơ đã được tiếp nhận và giải quyết kịp thời.
Bên cạnh đó, Chi cục Hải quan KCN Việt Hương còn áp dụng hệ thống tiếp nhận thông tin về sự hài lòng của khách hàng. Việc triển khai hệ thống đánh giá sự hài lòng của khách hàng đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực, ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp được thu thập nhanh chóng, chính xác và bảo mật, điều này đã giúp lãnh đạo đơn vị đánh giá được thái độ phục vụ của công chức. Qua đó góp phần xây dựng hình ảnh công chức hải quan văn minh, lịch sự, thân thiện trong mắt các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan. Kết quả đến thời điểm hiện tại đã có 108 lượt đánh giá với tỷ lệ hài lòng của khách hàng luôn đạt 100%.
“Công tác CCHC, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, được doanh nghiệp đánh giá cao bởi đã từng bước đơn giản hóa và minh bạch các tủ tục hành chính (TTHC), rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động XNK, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trên địa bàn, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật”, bà Thanh nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Út, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan KCN Việt Nam - Singapore cho hay, Chi cục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN trong khi thực hiện TTHC liên quan đến hoạt động XNK, chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho họ trong quá trình làm thủ tục, giảm thiết lập tiêu chí, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa…
Chi cục cũng đẩy mạnh áp dụng tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua môi trường điện tử, giảm thủ tục; sử dụng có hiệu quả các chương trình, ứng dụng: VNACCS/VCIS, MGH, DVC trực tuyến, một cửa quốc gia kết nối ASEAN gắn với áp dụng nền tảng QLRR trong hoạt động của đơn vị.
Hiệu quả có thể nhận thấy rõ rệt nhất là mặc dù địa bàn tỉnh Bình Dương thực hiện các giải pháp quản lý khá chặt chẽ giữa lúc cao điểm dịch Covid-19 năm 2021 nhưng hoạt động XNK của doanh nghiệp vẫn đảm bảo thông suốt, không gây ách tắc hàng hóa XNK, không gây gián đoạn chuỗi cung ứng trên địa bàn. Kết quả này được đơn vị duy trì, giữ vững trong năm 2022 và phát huy trong năm 2023.
Ông Út cho rằng, để đánh giá hiệu quả hoạt động này tại Chi cục một cách thực chất, Chi cục đã triển khai Kios để doanh nghiệp đến làm thủ tục đánh giá trực tiếp đối với từng cán bộ công chức, từng khâu của quy trình nghiệp vụ, và kết quả đánh giá này ngay lập tức được gửi đến lãnh đạo cơ quan khi doanh nghiệp hoàn tất thao tác.
Tạo hình ảnh đẹp trong mắt nhà đầu tư
Ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết, Cục Hải quan tỉnh luôn xác định công tác CCHC là nhiệm vụ rất quan trọng. Do đó Cục Hải quan tỉnh Bình Dương thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ, của ngành và địa phương.
Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã thực hiện niêm yết công khai, cập nhật thường xuyên, kịp thời các TTHC, các quy định về quy trình thủ tục hải quan, thời gian thực hiện thủ tục từng khâu nghiệp vụ tại trụ sở Cục và các Chi cục, đăng trên Website của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương để doanh nghiệp biết và thực hiện. Tham gia rà soát, đánh giá để đơn giản hóa các TTHC không cần thiết nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong các hoạt động hải quan.
Hải quan tỉnh Bình Dương đã triển khai hệ thống tiếp nhận thông tin về sự hài lòng của khách hàng đến tất cả các Chi cục trực thuộc, phân công công chức chuyên trách theo dõi, đảm bảo hệ thống luôn sẵn sàng hoạt động tốt để doanh nghiệp thuận tiện đánh giá sự hài lòng của khách hàng. Việc triển khai hệ thống đánh giá sự hài lòng của khách hàng đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực, ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp được thu thập nhanh chóng, chính xác và bảo mật, điều này đã giúp lãnh đạo đơn vị nhận biết được thái độ phục vụ của công chức. Qua đó góp phần xây dựng hình ảnh công chức hải quan văn minh, lịch sự, thân thiện trong mắt các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan.
“Nhìn chung, nhiệm vụ hợp tác, đối tác Hải quan - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong nhiều năm qua luôn được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về tính đổi mới, hiệu quả”, ông Hiệu nói.
