Đồng bằng sông Cửu Long có cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh song lại có điểm nghẽn hạ tầng giao thông

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, song có những điểm nghẽn, hạn chế, đặc biệt là về hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông.

Sáng 16/10, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với việc phát triển hạ tầng chiến lược cả nước nói chung, đặc biệt là vùng ĐBCSL nói riêng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với việc phát triển hạ tầng chiến lược cả nước nói chung, đặc biệt là vùng ĐBCSL nói riêng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với việc phát triển hạ tầng chiến lược cả nước nói chung, đặc biệt là vùng ĐBCSL nói riêng.

ĐBSCL có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, song có những điểm nghẽn, hạn chế, đặc biệt là về hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Những hạn chế về hạ tầng giao thông làm tăng chi phí logistics, chi phí đầu vào, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, không tạo ra không gian phát triển mới, hạn chế việc tái cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại khu vực này.

Thủ tướng nhắc lại gần đây nhất, cách đây 3 tháng, ngày 12 và 13/7/2024, ông đã cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trực tiếp kiểm tra, đánh giá tại hiện trường và tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL. Hội nghị lần này được tiếp tục tổ chức để đánh giá tình hình triển khai các công việc, chỉ ra những việc đã làm tốt, rút ra các kinh nghiệm quý, bài học hay để tiếp tục làm.

Đồng thời, nhận diện những khó khăn, vướng mắc về nguyên vật liệu, thủ tục, vốn, giải phóng mặt bằng, triển khai trên thực địa của các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, từ đó kịp thời tháo gỡ ngay, không để trì trệ, kéo dài.

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Thủ tướng cho biết, thực hiện yêu cầu của Hội nghị Trung ương 10 và chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt, Chính phủ đang đề xuất sửa đổi các luật theo hướng địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin cho, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó có việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông lớn.

Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố cũng cần ủng hộ tinh thần này; các bộ, ngành chỉ tập trung vào công tác quản lý nhà nước (như xây dựng kế hoạch, chương trình, luật pháp, cơ chế, chính sách, quy hoạch; thiết kế các công cụ kiểm tra, giám sát đầu ra…).

Nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông tại ĐBSCL trong bối cảnh nhân dân trông đợi, yêu cầu phát triển cao, Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT báo cáo rõ tình hình triển khai các dự án; Bộ TN&MT báo cáo rõ về tình hình vật liệu xây dựng (đá, cát, sỏi…); Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính báo cáo về tình hình cân đối, bố trí vốn; các địa phương thiếu vật liệu san lấp báo cáo việc đến nay còn khó khăn không; các địa phương có nguồn vật liệu san lấp (Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre…) báo cáo rõ việc cung ứng cho các dự án; các ban quản lý, nhà thầu, tư vấn báo cáo rõ còn có vướng mắc gì không, cần giải pháp gì…

Thủ tướng yêu cầu, ngoài các dự án đường bộ, cần tiếp tục bàn các nhiệm vụ, giải pháp triển khai các dự án các sân bay, bến cảng… cho vùng ĐBSCL.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, tỉnh Cà Mau phải nỗ lực hoàn thành dự án sân bay Cà Mau, máy bay cất hạ cánh được vào dịp 30/4/2025. "Chúng ta không thể để chậm chỉ vì lý do thủ tục, trong khi nhân dân ngày đêm mong chờ, yêu cầu phát triển phải có sân bay", Thủ tướng nêu rõ.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay, khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng.

Các dự án gồm: Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ-Cà Mau gồm 2 đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau; (2) Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng gồm 4 dự án thành phần; (3) Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu gồm 2 dự án thành phần; (4) Dự án cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh; (5) Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận; (6) Dự án Cao Lãnh-Lộ Tẻ; (7) Dự án Lộ Tẻ-Rạch Sỏi; (8) Dự án cầu Rạch Miễu 2; (9) Dự án cầu Đại Ngãi.

Trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Dự án cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.

Trong tổng số 8 dự án đang triển khai, 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207 km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000 km và 2 dự án cầu, đường bộ.

Công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc đang triển khai đạt trên 99%, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công, song vẫn chưa hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (vào tháng 9/2024). Dự án Cần Thơ-Cà Mau đạt 99,9%; dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đạt 99%; dự án Cao Lãnh-An Hữu đạt 98,5%; dự án cầu Đại Ngãi 99,5%. Riêng dự án đường Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu thi công (đoạn qua tỉnh Kiên Giang đạt 56%, qua tỉnh Bạc Liêu đạt 82%); dự án Cao Lãnh-Lộ Tẻ còn vướng mặt bằng tại nút giao Lộ Tẻ (qua Cần Thơ).

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-bang-song-cuu-long-co-co-hoi-noi-troi-loi-the-canh-tranh-song-lai-co-diem-nghen-ha-tang-giao-thong-post317066.html