Đồng bằng sông Cửu Long cần tư duy đột phá, thích ứng chủ động
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận phát triển theo hướng “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công - tư, đời sống chất lượng”, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND TP Cần Thơ và các cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ để triển khai Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Nghiên cứu đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh lúa gạo, hỗ trợ thỏa đáng cho các địa phương, hộ nông dân giữ ổn định đất trồng lúa, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa địa phương phát triển công nghiệp với địa phương chuyên trồng lúa.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí kinh phí thường xuyên để thực hiện các chương trình, đề án liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL được phê duyệt. Đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm để phát triển, mở rộng hệ thống bảo hiểm nông nghiệp.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương xây dựng các ngành hàng chiến lược, gắn với định hướng phát triển các vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại hàng nông sản vào các thị trường tiềm năng, nhất là các sản phẩm nông sản chủ lực, thế mạnh của vùng ĐBSCL.
Tạo việc làm tại chỗ cho người dân
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ KH&CN chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ DN, nông dân, hợp tác xã (HTX) nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng cao và nhiều cơ hội việc làm tại chỗ cho người dân vùng ĐBSCL; triển khai Chương trình KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật đất đai theo hướng phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp; tạo thuận lợi cho tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tạo điều kiện huy động nguồn lực ngoài ngân sách khắc phục sạt lở bờ biển.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương trong vùng rà soát quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn, bố trí lại dân cư, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ sạt lở vùng ĐBSCL…
Triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, logistics
Theo Chỉ thị, Bộ GTVT chủ trì chỉ đạo, triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống logistics ở vùng ĐBSCL, bảo đảm kết nối giữa các phương thức vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics; phối hợp với các địa phương huy động nguồn lực để xây dựng khu bến cảng đầu mối, trong đó nghiên cứu các phương án xây dựng cảng biển nước sâu đã được quy hoạch tại vùng ĐBSCL.
Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và Hội Nông dân Việt Nam xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn; thu hút lao động tay nghề cao về làm việc tại vùng ĐBSCL.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu để có chính sách đủ mạnh, ưu đãi, hỗ trợ tín dụng cho HTX, DN nhỏ và vừa, hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái; tăng quy mô cho vay, giảm thủ tục vay.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phối hợp với Bộ NN&PTNT và cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL…
Ngày 21/6 tới, tại Cần Thơ sẽ diễn ra hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ.
Tại công văn (hỏa tốc) số 3756/VPCP ngày 17/6/2022, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ NN&PTNT, GTVT, Công Thương, VH-TT&DL, TT&TT và UBND các tỉnh/thành vùng ĐBSCL khẩn trương chuẩn bị, tổ chức hội nghị, triển lãm ảnh nghệ thuật về vùng ĐBSCL và các hoạt động liên quan, bảo đảm ý nghĩa, hiệu quả, đúng pháp luật.
Về kịch bản chương trình, tại hội nghị không thực hiện việc trao hồ sơ Quy hoạch để tăng thêm bài phát biểu của một số tỉnh ĐBSCL và hiệp hội DN các nước…