Theo lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, ngành luôn duy trì triển khai dịch vụ công trực tuyến đã tạo thuận lợi rất nhiều cho các doanh nghiệp trong việc cắt giảm thời gian và chi phí thông quan, tiến tới TTHC phi giấy tờ. Trong quý III năm 2023, tổng số hồ sơ được thực hiện trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến của Tổng cục Hải quan đạt gần 5 ngàn hồ sơ.
Tiếp tục duy trì giải quyết TTHC trong lĩnh vực hải quan theo quy định của pháp luật, quy trình, quy định của ngành, không gây phiền hà, sách nhiễu cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC.
Đối với công tác chuyển đổi số (CĐS) là một xu hướng tất yếu mà Cục Hải quan tỉnh đang cùng với toàn ngành Hải quan quyết tâm triển khai. Riêng nhiệm vụ trong năm 2023 đã, đang và sẽ thực hiện tập trung các nhóm công tác CĐS gồm các nội dung trọng tâm như: Triển khai công tác CĐS trong công tác nghiệp vụ hải quan, xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Hỗ trợ và thúc đẩy CĐS của doanh nghiệp và các bên có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ với quá trình CĐS của ngành; Tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện môi trường pháp lý và quy trình, thủ tục đáp ứng yêu cầu CĐS ngành Hải quan; Cử công chức tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực và xây dựng môi trường văn hóa đáp ứng yêu cầu CĐS ngành.
Để đồng hành cùng công tác CĐS của tỉnh Bình Dương, Cục Hải quan tỉnh đã cử công chức tham gia Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, thực hiện đề án 06 và thành phố thông minh Bình Dương. Đẩy mạnh công tác trao đổi dữ liệu điện tử với các cơ quan chức năng trong tỉnh Bình Dương, Cục Hải quan tỉnh đã thực hiện: Phối hợp cung cấp dữ liệu về tình hình XNK của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương cho Trung tâm điều hành thông minh IOC tỉnh Bình Dương; Trao đổi dữ liệu thông tin với công ty Điện lực Bình Dương về sản lượng điện tiêu thụ của các doanh nghiệp để phục vụ cho công tác quản lý, đánh giá rủi ro đối với các doanh nghiệp nhập khẩu miễn thuế hàng gia công, sản xuất, xuất khẩu và chế xuất.
Cục Hải quan tỉnh đã tham gia hoàn thiện hệ thống quy trình thủ tục theo hướng số hóa, ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại của cuộc Cách mạng 4.0 đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan số. Tham gia xây dựng Đề án tái thiết hệ thống công nghệ thông tin hải quan và xây dựng hải quan số thống nhất với kiến trúc Chính phủ điện tử, xây dựng cơ sở dũ liệu tập trung kết nối với các trang thiết bị thông minh nhận dạng hình ảnh và ứng dụng phân tích dữ liệu lớn trong giai đoạn 2021- 2025 của Tổng cục Hải quan.
Đặc biệt, Hải quan Bình Dương đã thực hiện kế hoạch kiểm tra giám sát theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ 4.0, trang thiết bị hiện đại phục vụ thực hiện mô hình hải quan số. Sử dụng hiệu quả 3 máy soi container di động trong hoạt động kiểm tra, giám sát hàng hóa. Đến ngày 15/6/2023, qua công tác soi chiếu đã phát hiện 22 vụ vi phạm và đã tiến hành xử phạt hành chính đối với các đơn vị vi phạm.
Tại cuộc họp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06, thành phố thông minh vừa diễn ra, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương mong muốn, các cấp, các ngành và địa phương, các đơn vị thường trực Ban chỉ đạo tỉnh cần tập trung theo dõi, triển khai thực hiện quyết liệt công tác CCHC, CĐS, Đề án 06, xây dựng thành phố thông minh. Chú trọng triển khai theo đúng kế hoạch, đánh giá quá trình triển khai thực hiện, tập trung tháo gỡ các "điểm nghẽn" và bám sát thực tế để phối hợp giải quyết, đảm bảo đạt kết quả cao nhất. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, đẩy mạnh mua sắm trang thiết bị phục vụ theo kế hoạch, đề nghị các sở, ngành, địa phương sớm công bố đầy đủ các TTHC, hạn chế đến mức thấp nhất hồ sơ trễ hẹn và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ.